1. Cốc nguyệt san là gì?
Cốc nguyệt san, phễu kinh nguyệt, cốc kinh nguyệt, phễu nguyệt san,... đều là tên gọi chung của một chiếc cốc nhỏ, được sử dụng dành riêng cho kì kinh nguyệt của phụ nữ. Sản phẩm này thường có hình dạng như một chiếc chuông nhỏ, làm bằng chất liệu silicon y tế, cao su tự nhiên (Latex) hoặc Thermoplastic elastomer (TPE). Nhưng hầu hết các loại cốc nguyệt san có trên thị trường đều được làm bằng silicon y tế vì thời gian sử dụng của chúng khá lâu, trong khi đó Latex hoặc TPE sau một thời gian sử dụng sẽ rất dễ bị nứt.
Vì được làm bằng chất liệu mềm dẻo nên cốc sẽ được đưa vào âm đạo nhằm hứng và đựng lượng máu kinh nguyệt của bạn trong suốt 12 giờ. Đây được coi là sản phẩm vô cùng hữu dụng vì nó sẽ giúp các nàng bảo vệ vùng kín của mình ngăn không cho nấm và vi khuẩn xâm nhập vào.
2. Tại sao bạn nên sử dụng cốc nguyệt san
Việc sử dụng cốc nguyệt san có thể thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của bạn về ngày "đèn đỏ". Thực sự đấy, và để bạn chắc chắn hơn về điều này, Yeutre.vn sẽ đưa ra những lý do bạn nên sử dụng loại cốc ngày để thay thế hoàn toàn cho băng vệ sinh hoặc tampon.
1.1 Có nên đầu tư cho một chiếc cốc giá gần cả triệu?
Hoàn toàn rất đáng để đầu tư luôn. Lý do thứ nhất, do được làm bằng silicon y tế (cấu tạo giống van tim) nên giá thành cốc chắc chắn sẽ đắt hơn các loại băng vệ sinh hoặc tampon dùng 1 lần rồi. Nhưng tuổi thọ của chiếc cốc nguyệt san giá gần 1 triệu, bạn có thể sử dụng trong vòng 10 năm. Vâng, chắc chắn là bạn đã không đọc nhầm đâu ạ. Chiếc cốc này có thể tái sử dụng lại rất rất nhiều lần trong vòng 10 năm. Thử làm một phép tính nhỏ về băng vệ sinh và cốc nguyệt san các nàng sẽ cảm thấy mình tiết kiệm được một khoản tiền lớn đấy ạ.
Nhưng, vì số tiền đầu tư ban đầu cũng khá nhiều nên các nàng cần phải chọn và suy nghĩ thật kĩ cốc nguyệt san trước khi mua nhé, vì những loại cốc rẻ tiền rất có thể được làm bằng loại silicon hoặc nhựa không đủ tiêu chuẩn và gây hại cho cơ thể đấy.
1.2 Chiếc cốc sẽ cho bạn cảm giác an toàn và nhẹ nhàng trong những ngày dâu
Điều này hoàn toàn phù hợp với những bạn chán ngấy sự bí bách của băng vệ sinh đặc biệt là những ngày trời nắng nóng như thế này, hay lo sợ khép nép khi cứ phải lo lắng về chuyện tràn băng.
Khi sử dụng cốc nguyệt san, bạn sẽ có được:
- Cảm giác thoải mái cực kỳ vì không còn cảm giác dày cộm, bí bách.
- Không còn cảm giác lo sợ tràn băng nữa vì dung tích của cốc nguyệt san có thể đựng được khoảng 30 - 60ml trong khi băng về sinh thông thường chỉ chứa được khoảng 18ml lượng kinh nguyệt.
- Khi sử dụng, cốc nguyệt san sẽ nằm sâu trong âm đạo giúp hạn chế lượng vi khuẩn, nấm tấn công và gây mùi một cách rõ rệt.
- Băng vệ sinh thông thường có khả năng thấm hút cao sẽ làm mất độ ẩm tự nhiên cũng như mất cân bằng độ pH của âm đạo, đối với cốc nguyệt san thì tình trạng này sẽ không xảy ra đâu ạ.
- Lượng máu mà cốc đựng được hoàn toàn sạch vì không tiếc xúc với không khí bên ngoài, do đó bạn không hề cảm thấy có mùi khó chịu ngay khi để trong cơ thể 12 tiếng đồng hồ.
- Sử dụng cốc nguyệt san, bạn cũng đã góp phần bảo vệ môi trường vì giảm được số lượng băng vệ sinh thải ra mỗi tháng.
- Thêm một ưu điểm vượt trội nữa là do được làm bằng chất liệu y tế cực kỳ an toàn cho cơ thể và hoàn toàn không chứa các chất hóa học độc hại, đây được coi là phương pháp cực kỳ tiện lợi cho những ngày dâu của bạn.
3. Cốc nguyệt san sẽ hoạt động như thế nào?
Nhìn hình dáng như một chiếc chuông nhỏ và khi nghe đến việc đưa chúng vô âm đạo thì chắc hẳn sẽ có rất nhiều bạn thắc mắc và có phần lo sợ về việc sử dụng loại cốc đặc biệt này.
Đừng lo lắng quá nhé vì cốc nguyệt san không hoạt động theo nguyên tắc thấm hút giống như tampon hoặc băng vệ sinh mà bạn thường sử dụng. Do được làm bằng chất liệu silicon y tế với độ mềm dẻo linh hoạt mà em ấy sẽ được đưa trực tiếp và yên vị ngay trong âm đạo của bạn, tương tự như việc sử dụng tampon. Nhưng trái lại với tampon, cốc nguyệt san sẽ hoạt động theo nguyên tắc hứng và đựng, ngăn không cho lượng kinh nguyệt của bạn chảy ra ngoài bằng cách thành cốc sẽ bám chặt vào thành âm đạo như một cái giác hút.
Nghe thì chắc hẳn nhiều bạn rất khó hình dung được cách đưa cốc nguyệt san vào âm đạo phải không ạ. Trước hết, bạn cần gập cốc nguyệt san lại để có thể dễ dàng đưa vào hơn. Trên thực tế sẽ có rất nhiều cách gập khác nhau và Yeutre.vn chắc chắn rằng sau một vài lần thử, bạn sẽ tìm được cách gập phù hợp nhất cho bản thân.
Sau khi được đưa vào âm đạo một cách hoàn hảo, miệng cốc sẽ mở ra hoàn toàn ngay dưới cổ tử cung của bạn, nơi mà dịch kinh nguyệt sẽ "rớt" ra. Bằng các lỗ thoát khí ở thành cốc sẽ giúp cốc nguyệt san bám chắc hơn như một giác hút để ngăn chặn dịch kinh nguyệt rò rỉ ra ngoài. Điều này cũng sẽ giúp cốc cố định không bị rớt ra khi bạn di chuyển, vận động, thậm chí là đi bơi. Và điều tuyệt vời đó là chiếc cốc nguyệt san khi đã được cố định ở trong âm đạo của bạn, nó cũng có tác dụng ngăn không cho các vi khuẩn, nước khi bạn đi bơi chảy ngược vào trong.
4. Cách sử dụng cốc nguyệt san an toàn cho bạn
Như đã nói ở trên, để cốc có thể được đưa dễ dàng vào trong âm đạo bạn cần tìm được những cách gập cốc phù hợp cho mình. Ngay sau đây, Yeutre.vn sẽ hướng dẫn cho bạn 4 cách gập cốc thông dụng và dễ dàng nhất, bạn có thể tham thảo nhé
Cách 1: Gập cốc hình chữ C
- Đây là cách gập phổ biến và khá dễ dàng.
- Điều đầu tiên cần làm đó là hãy dùng tay gấp cho cốc dẹt lại rồi gập đôi sao cho cốc gọn lại là được.
- Sau đó giữ ở chắc ở phần đuôi cốc và từ từ cho vào âm đạo.
Cách thứ 2: Gập cốc thành hình chữ V
Trên thực tế, đây là cách dễ gập nhất nhưng lại khá ít người sử dụng vì khi nhét vào âm đạo, cốc có thể bị bung giữa chừng. Kinh nghiệm dành cho bạn là cứ bình tĩnh đưa tiếp cốc vào trong thật nhẹ nhàng theo hình zig zag để tránh cọ sát và bị đau.
- Cách làm rất đơn giản, cầm cốc trên tay, bạn chỉ cần dùng ngón tay trỏ ấn một bên thành cốc cho lõm xuống rồi gấp hai bên cốc lại.
- Ép thật chặt hai mép cốc, từ từ dùng tay giữ phần đáy và cho cốc vào âm đạo.
Cách thứ 3: Gập số 7/ Hình tam giác
Một kiểu gập đơn giản khác giúp giảm bề rộng của cốc. Bạn cũng có thể thử cách này nếu đang gặp vấn đề với kiểu chữ V bên trên nhé.
- Bóp chặt cốc và gập một góc xuống sao cho miệng cốc tạo thành hình số 7.
- Sau đó, nắm chặt cốc ở vị trí càng gần đáy cốc càng tốt và từ từ đưa vào âm đạo.
Cách thứ 4: Kiểu gập chữ S
Đây là cách gập biến thể của cách chữ C, cũng rất đơn giản dành cho bạn.
Hãy bắt đầu với chiếc cốc mở, giữu hai mép và bẻ chúng sao cho tạo thành hình chữ S như trong hình là được.
Có thể sẽ mất vài ngày hoặc thậm chí vài chu kỳ kinh nguyệt để bạn làm quen với cách làm mới lạ này, đừng e ngại bạn sẽ sớm thành công và tìm được cảm giác tự tin về ngày dâu của mình.
5. Tư thế đưa cốc nguyệt san vào âm đạo
Sau khi chọn cho mình được một cách gập cốc phù hợp, bạn có thể áp dụng tư thế thoải mái nhất để đưa cốc vào âm đạo dễ dàng, như là:
- Bạn có thể thử khi ngồi trên bệ bồn cầu.
- Hoặc ngồi kiểu squat 2 chân kiễng lên tạo tư thế phù hợp cho việc đặt cốc.
- Đứng hoặc đặt một chân lên thành bồn cầu hoặc bồn tắm.
- Hoặc thậm chí là nằm trên sàn, miễn sao bạn thấy thoải mái cho việc đưa cốc vào là được.
6. Đưa cốc vào âm đạo như thế nào?
Bây giờ thì hãy đưachiếc cốc (đã gập) hơi nghiêng hướng về phía xương cụt, từ từ đẩy vào và nhẹ nhàng buông tay cho cốc tự bung. Chiếc cốc có thể được đặt cao hay thấp tùy vào cơ địa của bạn, nhưng phần đáy cốc không nên nằm ngoài miệng âm đạo.
Để đảm bảo chiếc cốc đã được mở hoàn toàn, bạn có thể nhẹ nhàng bóp phần đáy cốc rồi cầm cuống cốc xoay nhẹ một vòng cho cốc bung đều và vừa khít âm đạo. Bạn có thể nghe hoặc cảm nhận một tiếng "póp" báo hiệu chiếc cốc đã được mở và ôm khít âm đạo.
7. Làm thế nào để có thể rút cốc ra?
Cũng sẽ tương tự với cách mà bạn đưa cốc nguyệt san vào, bạn hãy:
- Nồi với tư thế ban đầu đưa cốc, nhẹ ngàng dùng cơ bụng đẩy hướng cốc xuống dưới.
- Đưa ngón cái và ngón trỏ bóp phần đáy cốc để loại bỏ sức hút.
- Nhẹ nhàng kéo cốc ra theo hướng zig zag. Nhưng lưu ý đừng để nghiêng cốc nhé, bạn có thể làm đổ mội thứ ở bên trong ra ngoài đấy.
- Bây giờ thì vệ sinh cốc nguyệt san để chuẩn bị cho lần dùng tiếp theo.
8. Cách vệ sinh cốc nguyệt san trong và sau kì kinh nguyệt
8.1 Cách vệ sinh cốc trong chu kì kinh nguyệt
Để vệ sinh cốc giữa những lần sử dụng trong kì kinh nguyệt, bạn có thể sử dụng nước vệ sinh cốc chuyên dụng hoặc dung dịch vệ sinh phụ nữ để rửa sạch và đưa lại vào trong cơ thể cho lần sử dụng tiếp theo.
Tuy nhiên, bất kỳ loại xà phòng nào cũng có thể gây kích ứng nếu bạn không rửa kĩ lại với nước, do vậy hãy đảm bảo cốc của mình đã được vệ sinh sạch, kể cả những lỗ thông khí trên thành cốc nhé.
8.2 Những phương pháp vệ sinh cốc ngay sau khi kết thúc chu kỳ kinh nguyệt
Sau khi kết thưc chu kỳ kinh nguyệt của mình, sẽ có một vài cách để bạn có thể vệ sinh, tiệt trùng cốc nguyệt san cho những lần sử dụng tiếp theo đó là:
- Luộc cốc nguyệt san trong một chiếc nồi sạch. Bạn có thể mua một nồi nhỏ riêng để sử dụng cho việc vệ sinh này. Trong quá trình vệ sinh hãy luôn đảo bảo cốc không chạm xuống đáy vì nhiệt độ cao có thể làm cháy hoặc chảy cốc nguyệt san của bạn.
- Tiệt trùng cốc nguyệt san bằng lò vì sóng, bạn để cốc nguyệt san vào một ly nước sạch và quay trong lò khoảng 5 phút.
- Hoặc bạn cũng có thể trụng cốc nguyệt san trong nước sôi 3 – 5 phút để tiệt trùng cốc
Có thể những cách làm này sẽ hơi mất thời gian của bạn, nhưng một khi đã quen với sản phẩm bạn sẽ cảm thấy sử dụng cốc nguyệt san hoàn toàn xứng đáng với những gì bạn đã bỏ ra đấy.
9. Những "sự cố"" khi sử dụng cốc nguyệt san mà bạn gái nào cũng có thể gặp phải
Cốc nguyệt san được coi như một trợ thủ đắc lực của bạn trong những ngày đèn đỏ, nhưng đôi khi, nếu bạn không sử dụng đúng cách hoặc mới sử dụng bạn có thể gặp những "sự cố" điển hình, như là:
9.1 Nhét cốc không vào
Đây là vấn đề mà bất cứ ai mới sử dụng loại cốc này cũng đều gặp phải. Có hai lý do chính khiến việc làm này trở nên khó khăn hơn:
- Thứ nhất là do bạn quá căng thẳng, các cơ trong cơ thể bạn cũng sẽ cứng lại, kể cả âm đạo. Do đó, khi đưa cốc nguyệt san vào bạn cần thả lỏng cơ thể và thật thoải mái nhé.
- Thứ hai là do bạn đã làm sai kĩ thuật như việc gấp cốc nguyệt san, tư thế ngồi hay thậm chí là bạn đã chọn nhầm size cốc. Hãy tham khảo thật kĩ cách sử dụng cũng như lựa chọn đúng size khi mua để tránh mắc phải sự cố này nhé.
9.2 Cốc nguyệt san bị kẹt rồi, phải làm sao đây?
Cũng tương tự như việc đưa cốc vào, bạn đừng nên quá căng thẳng. Chiếc cốc của bạn sẽ không thể nào chui hẳn vào trong đâu, nên hãy yên tâm và nắm rõ thao tác lấy cốc ra. Một mẹo nhỏ cho bạn là nên chọn cốc có cuống và phần đáy cốc có những đường viền để dễ cầm nắm không bị trơn tuột.
9.3 Cảm giác đau rát khi cho cốc nguyệt san vào âm đạo
Với những bạn mới sử dụng sẽ không có nhiều kinh nghiệm trong việc sử dụng, đôi khi bạn cũng sẽ gặp những trường hợp đau rát khi đưa cốc vào cũng như lấy cốc ra. Tìm hiểu rõ nguyên nhân của việc đau rát này cũng sẽ giúp bạn khắc phục tình trạng này đấy:
- Do bạn đặt cốc quá cao sau bên trong âm đạo, thành của cốc sẽ chạm vào tử cung gây đau nhói khi có sự co bóp nhẹ.
- Cuống cốc nguyệt san quá dài, điều này có thể gây ma sát ở bên ngoài "cô bé" khiến bạn cảm thấy đau.
- Kích thước không phù hợp, nếu cốc quá nhỏ sẽ gây hiện tượng rò rỉ máu kinh nguyệt, cốc quá to sẽ khiến âm đạo đau rát. Vì thế hãy lựa chọn thật kĩ và tham khảo từ những người tư vấn để chọn cho mình chiếc cốc phù hợp.
9.4 Bạn bì “rò rỉ” khi dùng cốc nguyệt san
Tình trạng "rò rỉ" có thể do bạn chọn sai cốc hoặc cốc chưa được bung hết để bám vào thành âm đạo. Do vậy, sau khi đưa cốc vào bạn nên xoay nhẹ để cốc được bung ra hẳn nhé.
9.5 Viêm nhiễm vùng kín
Mặc dù cốc nguyệt san được đảm bảo là an toàn và giảm thiểu viêm nhiễm hơn so với dùng băng vệ sinh thông thường, nhưng tình trạng viêm nhiễm có thể xảy ra nếu bạn không vệ sinh cốc nguyệt san đúng cách.
Ngoài việc tiệt trùng cốc sau khi sử dụng xong, bạn cũng nên đựng cốc bằng dụng cụ bảo quản riêng biệt và không nên để lung tung để tránh tình trạng bám bụi.
9.6 Dị ứng nếu sử dụng cốc nguyệt san giả
Cốc nguyệt san được làm bằng silicone y tế cao cấp đã được kiểm nghiệm bởi bộ Y tế nên sẽ không gây tình trạng dị ứng ở âm đạo. Nếu tình trạng dị ứng xảy ra kèm theo mụn nước, phát ban, khó thở,... thì nguyên nhân chủ yếu là do bạn đã dùng cốc nguyệt san không đảm bảo.
Vì thế, bạn nên lưu ý chọn mua cốc đảm bảo chất lượng có thương hiệu rõ ràng để tránh tình trạng kích ứng do hóa chất độc hại bạn nhé.
9.7 Quên cốc nguyệt san trong âm đạo
Với độ tiện dụng và thoải mái khi sử dụng cốc mà đôi lúc bạn để quên cốc nguyệt san trong âm đạo của mình. Điều này thực sự không tốt đâu ạ, vì máu trong cơ thể có chứa nhiều chất dinh dưỡng nên rất dễ “kích thích” vi khuẩn, từ đó làm gia tăng các bệnh phụ khoa. Nếu để quá 12 tiếng, khi lấy ra bạn cũng sẽ nghe mùi khó chịu từ cố nguyệt san nữa đấy. Vì thế hãy tuân thủ đúng thời gian trong mỗi lần sử dụng tốt đa 8 - 12 tiếng thôi nhé.
9.8 Cốc nguyệt san có thể gây rách màng trinh
Đúng vậy, do được đặt sâu vào trong âm đạo khoảng 5cm, rất có thể sẽ ảnh hưởng đến màng trinh của bạn. Vì thế, nếu chưa từng quan hệ, bạn nên cân nhắc khi quyết định sử dụng cốc nguyệt san.
10. Chọn đúng size cốc nguyệt san và những thương hiệu cốc nguyệt san uy tín, chất lượng dành cho bạn
Điều vô cùng quan trọng là tìm cho mình được một size cốc thật chuẩn để có được sự thoải mái cũng như tránh tình trạng "rò rỉ" máu kinh ra ngoài. Hãy cùng tham khảo những thương hiệu cốc nguyệt san cũng như size cốc để tìm ra sản phẩm mình ưng ý nhất nhé
10.1 Cốc nguyệt san Lincup
Hiện tại ở Việt Nam, cốc nguyệt san Lincup được thiết kế phù hợp với cơ địa của phụ nữ Châu Á và là hãng duy nhất có đại diện chính thức và nhập khẩu độc quyền bởi công ty Lintimate.
- Chất liệu: 100% silicone y tế
- Sản xuất tại Mỹ (có chứng nhận của FDA)
- Size thường dành cho những phụ nữ chưa sinh hoặc sinh mổ với đường kính 41mm và dung lượng 34ml.
- Size Lincup+ dành cho phụ nữ sinh thường và người có lượng kinh nhiều với đường kính miệng cốc 47mm, dung tích 40ml.
- Giá bán: 700.000 VNĐ
10.2 Cốc nguyệt san DivaCup
Cốc nguyệt san DivaCup có kích thước khá dài, chỉ phù hợp với những bạn to, cao với cổ tử cung dài mới có thể dùng được.
- Chất liệu: 100% silicone theo chuẩn y tế
- Sản xuất tại Canada và đã được kiểm nghiệm y tế bởi FDA của Mỹ và TGA Úc
- Size 1 (nhỏ) dành cho những phụ nữ chưa sinh con, sinh mổ và độ tuổi dưới 30. Với đường kính 43mm, dung tích 30ml.
- Size 2 (lớn) Dành cho những phụ nữ đã sinh con và có độ tuổi trên 30. Với đường kính 45mm, dung tích 30ml
- Giá tham khảo: 900.000 VNĐ
10.3 Cốc nguyệt san Lunette
Kích cỡ của cốc nguyệt san Lunette tương đối nhỏ và có rất nhiều màu được làm bằng màu thực phẩm theo chuẩn y tế, có tác dụng chống ố tốt hơn phiên bản trong suốt.
- Chất liệu: 100% silicone theo chuẩn y tế
- Sản xuất tại Phần Lan được chứng nhận bởi FDA – Mỹ và TGA – Úc.
- Size 1 dành cho những bạn có lượng máu kinh ít đến bình thường với đường kính 41mm, dung tích 25ml.
- Size 2 Dành cho những bạn có lượng máu kinh từ bình thường đến nhiều, với đường kính 46mm, dung tích 30ml.
- Giá bán: 899.000 VNĐ
10.4 Cốc nguyệt san Lady Cup
- Chất liệu: 100% silicone đúng chuẩn an toàn y tế.
- Sản xuất từ Cộng Hòa Séc, đạt chuẩn an toàn của FDA (Mỹ) và TGA (Úc).
- Size S (Nhỏ) dùng cho những người có lượng máu kinh nguyệt ít, chưa từng sinh con và dưới 25 tuổi. Với đường kính 40mm, dung tích 21,2ml.
- Size L (Lớn) dùng cho những người đã từng sinh con tự nhiên và lượng máu kinh nhiều. Với đường kính 46mm, dung tích 34,3ml.
- Giá: 600.000 VNĐ
10.5 Cốc nguyệt san Softcup
Đây là loại cốc nguyệt san dùng một lần có tác dụng tương tự như những chiếc cốc nguyệt san tái sử dụng và nó sẽ giúp bạn thay thế hoàn toàn cho băng vệ sinh và tampon thông thường.
- Chất liệu: Nhựa y tế cao cấp
- Cốc nguyệt san Softcup được phát minh bởi một nữ tiến sĩ chuyên ngành sinh lý và sức khỏe của đại học California – Mỹ và đã được chứng nhận bởi FDA.
- Được chia làm 2 loai chính:
Loại đầu tiên là sử dụng một lần duy nhất và tối đa là 12 tiếng/lần.
Loại thứ 2 sẽ dùng được nhiều lần nhưng chỉ trong một chu kỳ kinh nguyệt.
- Giá bán: 500.000 VNĐ/ Hộp 14 cái
11. Nhưng điều cần lưu ý khi lựa chọn cốc nguyệt san
Để có thể chọn mua một chiếc cốc với giá khá cao và gắn bó với mình trong rất nhiều năm thì bạn cần phải thật kĩ lưỡng và cẩn thận. Dưới đây là những lưu ý quan trọng khi chọn mua cốc nguyệt san dành cho bạn
11.1 Về chất liệu
Bạn nên lựa chọn chất liệu cốc được làm từ silicone y tế tự nhiên sẽ tốt nhất. Vì vi khuẩn sẽ không sinh sôi được trên chất liệu này, thứ hai là silicone là chất liệu rất bền, không bị biến dạng hay nứt gãy theo thời gian.
11.2 Quan tâm đến cơ sản chậu của mình
Việc quan tâm đến mình thuộc loại cơ sản chậu nào để chọn loại cốc phù hợp. Để phân biệt, bạn có thể biết được khi nhịn tiểu. Nếu bạn có thể nhịn tiểu một cách dễ dàng thì cơ sản chậu của bạn thuộc loại chắc khỏe, do đó có thể sử dụng loại cốc cứng. Còn nếu bạn gặp khó khăn trong việc nhịn tiểu bạn nên cân nhắc tới loại cốc mềm hơn.
11.3 Về màu sắc của cốc
Chắc chắn trong quá trình tìm kiếm, bạn đã từng thấy cốc nguyệt san có nhiều màu khác nhau và bạn đang do dự rằng một chiếc cốc có màu có thực sự cần thiết.
Những chiếc cốc nguyệt san trong suốt sau một thời gian tiếp xúc với máu nó sẽ trở nên ố vàng. Mặc dù không ảnh hưởng gì đến chất lượng sản phẩm nhưng tính thẩm mĩ của nó sẽ giảm đi rất nhiều. Vì thế, những chiếc cốc nguyệt san có màu sẽ giải quyết được vấn đề ố vàng này. Do được làm từ màu nhuộm thực phẩm an toàn, nếu bạn thực sự thích một chiếc cốc có màu sắc thì cứ sử dụng chúng thôi.
Tuy nhiên, những bạn có vùng âm đạo nhạy cảm dễ viêm nhiễm hoặc kích ứng thì có lẽ những cốc dạng silicone trong suốt vẫn là lựa chọn hợp lý nhất.
11.4 Cuống của cốc nguyệt san có tầm quan trọng gì không
Cuống cốc nguyệt san được thiết kế chủ ý nhằm mục đích hỗ trợ bạn khi đặt cốc vào và lấy cốc ra. Hiện nay, có vô số các loại cuống đi kèm với cốc khác nhau như cuống tròn, cuống vòng đai, cuống dẹp, cuống rỗng, cuống dài,...
Trên thực tế, có một số bạn còn cảm thấy khó chịu khi sử dụng cốc có cuống. Do đó, nếu lỡ chọn cốc có cuống gây khó chịu thì bạn có thể dễ dàng cắt thật gọn phần cuống đi và chỉ cần để lại một ít vừa đủ với âm đạo của mình.
Nếu không muốn cắt cuống bạn có thể lộn ngược cốc nguyệt san và sử dụng như bình thường và nhược điểm duy nhất của việc làm này là dung tích của cốc sẽ bị giảm so với ban đầu.
12. Trả lời các thắc mắc xoay quanh việc sử dụng cốc nguyệt san
Ngoài những lưu ý trong việc lựa chọn, thì trong quá trình sử dụng chắc hẳn bạn cũng sẽ có rất nhiều thắc mắc xoay quanh. Hãy để Yeutre.vn trả lời giúp bạn nhé
12.1 Dùng cốc nguyệt san thì đi vệ sinh như thế nào?
Đây là câu hỏi có lẽ được nhiều bạn thắc mắc nhất. Khác với việc dùng tampon bạn cần phải thay cái mới khi đi tiểu vì dây bị ướt. Nhưng đối với cốc nguyệt san, khi đi tiểu bạn không cần phải tháo ra vì nó sẽ không thấm nước. Chỉ khi đi đại tiện bạn mới cần phải tháo vì có thể khi rặn bạn vô tình đã đẩy cốc ra ngoài.
12.2 Làm sao biết được khi nào cốc đầy?
Nếu bạn đặt cốc đúng và không có hiện tượng rò rỉ thì rất dễ để nhận biết khi nào cốc đầy. Sau một vài tiếng sử dụng nếu bạn thấy một ít máu chảy ra thì lúc đó bạn nên tháo cốc và vệ sinh để tiếp tục sử dụng. Bạn hoàn toàn có thể yên tâm vì lượng máu này sẽ không tràn nhiều vì trên cốc có những lỗ nhỏ và máu sẽ chỉ có thể chảy qua lỗ đó khi đầy.
12.3 Nên tập thử cốc vào thời gian nào?
Thời điểm thích hợp nhất là những ngày cuối của chu kỳ. Vì những ngày đèn đỏ, âm đạo của bạn sẽ được mở to hơn nên việc làm này sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với những ngày bình thường. Và việc luyện tập ở những ngày cuối cũng sẽ đảm bảo cho bạn tránh được lượng máu rò rỉ ra nhiều.
12.4 Đặt vòng tránh thai có sử dụng được cốc nguyệt san không?
Bạn hoàn toàn có thể sử dụng cốc như bình thường, vì vị trí của cốc ở bên ngoài và không quá sâu nên sẽ không ảnh hưởng đến vòng tránh thai đâu ạ.
12.5 Dùng cốc nguyệt san có được hoạt động mạnh không?
Bạn có thể hoàn toàn yên tâm về vấn đề này nhé. Khi cốc đã được nằm yên vị trong âm đạo, bạn sẽ không còn có cảm nhận gì về mình đang đến ngày "đèn đỏ" mà có thể chạy nhảy, bơi lội, yoga,... mà không phải lo lắng về bất cứ điều gì.
12.6 Dịch kinh có thể chảy ngược vào âm đạo khi mình nằm không?
Điều này là hoàn hoàn không thể xảy ra vì cổ tử cung luôn luôn kín chỉ có một lỗ nhỏ để cơ tử cung đẩy kinh nguyệt ra ngoài âm đạo và đảm bảo rằng nó không thể chảy ngược vào trong.
Việc bắt đầu một lựa chọn mới thường sẽ không mấy dễ dàng và việc sử dụng cốc nguyệt san cũng vậy. Hi vọng rằng bài viết này đã cung cấp cho bạn thật đầy đủ kiến thức về cốc nguyệt san và những thắc mắc xoay quanh vấn đề này. Cuối cùng, dù bằng cách nào đi chăng nữa, Yeutre.vn chúc bạn luôn có những kỳ kinh nguyệt thật thoải mái.
Hiền Anh tổng hợp