1. Ho khan tiếng
Ho khan tiếng là kiểu ho phổ biến nhất hiện nay ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Thông thường, bé sẽ bị ngạt mũi khi ho kiểu này và có thể ngủ được suốt vài giờ. Cơn ho sẽ kéo dài dồn dập sau khi bé thức dậy, tiếng ho khàn đục vang lên rõ rệt, thở khó và có biểu hiện muốn ói.
Nếu mẹ thấy bé có dấu hiệu ho kiểu này, mẹ hãy nghĩ tới trường hợp bé đang bị viêm thanh khí phế quản cấp. Đây là một bệnh thường gặp ở trẻ dưới 6 tháng tuổi tới 3 tuổi và có biểu hiện ho nhiều vào ban đêm, ban ngày ho ít hơn.
Để khắc phục tình trạng này, mẹ có thể bế ngay bé ra ngoài khi bé tỉnh dậy, vì không gian thoáng bên ngoài sẽ giảm ho cho bé. Với bé bú mẹ, mẹ cho trẻ bú ngay lập tức khi trẻ vừa tỉnh dậy để giảm ho. Sữa mẹ giống như kháng sinh hoặc siro sẽ giúp giảm cơn ho, giảm đau họng, ngứa rát và giảm kích thích cuống họng.
Mặc dù kiểu ho này dễ khỏi nhưng một số bé sẽ có dấu hiệu trầm trọng như ho khản cổ, tiếng rít ngày càng nặng và ho kéo dài trên 5 phút thì cần đưa tới bác sĩ.
2. Ho dai dẳng và mệt lả
Nếu trẻ có dấu hiệu ho khàn cả giọng, ho dai dẳng, ho kèm sốt và mệt đến lả người, đầu đau, sổ mũi thì nguy cơ bé đang bị cúm. Cúm là bệnh phổ biến mà hầu hết trẻ nhỏ nào cũng mắc phải và rất dễ lây lan.
Khi trẻ có dấu hiệu cúm, ho mệt lả như trên, bạn nên cho trẻ uống nhiều nước. Nếu trẻ dưới 6 tháng tuổi thì bú mẹ càng nhiều càng tốt để bù nước và nên theo dõi thời gian sốt của trẻ. Trẻ sốt trên 2 ngày thì nên đưa đi bác sĩ khám, sốt trên 38,5 độ C thì cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt phòng co giật.
3. Ho có tiếng rít, khò khè
Kiểu ho này có thể cho thấy bé có nguy cơ bị viêm tiểu phế quản. Tiểu phế quản là đường ống dẫn khí nhỏ nhất ở phổi, khi đường ống này bị nhiễm trùng sẽ sưng và chứa dịch nhầy gây ra khó thở cho bé.
Trẻ sẽ thường mắc bệnh này vào mùa đông, nếu không điều trị dứt điểm sẽ khiến trẻ bị viêm phổi. Do đó, nếu mẹ nhận thấy bé ho khò khè, có kèm tiếng rít, thở nhanh, bứt rứt thì nên đến bác sĩ nhi khoa khám ngay. Vì trẻ ho do nhiễm khuẩn buộc phải điều trị kháng sinh và chụp X quang phổi, làm xét nghiệm máu.
Với những trẻ nhẹ thì có thể không cần dùng thuốc, nhưng với trẻ nặng thì buộc phải sử dụng thuốc, thở oxy.
4. Ho từng cơn hơn 20 lần trong một nhịp thở
Nếu mẹ thấy bé ho liên tục như thế này thì cần nghĩ ngay tới trường hợp bé bị ho gà. Giữa những cơn ho bé sẽ cảm thấy rất khó thở và phát ra tiếng rít kì lạ khi hít vào.
Theo các bác sĩ, ho gà là do vi khuẩn ho gà tấn công lớp niêm mạc đường hô hấp gây viêm nặng và khiến đường thở bị hẹp lại hoặc tắc hoàn toàn. Bệnh có thể gây tử vong nếu trẻ bị tắc đường thở.
Do đó, mẹ cần đưa trẻ tới bác sĩ ngay khi trẻ có dấu hiệu ho gà. Với trẻ dưới 6 tháng tuổi có thể phải nhập viện theo dõi và điều trị. Ho gà cũng là bệnh dễ lây nên người thân trong gia đình cũng cần phải uống kháng sinh dự phòng và tiêm chủng nhắc lại để phòng ho gà.
5. Ho nhiều đờm, dữ dội
Kiểu ho này sẽ khiến nhiều ông bố, bà mẹ lo lắng vì bé ho rất nhiều, rất lớn, ho có kèm theo đờm, bé cũng thở nhanh hơn bình thường.
Bé có nguy cơ đã bị viêm phổi do virut hoặc vi khuẩn xâm nhập khiến lá phổi bị đầy dịch. Do phải cố gắng tống lượng dịch này ra nên bé ho rất dữ dội.
Trong trường hợp này, mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để chụp X-quang phổi. Bé có thể phải làm thêm test đo độ bão hòa oxy máu để kiểm tra lượng oxy trong máu có thấp không. Nếu do vi khuẩn bé sẽ được chỉ định dùng kháng sinh. Nếu bệnh do virut thì để bệnh tự diễn biến, khi kiểm tra có bội nhiễm bé sẽ được sử dụng kháng sinh để điều trị.
Yeutre.vn (Tổng hợp)