Khi thấy con bày đồ chơi khắp nhà, ném khắp nơi, các mẹ không ít lần cảm giác bực bội, thậm chí “phát điên”. Nếu bạn chỉ nói miệng “Dọn đồ vào đi con”, trẻ sẽ khó nghe lời theo hoặc lần sau lại quên dọn sau khi chơi. Hãy tham khảo những mẹo dưới đây để áp dụng cho bé nhà mình.
Tạo cho bé thói quen thu dọn đồ sau khi chơi sẽ giúp bé ngăn nắp hơn khi trưởng thành.
1. Tập càng sớm càng tốt
Để bé hình thành thói quen tốt, trong đó có dọn đồ sau khi chơi, cha mẹ cần hướng dẫn, dạy cho trẻ càng sớm càng tốt. Ban đầu, cha mẹ hướng dẫn bé lấy đồ chơi trong giỏ đồ, sau đó cùng nhặt đồ chơi vào giỏ khi không chơi nữa. Nếu việc này lặp lại thường xuyên, nhất là khi có cha mẹ làm cùng, bé sẽ dễ làm theo.
2. Cha mẹ làm gương
Sau khi làm xong việc gì như sửa xe máy, sửa nhà, nhặt rau… cha mẹ hãy tự thu dọn đồ gọn gàng. Bởi trẻ thường bắt chước người lớn, trong đó có cha mẹ nên các bậc phụ huynh hãy là người thầy tốt nhất của con.
3. Biến việc dọn đồ thành t rò chơi vui vẻ
Cha mẹ hãy biến việc dọn đồ vốn nhàm chán với bé trở thành một hoạt động vui vẻ hoặc một trò chơi thú vị. Chẳng hạn, bạn và bé thi xem ai nhặt đồ nhanh hơn, nhiều hơn trong một khoảng thời gian nhất định. Hoặc đưa ra mục tiêu con phải nhặt được 10-15 món đồ chơi cất vào giỏ trước giờ ăn trưa/tối, trước khi được cha mẹ đưa ra ngoài vui chơi, đi dạo… Chắc chắn bé sẽ rất thích thú khi nhặt đồ chơi cho vào giỏ.
4. Đừng quên đưa ra các quy tắc khi chơi
- Mẹ và bé có thể cùng nhau lập ra quy tắc chơi, ví dụ, mẹ viết ra các quy tắc không vứt đồ chơi, bé nêu ra các quy tắc cất giữ đồ chơi… Mẹ và bé cùng treo bản quy tắc ở góc chơi của bé, như vậy bé sẽ nhớ lâu. Để cho bản quy tắc thêm bắt mắt, các mẹ hãy dán thêm hình ảnh, tô màu sắc để thêm sinh động, bé càng thích thú, vì thế dễ thực hiện theo.
- Giải thích cho bé hiểu vì sao mình cần phải sắp xếp đồ chơi gọn gàng như để giữ đồ chơi sạch sẽ, không bị vi khuẩn tấn công; không bị “người xấu” lấy mất, nền nhà sạch sẽ.
Tạo cho trẻ chổ cất đồ chơi thú vị và đẹp mắt sẽ giúp bé hứng thú hơn với việc thu dọn "bãi chiến trường".
- Cùng bé thu dọn đồ chơi khi bé không chơi nữa. Để tạo không khí cho việc thu dọn “bãi chiến trường” mẹ và bé có thể vừa làm vừa hát hoặc trò chuyện với nhau về những món đồ chơi để bé thấy việc dọn đồ chơi không quá lâu và nhàm chán.
5. Động viên, khen thưởng kịp thời
Khi bé biết dọn đồ cất gọn gàng sau khi chơi, cha mẹ đừng quên động vien bé bằng những lời khen hay những phần thưởng vui, thú vị. Chẳng hạn, tặng cho bé một miếng dán bé ngoan mỗi lần biết tự dọn đồ chơi. Các bé đều thích miếng dán và muốn thành quả của mình được đánh dấu trên cánh tủ lạnh, chẳng hạn, cho cả nhà cùng xem. Khi tích đủ miếng dán bé ngoan, bạn có thể tìm phần thưởng nào thú vị để khích lệ bé như đồ chơi xếp hình, siêu nhân, gấu bông, kẹp tóc, nơ…
6. Kiên nhẫn, nhắc nhở bé thường xuyên
Các bậc phụ huynh đừng vộ “lâm vào trận chiến” với bé nếu đã hướng dẫn, nhắc nhở nhưng bé vẫn không nhớ và thực hiện. Bởi điều này sẽ tạo ấn tượng xấu cho bé, làm bé càng không thích thú với công việc thu dọn đồ chơi về sau. Thay vào đó, hãy kiên nhẫn với bé vì trẻ nhỏ thường hay quên những quy định. Bé sẽ hình thành được thói quen ngăn nắp sau khi chơi nếu cha mẹ chịu khó nhắc nhở thường xuyên.
Yeutre.vn