Giáo sư Ngô Bảo Châu cho rằng, bố với con không nên là bạn
Điều quan trọng nhất vẫn là dành thời gian cho con
Đã có lúc Giáo sư Ngô Bảo Châu tin những gì được ghi trong sách vở. Nhưng dần dà, ông nhận ra, chúng không dành cho con của mình. Nghiệm ra điều này, ông hiểu rằng điều quan trọng nhất là dành thời gian ở bên con, lắng nghe và thấu hiểu con để động viên đúng lúc những khi con cần.
Cũng như mọi ông bố, ông từng mắc sai lầm khi cho rằng điều gì mình thấy tốt cũng sẽ tốt cho con của mình. Tuy nhiên, ông nhận ra mỗi đứa trẻ là một cá tính riêng biệt và để nhận ra điều gì tốt cho con không phải chuyện dễ. Chính vì thế, ông càng dành nhiều thời gian cho con hơn để phát hiện tiềm năng trong con người con và giúp chúng phát huy thành năng lực thực tại. Mặc dầu vậy, ông cho rằng, có những việc làm luôn đúng cho mọi đứa trẻ, chẳng hạn cùng đọc sách với con mỗi ngày.
Bố phải làm bố, không làm bạn con
Không đồng quan niệm với kiểu cách mạng giáo dục đối xử với con như một người bạn, giáo sư Ngô Bảo Châu cho rằng đó là một sai lầm. Theo ông, cũng như học trò muốn ông làm thầy, con cái cũng cần ông làm một người bố thực thụ. Có thể làm bạn sẽ vui hơn nhưng với các con điều này chỉ mang đến những thiệt thòi.
Ông cũng khẳng định điều này không có nghĩa là ông trở nên độc tài với các con mình mà là tạo nên một vài ranh giới để trẻ ý thức mình không được phép vượt qua. Đó là lý do trong một số trường hợp khi bạn không thể giải thích được vì sao bạn thay con quyết định việc gì đó, thì trẻ sẽ không quay sang trách móc, giận dỗi bạn. Và dĩ nhiên, để có được điều này, bạn phải là người không tùy tiện, lúc này lúc khác mà phải nhất quán và cương nghị.
Có những vấn đề không nên nói với trẻ. Theo ông, đó là những gì liên quan đến chuyện tiền nong, không nên nói với con. Các con của ông cũng chỉ hiểu mơ hồ rằng tiền để mua những đồ dùng cần thiết trong nhà và tiết kiệm tiền là điều nên làm và không bao giờ nghĩ đến chuyện kiếm tiền.
Nếu trẻ muốn chi tiêu gì đó cho mình thì tiết kiệm là cách tốt nhất để không bị lệ thuộc. Làm như vậy chúng sẽ tự biết tiền dành được thì tiêu, không có thì không quá đòi hỏi cho bằng được.
Những ảnh hưởng từ cộng đồng
Dưới một góc nhìn nào đó, xã hội, cộng đồng mà trẻ tiếp xúc sẽ ảnh hưởng nhất định đến việc ba mẹ giáo dục con cái. Theo ông, thỉnh thoảng bố mẹ cũng nên tụ họp bạn bè. Trẻ con mỗi nhà chơi chung với với nhau mỗi dịp này cũng là một cách hay để chúng tránh xa máy tính.
Bạn cũng có thể cho con một hình mẫu để noi theo. Không cần quá xa lạ, bạn có thể chỉ cho trẻ thấy bạn này được nhiều người yêu hơn là vì sao? Hành động của bạn kia được nhiều người khen ngợi là vĩ lẽ gì? Tại sao bạn kia bị mọi người la mắng? Những hình tượng trong cuộc sống này rất gần với trẻ để bạn có thể nhờ đó mà giải thích cho trẻ hiểu những bài học của cuộc sống.
Kỹ năng sống của trẻ muốn hình thành cũng cần phải có các hoạt động thực tế bổ ích như cắm trại, việt dã, tham gia các tổ chức xã hội trong trường, lớp...
Đối với các em ở tuổi vị thành niên, ý thức về cái tôi bắt đầu nổi lên. Vì thế, trẻ ít chia sẻ với bố mẹ hơn so với lúc nhỏ. Thay vào đó, trẻ thích các hoạt động mang tính tập thể mà trong đó ít các bài học sách vở. Đó cũng là một cách trẻ tự khám phá bản thân.
Làm gì cũng cần có phương pháp
Với giáo sư Ngô Bảo Châu, mọi việc làm đều phải cần có phương pháp nhất là việc học hành. Với các trẻ, sự nổi loạn, phá cách có thể để sau và trước hết, tất cả cần phải sống trong khuôn phép.
Theo ông, nếu từ đầu mọi thứ đã rơi vào tình trạng hỗn mang thì sau này sự sáng tạo cũng sẽ hạn chế ở mức độ vừa phải. Sau cùng với ông, mọi triết lý đều chỉ nên là điều để soi mình biết điều không nên chứ không phải là bắt mình phải làm gì và phải làm như thế nào.
Những kinh nghiệm này của Giáo sư Ngô Bảo Châu hy vọng cũng sẽ giúp bạn tự rút ra cho mình những cách nuôi dạy con phù hợp nhất.
Yeutre.vn (Tổng hợp)