Tiến sĩ Thomas Kenyon, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho biết, các ổ dịch đã "vượt khỏi tầm kiểm soát" và các cánh cửa cơ hội để kiểm soát tình hình đang dần khép lại.
“Số người chết đang ngày càng tăng tốc nhanh, virus được nghi ngờ có thể biến đổi nhanh khiến các ổ dịch càng trầm trọng“, ông nhấn mạnh. Ebola được cho là truyền nhiễm do tiếp xúc với chất dịch cơ thể người bệnh. Trường hợp nghi ngờ lây nhiễm không khí đang được phát hiện ở những con khỉ trong phòng thí nghiệm.
WHO cho biết, các quốc gia bị ảnh hưởng bởi Ebola đang không có các nguồn lực để chống lại căn bệnh này. Bệnh viện không có đủ giường, không có đủ xe cứu thương, nhân viên y tế, nạn đói lan rộng... "Đây không phải chỉ là dịch bệnh của châu Phi mà là một mối đe dọa cho toàn thể nhân loại", Gayle Smith, trợ lý đặc biệt của Tổng thống Mỹ Barack Obama và Giám đốc cấp cao tại Hội đồng An ninh quốc gia cho biết.
Trong khi văcxin thử nghiệm và phương pháp điều trị dịch bệnh vẫn đang được nỗ lực triển khai gấp rút, các chuyên gia kêu gọi “toàn thế giới phải hành động”, hỗ trợ nhiều hơn về chuyên gia y tế, trang thiết bị y tế cho các nước Tây Phi để ngăn chặn dịch bệnh "khủng khiếp chưa từng có trong lịch sử".
Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho biết hiện nay hơn 1.900 người đã thiệt mạng, 3.500 trường hợp xác nhận nhiễm virus Ebola. Dịch bệnh lan rộng tại 5 quốc gia: Liberia, Sierra Leone, Guinea, Nigeria, Senegal.
Tiến sĩ David Nabarro, Điều phối viên cao cấp của Liên Hợp Quốc cho biết, với tỷ lệ lây nhiễm gia tăng nhanh chóng như hiện nay, chi phí tiêu tốn để khống chế sự bùng phát của dịch bệnh có thể lên đến 600 triệu USD, thay vì ước tính 490 triệu USD vào tuần trước. WHO trước đó đã cảnh báo dịch bệnh Ebola ở Tây Phi có thể lây nhiễm cho hơn 20.000 người và lan rộng đến 10 quốc gia.
Theo Vnexpress