Tóc của trẻ sơ sinh thường được dân gian gọi là tóc máu. Đây là lớp tóc đầu tiên, được hình thành từ khi bé con nằm trong bụng mẹ. Xét về mục đích, tóc máu chính là cái áo bên ngoài, che chắn cho da đầu và não của bé khi nó chưa phát triển hoàn thiện. Gọi là tóc máu như cấu trúc tóc lại không khác gì tóc bình thường và nó rụng theo cơ chế tự nhiên. Tuy nhiên, thời gian để tóc máu tự rụng đi sẽ cần đến một năm đầu sau sinh và không rụng như kiểu thay tóc một loạt mà diễn ra không đồng đều.
Tục cắt tóc cho trẻ sơ sinh xưa và nay
Theo quan niệm của nhiều người, việc cắt tóc máu trẻ sơ sinh chính là “đốt vía” cho bé. Thậm chí, ngày cắt tóc cho bé còn được định sẵn.
Đó là một nghi thức cho thấy trẻ đã bắt đầu cuộc sống mới, trở thành viên trong gia đình và phải hòa nhập với cuộc sống bên ngoài bụng mẹ. Vậy khi nào cắt tóc cho trẻ sơ sinh và có nhất thiết phải ấn định một ngày chung cho tất cả? Thực ra, đây là ý muốn của riêng mỗi gia đình áp đặt cho trẻ. Có nhà cắt tóc ngay khi trẻ tròn 6 tháng nhưng cũng có nhà phải đợi thôi nôi xong mới dám cắt. Trước kia, nhiều người cho rằng cắt tóc sớm để tóc mọc ra dày, vào nếp và suông đẹp hơn. Nhưng hiện nay, mọi người đã bắt đầu hiểu ra rằng tóc máu chính là lớp tóc bảo vệ đầu bé khi còn non nớt nên không vội cắt ngay mà đợi đến khi thóp đầu đã liền và da đầu bớt mỏng mới dám nghĩ đến việc cắt tóc cho bé.
Ở một số nơi, sau khi cắt tóc máu xong, mọi người còn cẩn thận cho vào trong túi vải để thả trôi sông. Ý nghĩa của việc làm này giống như một hình thức để cầu an cho cuộc đời của bé được hanh thông. Ngày nay, sau khi cắt tóc máu, các bà mẹ trẻ sẽ giữ lại một ít để dành làm kỷ niệm.
Có đúng cắt tóc cho trẻ sơ sinh xong, tóc sẽ ra dày mượt hơn không?
Điều này có thể đúng nhưng cũng có thể không. Thực ra, bản thân mỗi bé đều được di truyền chất tóc từ bố mẹ. Một số trẻ ngay khi vừa sinh ra đã có mái tóc đen, dày và mượt. Trong khi đó, một số bé tóc lưa thưa và rất mỏng. Đây chính là cái mà các nhà khoa học gọi là gene. Cấu trúc gene của mỗi bé được bố mẹ truyền lại trong chuỗi DNA sẽ quyết định nên chất tóc và màu tóc của bé. Chính vì vậy, sẽ không có chuyện cắt tóc máu đi sẽ làm thay đổi chất tóc vì gene thì không bao giờ có thể thay đổi. Ngoài ra, cũng không chuyện cắt tóc sớm làm tóc mọc ra cứng như rễ tre như mọi người vẫn nghĩ vì đây vẫn là vấn đề của gene di truyền.
Cắt tóc máu cho trẻ sơ sinh có ảnh hưởng gì không?
Đi kèm với thắc mắc khi nào cắt tóc cho trẻ sơ sinh, không ít người băn khoăn không biết cắt tóc máu như thế có an toàn cho bé không. Từ góc nhìn y khoa, bạn sẽ câu trả lời cho mình.
Thông thường, phải trên 1 tuổi, thóp của bé mới dần khép lại. Vì vậy, việc cắt tóc máu sớm cho trẻ có thể vô tình làm tổn thương đến lớp da đầu còn rất mỏng có tác dụng bảo vệ hộp sọ bên trong. Mặt khác, tóc máu còn có công dụng giữ ấm thóp đầu cho bé nên chắc chắn việc cắt tóc cho trẻ sơ sinh sớm sẽ không hề có lợi. Do đó, không nên cắt tóc cho trẻ sơ sinh nếu bé chưa đủ 1 tuổi nhé!
Những lưu ý khi cắt tóc máu cho trẻ
- Nếu muốn cắt tóc máu sớm cho bé, không nên cắt khi bé chưa đủ 6 tháng tuổi.
- Bé đang bệnh, mệt, không khỏe thì không nên cắt tóc máu.
- Cắt tóc cho bé càng nhanh càng tốt và phải chọn thợ lành nghề.
- Không cắt tóc khi bé đang ngủ vì điều này tiềm ẩn nhiều tai nạn nguy hiểm hơn cả khi bé thức.
- Cắt tóc trước khi bé tắm để tránh vụn tóc làm xót người bé.
Như vậy là bạn đã biết khi nào cắt tóc cho trẻ sơ sinh và cắt như nào để đảm bảo an toàn cho bé rồi phải không? Nếu thích hữu ích, hãy share thông tin này cho bạn bè nhé!
Yeutre.vn (Tổng hợp)