Cưới cận Tết, cô dâu mang nhiều nỗi lo khó nói
Chưa kể, những chuyện bếp núc, nữ công gia chánh khi mới về nhà chồng cũng khiến nhiều nàng dâu mới ái ngại không kém. Dưới đây là những kinh nghiệm giúp bạn giải tỏa nỗi âu lo:
1. Ghi điểm với hai bên gia đình trước ngày cưới
Thăm hỏi gia đình, họ hàng trước ngày cưới
Một khi đã tính đến chuyện góp “gạo thổi cơm chung”, nên xác định rõ ràng rằng mối quan hệ của cả hai sẽ tiếp tục được xây dựng và củng cố trên nền tảng của cả hai bên gia đình. Cũng vì vậy, chuyện thăm viếng họ hàng để ra mắt, giới thiệu và làm thân là việc không thể bỏ qua. Ngoài trách nhiệm và nghĩa vụ ra, đây còn là một bước “lót đường” êm ái cho các cặp đôi trong mối quan hệ họ hàng về sau. Do đó, trước đám cưới, ít nhất bạn nên dành ra khoảng 1-2 buổi thăm hỏi họ hàng và gia đình hai bên. Nếu khoảng cách địa lý không cho phép, bạn có thể gọi điện chuyện trò, hỏi han để bước đầu xây dựng mối quan hệ thân thiết này.
Thái độ nhã nhặn, chừng mực trong giao tiếp
Một số bố mẹ chồng/bố mẹ vợ sẽ cảm thấy dễ chịu nếu con dâu/con rể cởi mở và luôn niềm nở trong giao tiếp. Nhưng điều đó không có nghĩa họ cho phép bạn xởi lởi, vồ vã và xem họ ngang hàng như những người bạn trong cách xưng hô cũng như trong giao tế. Ngược lại, có những cặp đôi lại tỏ ra quá dè chừng và khép nép khi đến thăm nhà bố mẹ chồng/ bố mẹ vợ tương lai, khiến mọi người xung quanh cảm thấy không thoải mái và tự nhiên trong cách hành xử.
Tóm lại, cư xử chừng mực và lễ độ chính là tác phong mà bạn phải tập cho mình nếu muốn được mọi người yêu mến. Nhưng điều quan trọng nhất là hãy trao cho mọi người sự quan tâm và tình yêu thương thật sự vì đó mới là điều mọi người đang mong đợi ở nơi bạn.
Món quà đi trước
Nếu khéo léo, một món quà đẹp lòng các cụ sẽ giúp bạn ghi thêm điểm cộng cho mình
Một món quà thể hiện sự quan tâm sẽ chứng tỏ người đó có thực sự chu đáo hay không. Vì vậy, dù người lớn có can ngăn bạn mua quà biếu tặng họ nhưng nếu khéo léo, một món quà đẹp lòng các cụ sẽ giúp bạn ghi thêm điểm cộng cho mình. Đó là lý do vì sao “đồng tiền đi trước” lại được gọi là “đồng tiền khôn”.
Để món quà mua về thật sự đáng giá, bạn nên để ý, hỏi han đến những thói quen, sở thích của từng thành viên trong nhà. Mặt khác, hãyc cố gắng ghi nhớ từng ngày sinh của mỗi người bên nhà chồng/ nhà vợ để có cơ hội tạo những niềm vui bất ngờ cho mọi người.
Vào những ngày lễ Tết, bạn nên chuẩn bị trước những món quà đặc biệt như một lời cầu chúc tốt đẹp. Đó sẽ là cách vẹn toàn để bạn tạo ấn tượng tốt với cả nhà.
2. Ra mắt và quán xuyến công việc nhà trong ngày Tết
Khi chọn cưới cận Tết, bạn sẽ có cơ hội thể hiện vai trò dâu con của mình trong gia đình. Nhưng với nhiều nàng dâu, điều này không hề dễ dàng, thậm chí là một gánh nặng. Chính vì vậy, trước hết, các cô dâu mới phải tự chuẩn bị những “chiêu bài” của mình:
Mua sắm quà biếu hai bên gia đình
Sẽ không ai đòi buộc bạn làm việc này nhưng đó là lệ không thành lời. Không có nó, bạn sẽ khó để bắt đầu câu chuyện thăm hỏi một cách thật cởi mở. Không nhất thiết phải chuẩn bị quà biếu cho hết mọi người trong họ hàng vì chắc chắn đây là việc quá sức. Vì vậy, ngoài quà riêng cho bố mẹ hai bên, bạn nên hỏi ý kiến của các cụ để xem những ai quan trọng trong họ cần phải biếu quà để trọn lễ nghĩa. Tùy theo điều kiện kinh tế hiện tại, bạn có thể chọn hoa quả, bánh kẹo, rượu, dược phẩm hay những món quà khác để làm quà.
Đảm đương việc sắp mâm cỗ ngày Tết
Nếu được mẹ chồng, bố chồng chỉ dạy điều gì, bạn nên lắng nghe và ghi nhớ vì sẽ có lúc bạn cần dùng đến chúng
Ngày Tết không nhà nào không cúng kiếng, nấu cỗ. Mọi việc chuẩn bị sẽ rất tất bật. Nếu là dâu mới, bạn sẽ không thể biết hết những nơi đặt mâm, mẹt, chén, bát… torng nhà chồng. Vì thế, để tránh những lời trách mắng giữa lúc công việc bộn bề, bạn nên hỏi trước những nơi trữ gạo, gia vị và các loại đồ dùng khác trong nhà. Có như vậy, khi cần đến, bạn sẽ không làm phiền lòng các cụ khi hỏi han quá nhiều.
Tốt nhất, nếu không hiểu rõ quy cách sắp mâm cỗ, dọn cỗ… bạn hãy thủ thỉ trước với mẹ ruột từ khi còn ở bên nhà để không phải bỡ ngỡ. Nếu được mẹ chồng, bố chồng chỉ dạy điều gì, bạn nên lắng nghe và ghi nhớ vì sẽ có lúc bạn cần dùng đến chúng.
Chào hỏi họ hàng và lì xì trẻ nhỏ
Trong dịp Tết, cô dâu chú rể mới sẽ có nghĩa vụ đến thăm các gia đình trong họ hàng với mục đích ra mắt và chào hỏi. Đây là một trong những phép lễ quan trọng mà bạn không nên xem thường. Nhiều người sẽ xăm xoi và bàn tàn về bạn trong những lúc như thế này. Vì thế, nếu có điều gì khiến bạn phật lòng, hãy cố gắng bỏ ngoài tai. Bởi suy cho cùng, bạn cũng chỉ là dâu mới và còn nhiều bỡ ngỡ nên khó tránh khỏi những sơ suất.
Bên cạnh việc chào hỏi, tục lì xì đầu năm cho các em nhỏ và ông bà lớn tuổi là việc làm thể hiện sự chu đáo của bạn. Để việc làm này thực sự ý nghĩa và tế nhị, bạn nên cho tiền mừng và phong bao lì xì nhé!
Hy vọng rằng với những kinh nghiệm trên đây, các cô dâu mới sẽ không còn bỡ ngỡ và lo âu khi đón Tết đầu tiên của mình bên gia đình chồng nữa nhé!
Yeutre.vn (Tổng hợp)