Người xưa có câu: “Đàn ông đi biển có đôi, đàn bà vượt cạn mồ côi một mình”. Thế nên, cơn đau chuyển dạ kéo dài nhiều giờ đến cả ngày là nỗi lo sợ của nhiều thai phụ chuẩn bị lên bàn sinh. Tuy nhiên, theo bác sĩ Lê Thị Kim Ngân - Trưởng khoa sản, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, chị em có thể giảm đau khi chuyển dạ nhờ các tiến bộ y học ngày nay.
Các bà mẹ học tiền sản tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn.
Có cách nào để giảm cơn đau khi chuyển dạ, thưa bác sĩ?
Phương pháp sinh không đau là một trong những cách hiệu quả để giảm cơn đau khi chuyển dạ. Đây là thuật ngữ nói về việc giảm đau cho sản phụ bằng các kỹ thuật dùng thuốc và không dùng thuốc. Với sự tiến bộ của y học ngày nay, kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng được sử dụng khá phổ biến.
Gây tê ngoài màng cứng được tiến hành như thế nào?
Đầu tiên, sản phụ sẽ được bác sĩ sản khoa khám và tiên lượng khả năng sinh thường. Sau đó, bác sĩ gây mê sẽ khám toàn diện để chọn lựa các trường hợp chỉ định, giải thích cho sản phụ về phương pháp sinh không đau. Nếu sản phụ đồng ý, bác sĩ giàu kinh nghiệm mới bắt đầu gây tê ngoài màng cứng.
Trước khi gây tê, sản phụ được truyền dịch để tránh tụt huyết áp do tác dụng tê tạo ra. Sản phụ ngồi cong lưng hoặc nằm nghiêng cong người, để bác sĩ gây mê hồi sức đưa một kim và một dây dẫn thuốc tê vào. Dây nhỏ và mềm nên sản phụ có thể nằm trong tư thế thoải mái.
Sản phụ nhận được lợi ích gì khi gây tê ngoài màng cứng?
Gây tê ngoài màng cứng giúp cuộc chuyển dạ sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn, sản phụ cảm thấy thoải mái và không mất nhiều sức. Nhờ tác dụng của thuốc giảm đau, bác sĩ sản khoa có thể chỉ huy được cuộc sinh thường theo hướng tốt nhất cho mẹ và bé. Trong trường hợp phải mổ lấy thai cấp cứu, có thể sử dụng dây gây tê ban đầu để dẫn thêm thuốc tê.
Gây tê ngoài màng cứng gây hại ra sao, thưa bác sĩ?
Bên cạnh lợi ích, gây tê ngoài màng cứng cũng có nhược điểm nhất định. Thuốc tê có thể gây giãn mạch, tụt huyết áp và ảnh hưởng đến cung cấp máu cho thai nhi. Một số sản phụ thấy buồn nôn, toát mồ hôi, mệt hay khó thở vì tụt huyết áp. Ngoài ra, cơn co tử cung có thể bị ảnh hưởng phần nào bởi thuốc tê. Dù vậy, gây tê ngoài màng cứng không làm tăng tỷ lệ mổ đẻ hay can thiệp dụng cụ khi xổ thai.
Trong một số trường hợp, sản phụ có thể đau đầu vài ngày sau sinh. Cơn đau sẽ tự hết hoặc kết thúc sau khi dùng thuốc cũng như nằm nghỉ ngơi đúng tư thế. Đau lưng do tử cung căng quá mức trước khi sinh cũng có thể xảy ra. Nhiễm trùng khoang ngoài màng cứng là một biến chứng có thể xảy ra, song, có thể giảm thiểu bằng cách tuân thủ tuyệt đối các nguyên tắc vô trùng.
Khi nào sản phụ được phép gây tê ngoài màng cứng?
Bất cứ sản phụ nào muốn giảm cơn đau do chuyển dạ, bác sĩ sản khoa tiên lượng sinh thường được, cổ tử cung chưa mở quá 6cm và không có các chống chỉ định gây tê, đều có thể gây tê ngoài màng cứng.
Phương pháp chống chỉ định với sản phụ dị ứng thuốc tê, nhiễm trùng toàn thân, rối loạn huyết động và các chức năng sống nặng, tiểu cầu 100.000/mm3, bắt buộc phải dùng thuốc chống đông sau sinh, có tiền sử bệnh lý thần kinh hoặc bệnh tủy sống… Sản phụ cũng không nên gây tê ngoài màng cứng trong tình huống cấp cứu, khi tính mạng của mẹ hoặc con bị đe dọa.
Theo ngoisao