Hết tết, hết tin chồng!

Chị những tưởng sau những ngày tết mình sẽ vô cùng phấn khởi với các dự định mới, không ngờ chồng làm cho chị đau quá.

banner ads

Không đau sao được khi anh âm thầm vung những đồng tiền chị vất vả làm lụng được mua sắm tất tần tật mọi thứ cho ba mẹ, các anh chị em, cháu chắt mà không hỏi qua chị một tiếng. Trong khi mẹ con chị ăn mặc lôi thôi, cũ rích vì không dám tiêu xài...

Trở về nhà sau mấy ngày ăn Tết ở quê chồng, lòng chị nặng trĩu. Dẫu trước đó chị đã rất vui vẻ với nhiều dự định cho năm mới. Tay muốn làm việc thì ngay lập tức đầu óc suy nghĩ vẩn vơ, quanh đi quẩn lại câu tự dặn mình: “Làm gì cho mệt, gắng sức để người khác hưởng thật là phí”. Nhìn chồng cười nói rôm rả mà tim xót đau, vợ chồng không tin nhau nữa thì cuộc sống vô nghĩa quá.

Trước Tết, anh bàn với chị gom góp tiền lương tiền thưởng trả hết nợ vay mua nhà. Biết gần Tết phải sắm sửa nhiều nhưng nghĩ đến chuyện thanh toán xong nợ nần trong năm cũ, chị bấm bụng nghĩ thầm: “Thôi thì, năm nay ăn Tết kém một chút cũng chẳng sao”. Anh còn động viên: “Năm nay, nhà mình đóng cửa về nội ăn Tết, không phải sắm sửa gì nhiều đâu em”. Dù vậy, lòng chị vẫn áy náy khi nghĩ đến trách nhiệm dâu con nên hỏi anh có sắm Tết cho nhà nội không, anh bảo: “Khỏi sắm gì cả, coi như năm nay mình ăn bám vậy”.

Nghĩ không đành lòng chị âm thầm bán đi đôi hoa tai, vét hết tiền trong tài khoản được một triệu đồng, một mình về quê chồng trước Tết để biếu ba mẹ, còn nhà ngoại thì tuyệt nhiên không đả động gì. Cả tuần trước Tết, nhìn mọi người mua sắm chộn rộn, chị bứt rứt, hỏi anh còn dư đồng nào để sắm cho con bộ áo quần mới, anh lắc đầu: “Có bao nhiêu anh đưa hết cho em trả nợ rồi còn đâu”.

13572-104054447362934431182311620480546740710541n.jpg

banner ads

Ảnh minh họa

Về nhà chồng ăn Tết, chị ngượng nghịu khi thấy mọi thứ được sắm đầy đủ, có phần tươm tất hơn mọi năm, cảm giác chịu ơn cứ len lỏi trong lòng. Bởi anh em nhà chồng cười nói hồ hởi, đón tiếp gia đình chị niềm nở chưa từng có. Nhưng chỉ qua ba ngày Tết, những gì góp nhặt được qua lời kể của mọi người, chị đã hiểu ra mọi chuyện. Chị biết vì sao mỗi lần chị hỏi: “Ai mua cái này/ cái kia mà đẹp/ ngon thế” mẹ chồng chỉ im lặng cười trừ. Thì ra, trước Tết, anh đã âm thầm sắm sửa đầy đủ cho nhà nội không thiếu một thứ gì: từ hai chậu cúc trước sân, cành đào trong nhà đến mứt, bánh, rượu, giò, chả, nếp, thịt, thậm chí cả khay đựng mứt, hoa quả chưng bàn thờ cũng một tay anh lo liệu.

Anh còn hào phóng mua cho hai đứa con nhà chú Út áo quần mới. Anh mạnh tay mừng tuổi ba mẹ, một người một triệu đồng, các cháu dăm ba trăm. Anh đã biến chị thành một con ngốc trong mắt gia đình chồng khi ai cũng biết chỉ mình chị không biết. Nhìn mọi người xúng xính áo quần mới trong khi mẹ con chị lất thất đồ cũ từ năm ngoái, chị không biết anh nghĩ gì. Những khoản thu nhập thêm, tiền phân phối lại cuối năm của công ty anh, chị không nắm hết. Còn nghề giáo viên của chị, lương thưởng chỉ ở mức cố định, tất tần tật chị dồn vào trả nợ không giữ lại một đồng nào.

Cảm giác tủi thân, uất nghẹn cứ nén chặt trong lòng chị, chỉ chờ dịp bung ra. Chị biết bắt đầu nói chuyện với anh sao đây khi Tết vừa qua, năm mới chưa hết mồng. Nói ra, chị chỉ sợ vợ chồng lại dằn vặt nhau nhưng nếu im lặng, chị thật sự không chịu đựng được.

Sau kỳ nghỉ Tết, chị không còn hứng thú bắt tay vào việc gì nữa. Anh lo cho gia đình không sai, nhưng giá như anh bàn với chị một tiếng, giá như anh chị thừa thải giàu có chị không hề tiếc. Đằng này, “ốc không nổi mình ốc lại mang cọc cho rêu”, sự tin tưởng cho chồng rạn thêm một chút.

Dù gì, chị vẫn có những ích kỷ rất đàn bà…

Theo Hà Lam

Nguồn PN

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI