1. Dạy trẻ dùng tiền đối với trẻ 2-3 tuổi
Theo Tiến sỹ Dorothy Singer, một nhà nghiên cứu tại Đại học Yale ở New Heaven CT. thì: “Một đứa trẻ 2-3 tuổi khi phải đối mặt với sự lựa chọn giữa các loại tiền xu, hầu như sẽ luôn chọn loại có kích thước lớn nhất.” Trong khi trẻ ở độ tuổi này chưa hiểu được giá trị của tiền, chúng có thể bắt đầu tìm hiểu về tên gọi của đồng tiền.
Bạn có thể giúp thực hiện điều này bằng trò chơi nhận dạng tiền. Bạn và trẻ hãy quan sát các tờ tiền hoặc tiền xu (nếu bạn ở khu vực có lưu hành loại tiền này) để phân biệt sự khác nhau về hình dạng và màu sắc và thảo luận về tên của chúng. Bạn lưu ý nếu cho trẻ học để nhận diện tiền xu, bạn cần giám sát trẻ chặt chẽ vì trẻ mới biết đi có xu hướng nuốt các vật tròn nhỏ.
Ngoài ra bạn có thể cùng chơi đồ hàng với trẻ. Một cửa hàng tưởng tượng trong phòng khách không chỉ là một cách thú vị để trẻ thể hiện trí tưởng tượng của mình. Mà qua việc trao đổi tiền (trong trò chơi) để lấy hàng hóa (một món đồ chơi khác), trẻ sẽ bước đầu hiểu được những điều cơ bản về thương mại, tiến sỹ Singer nói.
Bạn hãy sử dụng hộp ngũ cốc, trái cây, những miếng xốp hoặc khăn giấy để làm vật phẩm trong “cửa hàng”. Hãy cùng nhau dùng tiền giả vờ để mua sắm cho đến khi bạn “cạn túi”.
2. Đối với trẻ 4-5 tuổi
Trước khi bạn đi siêu thị, hãy yêu cầu trẻ tuổi mẫu giáo của bạn cắt các phiếu giảm giá (nhớ dùng kéo an toàn) và kẹp lại. Khi đến cửa hàng, bạn hãy đưa phiếu giảm giá cho trẻ và để con tìm các sản phẩm tương ứng trên phiếu. Việc này khiến trẻ cảm thấy chúng đang giúp đỡ bạn, đồng thời đó cũng là một cách dễ dàng và thú vị để dạy trẻ về cách tiết kiệm tiền. Ông Neale S. Godfrey, chủ tịch và người sáng lập Mạng lưới tài chính của trẻ em tại Chester, NJ – nói.
Hầu hết trẻ ở độ tuổi này thà chơi trò đi nhà hàng tưởng tượng ở nhà hơn là ra ngoài ăn tối thật. Trò chơi này thúc đẩy một loạt các kỹ năng của trẻ như đặt bàn, học cách cư xử, thanh toán, hay đổi tiền. Theo tiến sỹ Singer thì “Nhiều đứa trẻ 4 tuổi phải được nhắc nhở thanh toán hóa đơn sau khi ăn (trong trò chơi), nhưng một khi đã hiều được khái niệm này, trẻ sẽ rất hào hứng trả bằng tiền giả vờ hoặc đổi tiền tại quầy thu ngân (tất nhiên là trong trò chơi).”
3. Dạy trẻ dùng tiền đối với trẻ 6-8 tuổi
Ngay khi trẻ nhận được một khoản tiền tiêu vặt, bạn cần dạy trẻ về cách sử dụng tiền tiêu vặt hiệu quả . Trẻ rất cần học cách để chi tiêu cũng như một nơi để giữ tiền một cách an toàn, như ngân hàng chẳng hạn. Theo như Jayne A. Pearl, thạc sỹ và tác giả cuốn “Kids and Money: Giving them the Savvy to Succeed Financially” (Trẻ em và tiền bạc: hãy cho trẻ sự hiểu biết để thành công về mặt tài chính) nói.
Một chuyến đi đến ngân hàng sẽ trở thành một trong những sự kiện để đời của trẻ. Bạn hãy giúp trẻ mở một tài khoản tiết kiệm và khuyến khích con gửi tiền thường xuyên. Khi số dư tăng lên, bạn có thể thảo luận với con về khái niệm lãi suất và cách ngân hàng trả lãi cho mọi người khi gửi tiền tiết kiệm. Nhiều ngân hàng có chương trình tài khoản dành cho trẻ em cung cấp tài khoản miễn phí và không yêu cầu số dư tối thiểu.
Những việc trên sẽ giúp trẻ dần hiểu và sắp xếp kế hoạch tài chính hợp lý bao gồm cả chi tiêu và tiết kiệm.
Đây cũng là độ tuổi bạn có thể hướng dẫn trẻ sưu tập tiền xu như một sở thích.
4. Đối với trẻ 9-12 tuổi
Một cách để dạy trẻ ở độ tuổi này sử dụng tiền là hướng dẫn trẻ mua sắm hiệu quả bằng cách chỉ cho con đọc nhãn sản phẩm, xem kích thước, giá thành tương ứng và so sánh xem mua loại sản phẩm nào có thể giúp cả nhà tiết kiệm hơn. Bạn cũng nên lưu ý trẻ về vấn đề chất lượng.
Ví dụ, bạn hãy cùng trẻ mua một loại sản phẩm có thương hiệu để sử dụng trong một tuần. Và tuần sau mua cùng loại sản phẩm đó của một thương hiệu khác tầm trung. Sau đó hãy cùng trẻ thảo luận về sự khác biệt (bao gồm cả mặt giá cả và chất lượng) và đưa ra quyết định sử dụng loại sản phẩm nào là có lợi và phù hợp nhất với cả gia đình.
Hoặc bạn có thể để trẻ dọn dẹp vật dụng trong nhà và tủ quần áo của mình để dùng vào những ngày bán garage sale hay yard sale. Hãy để trẻ tự xử lý các vấn đề liên quan bao gồm cả việc định giá những món đồ đem bán và mặc cả với người mua chúng.
Những việc này sẽ giúp trẻ nhận thức được giá trị của đồng tiền kiếm được từ sức lao động từ đó biết quý trọng và sử dụng chúng đúng mục đích hơn.
5. Đối với trẻ 13-15 tuổi
Có thể bạn sẽ thấy quá sớm, nhưng theo thạc sỹ Pearl thì bạn đã có thể bắt đầu hướng dẫn trẻ ở độ tuổi này tìm hiểu về thị trường chứng khoán.
Ban đầu bạn hãy giả vờ đầu tư vào những công ty quen thuộc và làm cho nó trở thành hoạt động gia đình bằng cách để mỗi thành viên chọn một cổ phiếu. Ông Godfrey gợi ý. Sau đó mọi người hãy cùng đọc báo và theo dõi tin tức tài chính cùng nhau và thảo luận về giá trị cổ phiếu của các lựa chọn của mọi người biến động như thế nào.
Cũng theo thạc sỹ Pearl, giữa tiền ăn trưa, đồ dùng học tập và các nhu yếu phẩm khác, khoản tiền tiêu vặt của trẻ có thể nhanh chóng “cạn kiệt”. Bạn có thể giúp trẻ thiết lập ngân sách bằng cách thảo luận về mong muốn so với nhu cầu. “Tôi gọi nó là trò chơi khoai tây và nước thịt”, ông Pearl nói, “khoai tây là thực phẩm chúng ta cần để tồn tại. Nước thịt làm cho nó ngon hơn nhưng không nhất thiết phải có.” Bạn có thể củng cố ý tưởng này bằng cách chia sẻ về ngân sách gia đình với trẻ và thảo luận với con về nhu cầu của gia đình so với mong muốn.
6. Đối với trẻ từ 16 tuổi trở lên
Theo thạc sỹ Pearl, bạn có thể cho trẻ sử dụng những loại thẻ tích lũy và nạp khoản tiền tiêu vặt vào đó cho trẻ chi tiêu.
Còn theo ông Godfrey, bạn có thể khích lệ trẻ đóng góp cho một quỹ từ thiện nào đó. Việc quyên góp này không chỉ là một bài học tài chính mà nó còn giúp trẻ hình thành tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng và xã hội.
Bạn có thể giúp trẻ chọn ra 5 tổ chức từ thiện mà trẻ quan tâm. Để quyết định số tiền dùng cho việc quyên góp một cách xác đáng với công sức lao động của bạn, hãy biến nó thành một dự án gia đình. Trong đó các thành viên cùng tìm hiểu về những gì các tổ chức đó hoạt động, họ làm tốt như thế nào và bao nhiêu phần trăm của các khoản đóng góp được dùng vào các mục đích chính đáng.
7. Một số bài học khác về tiền và cách dùng tiền bạn nên lưu ý để dạy trẻ
Trong quá trình dạy trẻ dùng tiền, bạn cũng đừng quên những bài học sau:
- Tiền không mọc từ trên cây : Khi trẻ chỉ thấy những lần bạn rút tiền từ cây ATM, có thể chúng sẽ nghĩ rằng đó là nơi cung cấp tiền cho bạn mà không biết được tiền là nguồn tài nguyên hữu hạn. Bạn cần giải thích cho trẻ hiểu bạn làm việc để kiếm tiền, và ngân hàng chỉ là nơi giúp bạn giữ chúng được an toàn hơn mà thôi.
- Hãy chi tiêu hợp lý với khoản tiền mình có : Cách tốt nhất để dạy trẻ quản lý và chi tiêu tiền bạc là cho trẻ một khoản tiền tiêu vặt (hàng tuần hoặc hàng tháng tùy bạn và trẻ) và cho chúng tự lên kế hoạch thu chi. Nếu con dùng hết ngân sách của mình cho một lần mua món đồ chơi yêu thích và không thể mua một món khác sau đó vì hết tiền, trẻ sẽ rút ra được bài học về hậu quả của việc “vung tay quá trán”.
- “ Đợi chờ là hạnh phúc ”: Việc dạy trẻ biết kiên nhẫn trong vấn đề chi tiêu sẽ giúp con tránh khỏi tình trạng “mua trước, trả sau” có thể khiến chúng mắc nợ thẻ tín dụng sau này.
- Đừng tiêu tiền khi chưa có kế hoạch: Việc chi tiêu không có kế hoạch dễ dẫn đến tình trạng hết tiền nhưng chưa mua được hoặc giải quyết được những gì cần thiết. Bạn có thể hướng dẫn trẻ lập kế hoạch chi tiêu bắt đầu bằng việc đơn giản đó là liệt kê những món đồ bạn và trẻ dự định mua, những cửa hàng các bạn định ghé đến, và phạm vi giá cho từng mặt hàng. Sau đó so sánh giá trực tuyến và mang theo các phiếu giảm giá nếu có (bạn hãy xem xét việc cho trẻ giữ lại tiền thừa để trẻ chuẩn bị kế hoạch mua sắm kĩ càng hơn cho lần sau). Tất cả việc này sẽ giúp trẻ học được rằng lập kế hoạch mua hàng sẽ rất có lợi.
- Hãy tiết kiệm tiền : Tiết kiệm là một phần không thể thiếu trong kế hoạch chi tiêu. Bạn hãy khuyến khích trẻ tiết kiệm tiền để mua một món đồ chơi yêu thích. Một khi trẻ đã để dành đủ tiền, bạn hãy đưa con đi mua món đồ chơi đó và tự mình trả tiền tại quầy thu ngân. Có lẽ trẻ sẽ không bao giờ quên được cảm giác vui sướng khi thực hiện một mục tiêu và phần thưởng khi hoàn thành mục tiêu đó.
- Hãy lập sổ chi tiêu : Việc biết được cụ thể mình đã dùng tiền vào việc gì là một kỹ năng cực kỳ quan trọng giúp trẻ quản lý chi tiêu tốt hơn. Bạn hãy khuyến khích trẻ lập sổ chi tiêu để theo dõi ngân sách của mình. Đồng thời hãy tạo cho trẻ một bìa hồ sơ để lưu các hóa đơn của mình.
- Hãy lập một danh sách ưu tiên : Việc chọn thứ tự ưu tiên thực sự rất khó đối với một đứa trẻ. Vì vậy bạn hãy giúp trẻ lập danh sách những thứ trẻ muốn thực hiện với ngân sách của mình. Sau đó cùng con thảo luận về mức độ mong muốn có được đối với những gì trẻ đã chọn.
- Hãy dạy trẻ đặt câu hỏi về mục đích của việc mua một sản phẩm nào đó : Các nhà sản xuất đều có những mẹo để kích thích người tiêu dùng mua hàng của họ. Đối với trẻ em, việc cưỡng lại sự hấp dẫn mà nhà sản xuất đưa ra không hề dễ dàng. Vì vậy, nếu được định hướng và giải thích, trẻ sẽ rèn luyện được thói quen cân nhắc kỹ trước khi quyết định tiên tiền vào một món đồ nào đó.
Dạy trẻ dùng tiền thực ra khá dễ dàng, không như suy nghĩ của các bậc cha mẹ. Điều quan trọng là tự bản thân chúng ta cần phải có kỹ năng quản lý tài chính để cân đối vấn đề chi tiêu của gia đình một cách hợp lý. Từ đó, bạn mới có thể chỉ dẫn trẻ đi đúng hướng. Vì vậy khi bạn dự định dạy trẻ về tiền bạc, hãy kiểm tra lại khả năng của mình trước. Nếu bạn thấy chưa đủ tự tin để dạy trẻ, hãy tự học và rèn luyện mình trước bạn nhé.
Theo Parents
Lily Nguyễn lược dịch