Người dân xếp hàng chờ đăng ký chích ngừa văcxin 5 trong 1 dịch vụ ở TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa
Ông Phu cho biết văcxin nào cũng có tỉ lệ tai biến sau tiêm nhất định, thậm chí tỉ lệ trẻ gặp tai biến ngày càng cao do số lượng mũi tiêm cũng ngày càng cao. Hạn chế các tai biến này bằng cách nào? Cán bộ y tế đã biết cách để tìm hiểu hết tiền sử của trẻ và hạn chế tai biến văcxin? Lần đầu tiên, Bộ Y tế tổ chức một hội thảo cho báo chí để “truyền thông về nguy cơ tiêm chủng” hôm 6-1 nhằm trả lời các câu hỏi này.
Chưa khai thác hết tiền sử
Nói về một chứng bệnh gặp rất nhiều ở trẻ em, ông Đỗ Thiện Hải, phó trưởng khoa truyền nhiễm Bệnh viện Nhi T.Ư, lưu ý đến chàm. Theo ông Hải, đây là biểu hiện của bệnh dị ứng nhưng cha mẹ lại không biết.
“Khi khai thác tiền sử để tiêm chủng, cán bộ y tế có thể hỏi trẻ có bị dị ứng không, cha mẹ nói không vì không biết chàm là dị ứng trong khi chàm cũng là trường hợp có nguy cơ. Hiện nay đã ghi nhận 50 yếu tố ảnh hưởng đến cơ địa dị ứng, nhưng các xét nghiệm chỉ tìm được 7-8 yếu tố, các trung tâm lớn cũng chỉ kiểm tra được 12 yếu tố”- ông Hải phân tích.
Những trường hợp dễ xuất hiện phản ứng sau tiêm là trẻ có cha mẹ bị dị ứng (tỉ lệ khá cao cha mẹ có cơ địa dị ứng sinh con cũng bị dị ứng), trẻ có nhiễm virút hay vi khuẩn, trẻ bị nhiễm trùng toàn thân hay có những bệnh nền như tim mạch... Khi đưa trẻ đi chích ngừa, cha mẹ cần thông báo hết các biểu hiện của trẻ như có thở khò khè hay không, có vấn đề hô hấp hay nhiệt độ để nhân viên y tế có quyết định phù hợp tiêm chủng hay hoãn tiêm.
Cũng theo ông Hải, sau tiêm 24-48 giờ, cha mẹ cần theo dõi trẻ sát sao, trong đó có các yêu cầu như cặp nhiệt độ thường xuyên nếu trẻ có sốt. Ngoài ra, cần chú ý nếu trẻ có một trong các dấu hiệu nổi vân tím trên da, ăn uống kém hơn hoặc bỏ bữa ăn, sốt kéo dài và không đáp ứng với thuốc hạ sốt, quấy khóc vô cớ, khó thở, vật vã thì cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế.
Nếu trẻ được đưa đến cơ sở y tế sớm thì hiệu quả cấp cứu trẻ sốc phản vệ hoặc tai biến sau tiêm sẽ tốt hơn nhiều, như ở Hà Nội vừa qua có 5 trường hợp sốc phản vệ sau tiêm và cả 5 trẻ đều được cấp cứu kịp thời.
Người dân không tin hội đồng chuyên môn?
Ông Trần Đắc Phu bày tỏ thách thức lớn nhất với tiêm chủng chính là việc người dân lo ngại an toàn tiêm chủng và bỏ sót mũi tiêm. Năm 2015, cả nước ghi nhận trên 250 bé xét nghiệm dương tính với bệnh ho gà.
Trong đó, có 50% trẻ từ 2-4 tháng tuổi ở độ tuổi tiêm chủng phòng bệnh ho gà nhưng chưa chích hoặc chích chưa đủ mũi, số còn lại chưa đến tuổi chích ngừa (dưới 2 tháng tuổi) hoặc đã 2-3 tuổi - là ngoài lứa tuổi tiêm chích ngừa ho gà - nhưng có trẻ chưa chích, hoặc chích chưa đủ mũi. Ông Phu cho rằng người dân e ngại văcxin Quinvaxem, cứ chờ văcxin dịch vụ và khi văcxin dịch vụ không đủ đáp ứng nhu cầu thì xảy ra khủng hoảng.
Tuy nhiên theo ông Hải, nhiều người phản ứng hội đồng chuyên môn nếu kết luận là tử vong do trùng hợp ngẫu nhiên, do bệnh trùng lặp, không liên quan tiêm chủng...
“Khi ngồi phòng khám tôi đã gặp rất nhiều bé trông vẫn khỏe mạnh, nhưng sờ gan và lách bé thấy gan to, lách sưng, vàng da, sau đó bé được kết luận bị tan máu bẩm sinh, hay có bé vào viện vẫn đi được nhưng hôm sau đã phải thở máy và hơn 1 tháng sau thì bé tử vong. Quan trọng là tuyến cơ sở phải hỏi thật kỹ tiền sử của bé, sàng lọc được các bệnh nền để giảm tối đa phản ứng sau tiêm”- ông Hải cho biết.
Theo bà Dương Thị Hồng, phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, trung tuần tháng 1 này Bộ Y tế sẽ tổ chức tập huấn cho các bác sĩ và y tá khoa hồi sức cấp cứu bệnh viện các tỉnh phía Bắc về xử trí tai biến sau tiêm.
Chương trình tập huấn trong hai ngày và mỗi ngày chỉ có hai bài giảng, để các thầy thuốc trực tiếp điều trị nếu có trẻ gặp phản ứng sau tiêm chủng hiểu thật kỹ càng các phương pháp cấp cứu. Một loạt các tờ gấp hỏi và trả lời ngắn gọn về khám sàng lọc, xử trí sớm tai biến sau tiêm sẽ được Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia chuyển về cơ sở tiêm chủng tại xã phường.
Nhận định về tác động của tiêm chủng, ông Hải cho rằng 13 năm trước khi ông về Bệnh viện Nhi T.Ư thì 60% trẻ viêm não vào viện là mắc viêm não Nhật Bản B, một thể bệnh nặng với 40% trẻ mắc bệnh bị di chứng hoặc tử vong, nhưng sau một quá trình dài triển khai tiêm chủng, tỉ lệ trẻ mắc viêm não Nhật Bản chỉ còn 10%/tổng số bệnh nhi viêm não.
VN cũng thanh toán bệnh bại liệt và uốn ván sơ sinh. Song, do rối loạn trong thông tin về phản ứng sau tiêm và nghi ngờ về tính trung thực, tính minh bạch khi kết luận các nguyên nhân tai biến, tỉ lệ tiêm chủng đã giảm ở các mũi tiêm viêm gan B sơ sinh, nhiều thời điểm là văcxin Quinvaxem...
Nhận định về tình hình tai biến sau chích ngừa, ông Trần Đắc Phu cho biết: “Văcxin nào cũng có tỉ lệ phản ứng sau tiêm nhất định, 9 tháng đầu năm 2015 ghi nhận 16 trẻ tử vong sau chích ngừa.Trong đó 8 trẻ tử vong sau tiêm văcxin Quinvaxem, 5 trẻ sau tiêm văcxin BCG và 3 bé sau tiêm ngừa viêm gan B. Các văcxin khác cũng đều có tỉ lệ phản ứng như văcxin uốn ván có 5-10 trường hợp/1 triệu mũi tiêm có nguy cơ gặp viêm thần kinh cánh tay, 1-6 trường hợp có thể gặp sốc phản vệ, hay sau tiêm văcxin sởi thì cứ 1 triệu liều tiêm có thể có tới 330 trẻ co giật, sốt”.
Theo TTO