Cô gái mù hát rong và chuyện tình cổ tích

Tình cờ gặp Đào trong buổi giao lưu, Thanh đã phải lòng cô gái mù. Vượt qua sự ngăn cản của gia đình, Thanh quyết cưới cô làm vợ.

banner ads

Xuất hiện trong chương trình "Điều ước thứ 7", đôi vợ chồng Nguyễn Như Đào (sinh năm 1992) và Nguyễn Nhật Thanh (sinh năm 1988), trú tại xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An, đã gây xúc động mạnh với khán giả truyền hình. May mắn hơn nhiều chuyện tình éo le khác, tình cảm của hai người đã vượt qua nhiều sóng gió, đơm hoa kết trái.

Như Đào kém may mắn khi sinh ra với đôi mắt dị tật, mọi thứ xung quanh cô chỉ là những khoảng sáng tối nhập nhèm. Dù vậy, khi nhìn bạn bè đồng trang lứa được cắp sách tới trường, cô bé vẫn không nguôi ước mơ được đi học. Từ bậc tiểu học, Đào được theo học chương trình chữ nổi do Hội Người mù huyện và tỉnh tổ chức. Lên cấp 2, Đào theo học trường làng. Sau khi vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THCS, thấy gia đình khó khăn, đông anh em nên Đào quyết định nghỉ học.

Số phận đã không cho Đào đôi mắt sáng nhưng cô gái được trời phú cho giọng hát mượt mà, trong trẻo. Cả tuổi thơ của cô chỉ có âm nhạc làm bầu bạn, giọng hát của Đào đã lay động được trái tim nhiều người nghe, trong đó có NSND Tường Vi, người mẹ của nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nhưng mang trong mình tình yêu với ca hát.

Đào nhớ lại, lần đó, Đội văn nghệ của Trung tâm có về biểu diễn tại quê mình. Lúc ấy, nghe dân làng xôn xao giọng hát của Đào, NSND Tường Vi đã đích thân mời cô cùng giao lưu với chương trình. Sau đó, Đào được gia nhập vào Đội nghệ thuật tình thương, được ra Hà Nội học tập rồi lưu diễn khắp Bắc Nam.

Công việc hàng ngày của Thanh và Đào là hát rong ở các chợ phiên, kiếm tiền nuôi con. Ảnh: Đời Sống Pháp Luật

Trong một lần giao lưu với các sinh viên Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Đào đã gặp Nguyễn Nhật Thanh (sinh năm 1988), chàng trai xứ Thanh đang theo học tại khoa Thanh nhạc. Hai người tình cờ quen biết nhau, biết Đào thích nghe nhạc của ca sĩ Quang Lê, Thanh mời cô lên song ca bài "Hương tóc mạ non". Tiết mục truyền cảm, nhịp nhàng đã nhận được sự hưởng ứng từ phía khán giả. Từ đó, Thanh và Đào bắt đầu trò chuyện qua lại.

"Lúc đó, em cũng có cảm tình nhưng em nghĩ anh ấy với em chỉ là một người anh đam mê âm nhạc thôi, anh ấy thấy mình là một cô gái bé bỏng, mù lòa nên thương tình song ca cùng", Đào nhớ lại. Thế nhưng không giống như những gì Đào suy nghĩ, kể từ lần đầu gặp gỡ, Thanh đã đem lòng yêu mến cô gái khiếm thị có giọng hát ấm áp. Cứ thế, sau mỗi giờ học, Thanh lặng lẽ đi theo Đào khi cô gái rong ruổi khắp các con phố Hà Nội để bán tăm.

Cảm nhận được tình cảm của chàng trai, lại biết anh là con trai một, Đào gạt nước mắt nói với người thương: "Em sẽ coi đây là một cái ơn, sẽ nhận anh là anh trai ân nhân đã nâng đỡ em trong suốt 3 năm đi học. Mai này anh lấy vợ thì hãy nhớ đến em". Đáp lại tâm sự ấy, chàng trai quả quyết: "Người anh lấy sau này chính là em. Chắc chắn bố mẹ anh sẽ không cưới cho anh đâu mà anh sẽ là người cưới em".

Sợ Thanh sẽ phải chịu khổ khi cưới mình, Đào quyết định chạy trốn. Thanh về quê thì biết tin cô đã đi rồi. Chàng trai không từ bỏ ý định, ngày ngày, vừa đi làm, vừa dò la thông tin của người yêu. May mắn có một người dân mách nước, Thanh đã tìm được Đào. Cảm động trước tình cảm chân thành của người yêu dành cho mình, cô gái khiếm thị đã quyết định đồng ý theo Thanh trở về.

"Em cảm nhận, tâm hồn và trái tim em đã sáng lên rất nhiều, so với khi chưa có anh ấy bên cạnh. Tình yêu của anh ấy là nguồn ánh sáng của đôi mắt em. Mặc dù em không nhìn thấy thì anh dìu dắt em đi. Anh ấy mãi mãi là đôi mắt của cuộc đời em", Đào nói.

Chưa hết sóng gió, tình yêu của hai người còn phải vượt qua sự ngăn cản từ phía hai gia đình. Là con trai duy nhất trong gia đình có 5 người con, lại là trưởng họ, bố mẹ Thanh gây sức ép, không đồng ý cho con mình lấy một cô gái khiếm thị. Thế nhưng, bằng tình yêu mãnh liệt, chàng trai vẫn quyết định đi theo tiếng gọi trái tim.

Đám cưới của hai vợ chồng rất đơn sơ, giản dị, không dựng rạp và chỉ có họ hàng bên ngoại. Gia đình chỉ làm hai mâm cơm để mời người thân và bạn bè. Phòng tân hôn cũng chỉ là một phòng trọ bình dân, rộng vài mét vuông. Đây cũng là mái ấm của hai vợ chồng cho tới bây giờ. Ngày ngày, Đào bám vai chồng, rong ruổi khắp các khu chợ để hát rong, kiếm tiền trang trải cuộc sống. Chàng trai tốt nghiệp khoa Thanh nhạc cũng không ngần ngại cầm mic ra đường cùng vợ.

Nói về chồng mình, Đào tâm sự: "Anh ấy thực sự là người đàn ông tuyệt vời. Sáng đi làm, trưa chiều lại chạy về, đêm hôm thức khuya chăm con mà sức khỏe anh ấy vốn dĩ ốm yếu".

9939-dao4-3722-1421031655.jpg

"Tình yêu của anh ấy là nguồn ánh sáng của đôi mắt em. Mặc dù em không nhìn thấy thì anh dìu dắt em đi. Anh ấy mãi mãi là đôi mắt của cuộc đời em", Đào nói. Ảnh chụp màn hình

Thế rồi, gần một năm sau đó, cô con gái đầu lòng của Đào và Thanh ra đời, như thắp lên trong hai vợ chồng niềm vui, niềm hy vọng với tương lai tương sáng. "Em rất hạnh phúc, làm vợ đã hạnh phúc rồi mà làm mẹ còn hạnh phúc hơn. Niềm hạnh phúc càng dâng trào thì em lại càng thương con, tủi thân vì con lớn lên thiếu đi vòng tay yêu thương của họ hàng bên nội", người mẹ trẻ trăn trở.

Thanh đặt tên con là Nguyễn Thị Sao Mai và an ủi vợ: "Anh nghĩ rằng, có những người vợ người chồng khỏe mạnh hơn nhưng thiếu hạnh phúc hơn vợ chồng mình. Em đừng buồn, sau này con cái sẽ bù đắp cho mình sau. Anh đặt tên con là Sao Mai vì bố hát rong, mẹ hát rong, sau này mơ ước con gái được lên chương trình Sao Mai Điểm Hẹn".

Ước mơ đó của họ đã được những người làm truyền hình bí mật giúp đỡ. Trong buổi ghi hình trực tiếp của cuộc thi Sao Mai Điểm Hẹn vào giữa năm 2014, Thanh đã có cơ hội lên sân khấu, kể lại câu chuyện của mình và hát lại ca khúc "Hương tóc mạ non" gắn với kỷ niệm ngày đầu yêu nhau của hai người. Cô gái chỉ còn biết nghẹn nghào trong niềm xúc động khôn nguôi. Câu chuyện của hai người đã nhận được tình cảm nồng nhiệt không chỉ từ phía khán giả tại trường quay mà còn với khán giả xem truyền hình.

Theo ngoisao

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI