Chuyện những bà mẹ suýt mất con do nhầm lẫn ở bệnh viện

'Trời, đây là con em mà!', bà Chi cuống quýt nói với người phụ nữ giường bên, khi chị này xuất viện với đứa con mới đẻ.

banner ads

Vụ trao nhầm con 42 năm vừa được phát hiện, ngay sau đó một vụ trao nhầm con 29 năm cũng được tiết lộ khiến dư luận đang xôn xao. Mới đây, bà Chi, 66 tuổi (ở Nguyễn Thị Định, Hà Nội) đã chia sẻ với VnExpress về trường hợp của chính mình, từng bị nhầm con nhưng may mắn tìm lại được.

46286-10565010-1265964003418477-7203-2539-6896-1457979988.jpg
Để tránh nhầm con, mỗi bệnh viện có một cách đánh dấu khác nhau như đeo vòng, có thẻ viết tên, ngày sinh, cân nặng của bé. Ảnh: Nhật Minh.

Ngày 2/10/1974, bà Chi sinh con gái đầu lòng tại một nhà hộ sinh ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Thời đó các sản phụ không được nằm chung với con mình mà các bé sẽ nằm trên một cái nôi. Con của bà Chi nằm nôi 13B, còn chiếc nôi 13A bên cạnh là con của một người phụ nữ tứ tuần buôn gà, vịt, quê Thái Bình.

Bà Chi kể, đây là đứa con thứ 12 của người phụ nữ này. Có vẻ đi buôn cũng được nên tính bà ấy khá xởi lởi. Mọi người ở viện ai cũng được bà cho một bộ quần áo sơ sinh màu cháo lòng lấy may. Thời xưa khó khăn, con người quý mến nhau lắm nên lúc hai mẹ con bà xuất viện, ai cũng gửi lời hỏi thăm.

"Tuy nhiên, vừa ra khỏi phòng, chị ấy quay lại nhờ tôi bế con hộ để hút điếu thuốc. Tôi nhìn đứa bé thì giật nảy mình. 'Trời, đây là con em mà', tôi cuống quýt. Trong khi chị ấy vẫn phì phèo điếu thuốc, bình chân như vại 'Thế con cô mấy kg'. Tôi vội đáp 2,5 kg, thì chị xua đi với lý do con chị 2,4 kg và hai đứa bé cũng gần như nhau", bà Chi nhớ lại.

"'Không đúng, cái trán nó cao giống bố, cái miệng nó giống hệt em', tôi nói. Nghĩ mãi không thấy trên người con có gì đánh dấu khác, tôi mới hỏi 'Thế con chị có đặc điểm nào không'. Bác ấy đáp gọn lỏn: 'Cái bớt sau tai trái'. Tôi vạch ra thì không thấy. Cởi đống tã trên người thì đúng là con tôi, chữ 13B vẫn mờ trên mông. Hóa ra các y tá bế con tôi đi tắm, rồi trả cho bác này", kỷ niệm trong lần đầu đi sinh khiến bà Chi nhớ mãi.

Đến lần sinh con sau, bà quan sát con cẩn thận hơn. Ngoài các biện pháp đánh dấu của bệnh viện, bà cũng mang theo bút viết vào kẽ tay, kẽ chân con cho khỏi nhầm.

Thông qua câu chuyện của mình, bà Chi, từng là viên chức trong Đài truyền hình Hà Nội, muốn nhắn nhủ đến hai trường hợp bị trao nhầm con là nên mở rộng hướng điều tra. Nếu xác định chắc chắn con mình là gái thì loại bỏ những người sinh con trai, còn nếu không chắc chắn vẫn nên tìm cả, không loại trừ khả năng bị đổi lấy con trai.

"Thêm vào đó nên tìm trước hoặc sau ngày xuất viện 1-2 ngày, vì có thể do lý do nào đó mà họ xuất viện sớm hơn. Đồng thời cũng phải tìm thêm những người ngoại tỉnh, lý do vì họ đi làm rồi trên thành phố, vào nhà hộ sinh đẻ. Thường những người này sẽ không để lại thông tin vì sợ phải nộp viện phí", bà Chi gợi ý thêm.

Những ngày qua trên các diễn đàn mạng, các thành viên cũng kể lại nhiều trường hợp nhầm con đã xảy ra với họ hoặc chính gia đình họ.

Bà Thư Đào, cũng sinh con năm 1974, tại một nhà hộ sinh ở Hà Nội và cũng bị nhầm con. Bà kể, lúc sinh những đứa trẻ được nữ hộ sinh viết số thứ tự lên trán bằng mực tím, hàng tháng trời mới bong hết. Nhưng do họ viết ẩu mà con bà số 3 bị nhầm với con nhà số 5. "Linh cảm của một người mẹ chính xác lắm. Y tá giao cho đứa bé không phải con mình, tôi không chịu nhận, làm ầm lên. Họ bực mình kiểm tra đứa bé tôi chỉ thì đúng là chân trái tên mẹ, chân phải tên con. Thế nên được nhận lại. Đúng là hú hồn", bà Đào kể.

Nickname Khuất Thu Hiền chia sẻ: "Tôi cũng bị y tá trao nhầm ở một nhà hộ sinh tại quận Đống Đa, Hà Nội năm 1982. May mà mẹ tôi chạy đi tìm và đòi lại được ngay vì tôi là con gái mà con của họ lại là con trai".

Theo chị Hiền, thời đó đẻ xong mẹ nằm một nơi, con một nơi. Đến giờ bú mới giao con cho mẹ. Trước đó chị đã được mẹ cho bú một lần nên nhớ mang máng mặt con. "May nhất là nhà kia là con trai. Khi thấy đứa bé được y tá trao cho không giống con mình, mẹ tôi đã đi xem từng đứa trẻ một để tìm, đến nhà mẹ của bé trai kia họ còn không trả tôi. Nói đi nói lại họ vạch ra xem là con gái mới tá hỏa trả tôi cho mẹ, để nhận lại con mình", chị Hiền nói.

Nickname Hải Dương Xanh cũng cho biết: "Con em lúc tắm xong còn bị trao nhầm cơ. Nhận cháu từ tay y tá, mẹ chồng tôi cứ nhìn nhìn. Nhìn bao lâu mới nói to 'Đây không phải cháu tôi'. Bà bên cạnh thì nhìn ra đúng là cháu mình mà không dám nhận, vì mẹ chồng tôi cứ bế khư khư. Lúc y tá bế vào đứa sau mẹ mới bảo 'Đây là cháu tôi', rồi mới trả đứa bé kia".

Thành viên này cũng cho biết thêm, chị sinh con trai ở bệnh viện huyện, giờ cháu được gần 5 tháng. Em bé là thành quả hơn 4 năm cố gắng mới có của vợ chồng chị.

Kinh nghiệm chung của nhiều bà mẹ là bản thân hoặc người nhà nên chủ động tìm đặc điểm nhận dạng của con ngay từ lần đầu gặp, để lần sau muốn tìm là có thể biết ngay (như dáng tai, nốt ruồi, đặc điểm chân, tay, mái tóc...), hoặc dùng thêm các biện pháp đánh dấu, bên cạnh các biện pháp phòng ngừa của bệnh viện.

Theo VNE

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI