Học cách chăm sóc trẻ mới sinh qua 19 kinh nghiệm quý giá của các mẹ

Trong vai trò mới, bạn sẽ rất bỡ ngỡ từ việc ẵm bế con, chăm cho con ngủ và tự cân bằng cuộc sống của chính mình. Chính vì vậy, bạn sẽ cần học cách chăm sóc trẻ mới sinh với những lời khuyên tốt nhất từ các chuyên gia và những bà mẹ giàu kinh nghiệm.

banner ads

Từ chuyện ăn, ngủ cho đến việc quấn khăn, tắm rửa… tất cả đều phải cần đến bàn tay săn sóc ân cần và tình yêu thương của bố mẹ.

Chăm giấc con no tròn

46339-cach-cham-soc-tre-so-sinh-2.jpg

Đừng bỏ qua cơ hội được thiếp đi dù chỉ ít phút trong những lúc bé đang ngủ say

Những lúc không bú, bé sẽ ngủ. Đó là tất cả những gì trẻ mới sinh có thể làm được. Trung bình, các bé sẽ ngủ 16 tiếng một ngày nhưng mỗi giấc ngủ của bé đều rất ngắn, từ 30 – 45 phút. Chính vì vậy, bạn sẽ cảm thấy kiệt sức hơn bao giờ hết. Thậm chí có thể phát cáu và thiếu bình tĩnh vì thiếu ngủ trầm trọng. Chính vì vậy, khi học cách chăm sóc trẻ mới sinh, trước hết bạn cần phải biết cân bằng chính bản thân mình:

1. Đừng ám ảnh vì từ “mệt mỏi”: Thay vì lo lắng sẽ kiệt sức vì mệt mỏi trong thời gian chăm sóc trẻ mới sinh, bạn nên để mọi việc diễn ra một cách tự nhiên và đừng suy nghĩ quá nhiều về nó. Thực tế, việc chăm sóc trẻ sơ sinh sẽ rất mệt mỏi nhưng ít nhất nó sẽ giúp bạn có thể chớp mắt và ngủ ngon lành ngay khi có cơ hội.

2. Thay phiên nhau: Trong đêm, bố mẹ có thể thay phiên nhau để chăm sóc bé. Nếu bố đã chăm bé từ đầu hôm, đến giữa khuya, mẹ sẽ thức để cho bé bú khi khóc đói. Ban ngày, vào những ngày nghỉ, bố cũng có thể thay ca lần lượt với mẹ để cả hai đều có thời gian chợp mắt và nghỉ ngơi.

3. Ngủ khi bé ngủ: Mặc dù lời khuyên này nghe chừng rất nhàm chán nhưng nó vô cùng quan trọng. Vì thế, đừng bỏ qua cơ hội được thiếp đi dù chỉ ít phút trong những lúc bé đang ngủ say.

4. Nếu bé khó ngủ đừng tuân theo nguyên tắc: Có thể thói quen cho con ngủ trên mình mẹ hoặc bố đều không tốt cho khả năng tự lập của con sau này. Nhưng đừng quá lo lắng vì bé sẽ còn thay đổi rất nhiều. Trước mắt, nếu thực sự trẻ sơ sinh quá khó ngủ, bạn có thể cho phép bé được gục vào mình mẹ. Đây cũng là cách chăm sóc trẻ mới sinh được rất nhiều bác sĩ nhi khuyến khích vì nó đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và tâm lý của trẻ.

Hiểu những điều bé muốn

Rất khó để biết chính xác những gì bé muốn trong tuần đầu tiên sau khi lọt lòng. Chính vì vậy, bạn sẽ cần phải học, thử và nhận ra sai lầm của mình.

5. Tái hiện môi trường tử cung: Quấn mình, ôm ấp và đong đưa là cách để bạn tái hiện môi trường tử cung của mẹ cho trẻ sơ sinh. Bằng cách này, bé sẽ bình tĩnh trở lại và dịu đi theo những chuyển động nhẹ nhàng.

6. Nghe nhạc: Đừng quá bận tâm đến chuyện trí nào trẻ có thông minh hơn bằng âm nhạc hay không. Đơn giản bạn chỉ dùng nó để làm bé bình tĩnh trở lại. Điều này sẽ có tác dụng ngay tức khắc và là một “bài tủ” của các ông bố khi dỗ trẻ.

7. Thay tã khi đã ướt: Đôi khi trẻ sơ sinh khóc thét dữ dội chỉ vì tã ướt. Do đó, nếu thấy trẻ khóc thét đột ngột, trước hết hãy kiểm tra xem tã của bé đã ướt hay chưa. Ngoài ra, khi vệ sinh cho trẻ, không nên dùng khăn ướt lạnh mà hãy dùng nước ấm để rửa. Như thế, trẻ sẽ thấy dễ chịu hơn và ngưng khóc ngay.

8. Dùng các thủ thuật khác: Một số trẻ sẽ cảm thấy dễ chịu và khoan khoái vì một hành động nào đó của bố mẹ như vỗ nhẹ vào mông hay áp người vào mình… Vì thế, khi học cách chăm sóc trẻ mới sinh, bạn đừng quên học cách hiểu điều bé muốn nhé!

9. Tắm nước ấm: Nếu dùng các thủ thuật khác trẻ vẫn không chịu nín, bạn có thể đặt trẻ vào thau nước ấm và cho bé ngâm mình trong khoảng 5 phút. Tất nhiên, chỉ làm điều này khi rốn của trẻ đã khô và rụng. Đây cũng là lúc để bạn cho mình ít phút thư giãn và vui đùa cùng bé thay vì chỉ nghĩ đến sự mệt mỏi.

Nhờ chồng cùng cộng tác

Chồng của bạn có thể làm được tất cả mọi việc mà những người cha khác sẽ làm cho vợ con mình. Vì vậy, đừng ngần ngại “rủ” anh ấy cùng san sẻ với bạn những khó khăn trong thời gian đầu sau khi sinh em bé.

10. Đừng la mắng: Nhiều người lần đầu làm bố rất ngần ngại chăm con chỉ vì sợ làm sai và phải gánh chịu cơn thịnh nộ của mẹ. Đây là sai lầm của bạn. Tại sao bạn không để anh ấy được phép sai lầm để rồi không bao giờ có thể mắc phải điều đó thêm một lần nào nữa?

11. Hỏi về việc xin nghỉ làm: Nếu cả hai đều không có người thân khác bên cạnh trong những đầu sau sinh, bạn nên hỏi ý kiến chồng về việc xin nghỉ. Chắc chắn với lý do này, chồng bạn sẽ không phải gánh chịu quá nhiều rắc rối vì nó rất chính đáng. Tuy nhiên, từ năm 2016, chồng sẽ được hưởng chế độ thai sản theo vợ và bạn sẽ không phải lo lắng nhiều về việc này.

12. Phân chia nhiệm vụ: Nếu chồng đi làm, anh ấy có thể ghé qua siêu thị để mua ít đồ. Vì thế, bạn nên nhờ chồng giúp mình việc này để có thêm thời gian chăm sóc con và nghỉ ngơi.

13. Bố có những ý tưởng khác biệt: Các ông bố luôn có sáng kiến thú vị trong lúc chơi đùa cùng con. Do đó, nếu bạn lo lắng khi gởi con cho chồng vì sợ anh ấy vụng về thì bạn đang tự làm khó cho mình đấy! .

Tự tìm cách cân bằng cuộc sống

46338-cach-cham-soc-tre-so-sinh-1.jpg

Cần phải học cách cân bằng cảm xúc và chăm sóc bản thân mình

Dành thời gian chăm sóc liên tục cho một đứa trẻ sơ sinh sớm muộn sẽ khiến bạn phát điên. Chính vì vậy, bạn cần phải học cách cân bằng cảm xúc và chăm sóc bản thân mình.

14. Việc đầu tiên cần làm là bỏ qua hết những lời khuyên bạn được nghe. Bởi lẽ, hơn ai hết, bạn là mẹ, là cha của bé và bạn sẽ biết con mình cần gì và điều gì cần thiết nhất cho con. Thêm vào đó, mỗi đứa trẻ đều là một cá thể riêng biệt và chúng có những nhu cầu khác nhau.

15. Hãy tạm quên đi việc nhà trong tuần đầu sau sinh và tập trung vào việc hiểu được các nhu cầu của con mình bởi đó là điều cần thiết để giải phóng bạn khỏi stress. Nhà cửa có thể bám bụi, chén bát có thể chưa rửa… nhưng đừng cáu gắt vì những điều đó.

16. Chấp nhận sự giúp đỡ từ bất cứ người thân nào cũng là cách để bạn cho phép mình được thoải mái trong ít phút. Thậm chí khi hàng xóm muốn được tắm bé thay cho bạn thì đó cũng là một ý rất hay thay vì từ chối vì ngại làm phiền.

17. Có rất nhiều người muốn giúp đỡ bạn. Vì vậy, đừng ngại nói với mọi người chính xác những gì bạn đang cần. Đó là một phần của cuộc sống và bạn cần phải đón nhận.

18. Nếu tự tay làm những việc nhỏ như thay tã cho bé, bạn sẽ cần những người khác làm các công việc tốn nhiều thời gian hơn như nấu ăn, mua tã, đi chợ hay giặt giũ.

19. Khi cảm thấy bạn thân giống như đang bị tách khỏi thế giới xung quanh, bạn có thể ra ngoài và đi dạo dù chỉ trong 5 phút.

Trên đây là những lời khuyên hữu ích trong cách chăm sóc trẻ mới sinh. Mong rằng chúng sẽ theo bạn khi bắt đầu vai trò của những ông bố, bà mẹ mới nhé!

Yeutre.vn (Tổng hợp)

Nguồn: Ps

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI