.
Sự cố gắng không ngừng và những thành tích mà Lan Thy đạt được ở tuổi 17 có thể coi là một phép mầu. Cô gái học giỏi, đa tài ấy đã dành cho Thanh Niên Online một buổi trò chuyện đầy cởi mở, chân tình cùng những câu chuyện thuộc dạng "lần đầu tôi kể".
Lan Thy lọt Top 20 "Miss Áo Dài Nữ Sinh Việt Nam" - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Từng bị coi là "sự thất bại của con tinh trùng"...
Chào Thy! Em biết được hoàn cảnh ra đời đặc biệt của mình là do đâu? Cảm xúc của em lúc đó như thế nào?
- Lần đầu tiên là lúc em còn rất là nhỏ, khi có các cô chú phóng viên của HTV đến nhà em để phỏng vấn và quay phim. Em cũng không biết họ đến làm gì thì lúc đó ba mẹ em đã giải thích cho em. Cũng không hẳn là giải thích mà chỉ là nói em được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Lúc đó, em cũng chẳng biết phương pháp đó là gì nên cũng không để ý nó cho lắm mà cứ sống bình thường, đến năm lớp 8 em mới thực sự tìm hiểu rõ về phương pháp này.
Có bao giờ em cảm thấy mặc cảm vì sự “khác thường” của mình nhất là khi em vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa của phương pháp này còn bạn bè xung quanh thì trêu chọc?
- Dạ cũng có chứ! Trong mấy năm đầu tiểu học, có một số bạn thường chọc em do thấy em trên báo. Người thì nói em sinh từ trứng, đứa thì nói em không phải con của ba mẹ. Đã có lần em từng đánh bạn vì xúc phạm em. Nhưng càng lớn cái sự mặc cảm đó mất đi, thay bằng sự cố gắng không ngừng.
Tuy nhiên, đỉnh điểm là năm học lớp 10 (2013), em là lớp trưởng của lớp 10CV1 được cầm bảng tên lớp đi diễu hành và ngồi đầu hàng. Vô tình, em được lọt vào ống kính của phóng viên và lên báo.
Những ngày sau đó là chuỗi ngày "bị nói xấu" của em bắt đầu: Có một số chị lớp trên nói em là “thất bại của con tinh trùng”, “thất bại của nền y học Việt Nam”, “não dùng để bón phân cho tóc”... Em chỉ biết im lặng kiềm chế hơn và tự hứa cố gắng hết sức tham gia các cuộc thi để chứng minh thực lực của mình.
Vậy khi đã hiểu rõ hơn về “nguồn gốc” của bản thân, có bao giờ em thấy ngại ngùng, lo sợ hay khó chịu khi những người xung quanh “phân biệt đối xử”?
- Em chưa bao giờ thấy ngại ngùng hay lo sợ bởi những điều ấy. Tại bản thân em tự thấy em cũng bình thường như bao người, có chăng cách sinh ra của em đặc biệt hơn thôi. Em không khiếm khuyết gì cả, em cũng không mất mát thua kém gì nên em chưa bao giờ thấy lo sợ. Ngược lại, đó còn là động lực khiến em cố gắng hoàn thành mục tiêu mình hơn.
... đến lấy sự thành công làm câu trả lời
18 tuổi mà em đã sở hữu bảng thành tích đáng nể ở nhiều lĩnh vực (Giải Nhì cuộc thi "Cùng non sông cất cánh" lần 4; Giải Nhất trong kỳ thi sáng tạo khoa học kỹ thuật Lê Hồng Phong - Intel Science Engineering Fair; Huy chương vàng - Môn Lịch sử khối 11 Kỳ thi Olympic tháng 4 TP.HCM lần I; Top 20 toàn quốc cuộc thi "Miss Áo Dài Nữ Sinh Việt Nam 2015"; Giải ban nhạc sử dụng nhạc cụ điện tử hay nhất tại cuộc thi Liên hoan ca khúc “Chú ve con” lần 20 năm 2015…). Sao em giỏi thế?
Phạm Tường Lan Thy và đồng đội đoạt giải Nhì cuộc thi "Cùng non sông cất cánh" - Ảnh: Nhân vật cung cấp
- Một phần do em thích tham dự các cuộc thi, mặt khác em phải cố gắng hơn những người khác rất nhiều, ví dụ như câu chuyện bị nói xấu là động lực lớn nhất của em. Em nhớ khi bị nói như vậy em khóc nhiều lắm, bật khóc ngay ở căn tin luôn. Nhưng, qua chuyện đó, em nghĩ muốn người ta hiểu được mình không phải nói lại người ta mà phải dùng hành động để chứng minh. Chính vì thế, em có thêm quyết tâm để tham gia các cuộc thi!
Bản thân em cũng khá hiếu thắng, thích tham gia thi cử. Càng thi, em lại càng thấy phấn khích và hạnh phúc từ các giải thưởng đã đạt được.
Tham gia nhiều cuộc thi, phong trào như vậy, làm sao em cân bằng giữa những hoạt động đó và việc học? Học ở một ngôi trường chuyên có áp lực không?
- Em nghĩ không chỉ em mà các bạn Trường Lê Hồng Phong nói riêng và tất cả học sinh nói chung cũng hiểu được muốn tham gia phong trào, chưa cần biết tham gia tích cực như thế nào thì phải đảm bảo thật tốt kết quả trên lớp. Nếu kết quả trên lớp không tốt thì tụi em cũng không có điều kiện tham gia phong trào vì thầy cô sẽ chia sẻ và giúp em hiểu được hơn. Còn áp lực thì em chỉ thấy áp lực mỗi khi làm kiểm tra thôi (cười), còn lại em nghĩ mình vẫn hoàn thành tốt được.
Thật ra, chính những hoạt động bên ngoài cũng giúp ích cho em rất nhiều từ kỹ năng đến việc có những giờ giải trí, thư giãn.
Cô nữ sinh lớp chuyên Văn và ước mơ trở thành... bác sĩ
Trên con đường đi đến ước mơ làm bác sĩ, bác sĩ Phượng (Nguyễn Thị Ngọc Phượng - nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ), bác sĩ Tường (Hồ Mạnh Tường) và bác sĩ Lan (Vương Thị Ngọc Lan) - những người góp phần mang em đến cuộc đời này, có hay giúp đỡ, cho em lời khuyên không?
- Dạ có chứ! Em vẫn thường hay nói chuyện với “bà” Phượng, “ba” Tường và “má” Lan về những chuyện trường lớp. Em từng chia sẻ với 3 người ấy rằng em rất thích được đi du học. Từ nhỏ, em đã ước ao được đi du học. Nhưng, bà Phượng nói với em, nếu học Y thì tốt nhất nên học ở Việt Nam, mọi người có thể chỉ dẫn, ủng hộ, khuyên nhủ em nhiều hơn.
Được biết, em là một cô bé đa tài, có năng khiếu về âm nhạc và cũng từng học lớp Chuyên Văn. Vậy sao em lại quyết định chuyển hướng sang khối B để trở thành bác sĩ? Đó là đam mê hay là trách nhiệm?
- Không hẳn là đam mê hay trách nhiệm. Với em, sở thích và mục tiêu là hai điều hoàn toàn khác nhau. Có thể âm nhạc, nghệ thuật là sở thích của em nhưng mục tiêu em đặt ra từ trước là khối B nên em sẽ phân biệt được đâu là đích đến chính của cuộc đời mình. Sở thích thì em có nhiều lắm nhưng mục tiêu chỉ có một mà thôi. Đó là trở thành một bác sĩ giỏi để giúp người bệnh vì em trân trọng sự sống mà ngành Y đã tạo ra cho em. Em rất tự hào khi được sinh ra bằng một phương pháp khoa học hiện đại như vậy và luôn vui vẻ trả lời cặn kẽ khi có bạn nào hỏi về trường hợp của mình.
Ngoài ước mơ làm bác sĩ để giúp đỡ mọi người, em còn những ấp ủ, dự định nào cho riêng mình không? Em muốn trở thành một người như thế nào trong tương lai?
- Em còn muốn sau này có thể trở thành nhà quản lý một công ty về các thiết bị điện tử! Có vẻ không liên quan đúng không! Nhưng, đó chỉ là công việc buổi sáng thôi. Sau 5 giờ chiều, em sẽ làm các công việc liên quan đến âm nhạc, nghệ thuật vì đó cũng là niềm đam mê lớn của em.
Là một người trẻ đặc biệt, em muốn chia sẻ với các bạn trẻ hiện nay, nhất là những bạn có hoàn cảnh khó khăn?
- Em chỉ muốn chia sẻ với các bạn rằng đừng vì những điều "đặc biệt" của bản thân mà mặc cảm với cuộc sống, hãy biến những điều "đặc biệt" ấy trở thành động lực để tạo ra những kết quả đặc biệt hơn.
Đa số thầy cô, bạn bè nhận xét về em là một cô bé đa tài và lễ phép. Liệu còn điều gì mà mọi người chưa biết về em không? Nếu không được biết đến với cụm từ “cô bé được sinh ra trong ống nghiệm”, em sẽ giới thiệu với thế giới một Phạm Tường Lan Thy như thế nào?
- Đó chỉ là những điều mà mọi người khi chưa tiếp xúc với em nghĩ thôi. Thậm chí, có một số người chưa tiếp xúc còn nói em chảnh hoặc lạnh lùng. Những người bạn thân thì thường gọi em là “Thiếu Muối” vì em nói chuyện quá nhạt không ai cười (cười). Em không muốn đặt ra cho bản thân một tên gọi hay “nhãn mác” nào cả, những ai tiếp xúc lâu dài và thực sự hiểu em sẽ tự khắc nhận ra chính con người em thôi!
Cảm ơn Lan Thy về những chia sẻ trên. Chúc em luôn thành công và tỏa sáng đặc biệt như chính sự ra đời của mình!
Vào ngày 30.4.1998, 3 đứa trẻ thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên ở Việt Nam là Phạm Tường Lan Thy, Lưu Tuyết Trân và Mai Quốc Bảo ra đời tại Bệnh viện Từ Dũ (Quận 1, TP.HCM) trong sự vui mừng của gia đình và giới y, bác sĩ cả nước. Sự kiện được đánh giá là một thành tựu xuất sắc của nền y học Việt Nam. Đến nay, phương pháp này đã và đang có nhiều bước phát triển và được áp dụng rộng rãi, mang đến niềm hạnh phúc cho hàng nghìn gia đình. Kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm ở Việt Nam cũng được đánh giá là hàng đầu Đông Nam Á với nhiều thành tựu vượt bậc.
Theo TNO