Chụp ảnh ban đêm có thể phát hiện ra ung thư võng mạc ở trẻ

Nhốt con vào phòng tối, chụp ảnh ban đêm có đèn flash được xem là một trong những phương pháp phát hiện ung thư võng mạc ở trẻ nhỏ hiệu quả.

banner ads

Những đốm sáng ở mắt cảnh báo bệnh ung thư

Ung thư nguyên bào võng mạc mắt ở trẻ là bệnh ung thư thường xảy ra ở bệnh nhi. Tại Khoa Nhi, Bệnh viện K trung ương, cháu Nguyễn Văn H. 14 tháng tuổi, Lĩnh Nam, Hà Nội đang điều trị ung thư võng mạc mắt. Bé H. được bố mẹ phát hiện sớm bệnh từ khi bé có biểu hiện mắt có đốm sáng nhất là vào buổi tối khi cả nhà tắt đèn ngủ.

39947-ung-thu-vong-mac14208333.jpg

Chụp ảnh cho bé vào ban đêm có thể phát hiện ra ung thư.

Bố mẹ cháu đã đưa con đi kiểm tra mắt tại Bệnh viện Mắt trung ương. Các bác sĩ đã chẩn đoán cháu bị u nguyên bào võng mạc và chuyển xuống bệnh viện K trung ương điều trị. Sau khi điều trị hóa chất, tế bào ung thư vẫn lan rộng nên các bác sĩ quyết định múc một bên mắt phải của bé. Còn lại bên mắt trái điều trị bảo tồn.

banner ads

Trường hợp của bé Vũ Gia Minh - quê Nam Định cũng tương tự. Bé Minh sinh ra vốn là cậu bé khỏe mạnh. Khi được 5 tháng, chị thấy mắt phải của con hay bị chảy dịch có nhoèn. Chị Thơm còn tưởng bé bị đau mắt thông thường nhưng càng ngày nhìn mắt bé càng lồi ra. Khi đó, chị cố gắng đưa con lên Bệnh viện Mắt Trung ương khám. Chị chết điếng khi soi đáy tế bào mắt, bác sĩ kết luận cháu bé bị ung thư võng mạc.

Bé Gia Minh được bác sĩ mổ mắt ở Bệnh viện Mắt trung ương, sau đó chuyển về Bệnh viện K tiến hành hóa xạ trị. Đến nay bé đang chuẩn bị vào đợt xạ trị thứ 2. Đôi mắt trũng sâu, còn một bên mắt nữa khiến bé Minh cảm thấy bứt rứt.

Nhìn vào đôi mắt của con, chị Thơm - mẹ của bé thở dài, nếu điều trị thành công, giữ được sự sống cho bé thì sau này bé Minh có thể lắp mắt giả. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn ở phía trước chưa ai nói được điều gì.

Khi nghe bác sĩ nói đến các triệu chứng của ung thư võng mạc, chị Thơm giật mình, trước khi mắt bé bị lồi ra, chị thấy mắt con hay có biểu hiện là có đốm vàng vào buổi tối. Nhiều lần chị lôi điện thoại ra chụp gửi cho bố cháu ở xa thì thấy mắt con có đốm sáng. Lúc ấy chị cứ nghĩ đó là phản xạ với ánh sáng mà không biết rằng đó là dấu hiệu cảnh báo ung thư võng mạc của con.

Những triệu chứng chẩn đoán ban đầu

Theo thạc sĩ Phạm Thị Việt Hương - cán bộ Khoa Nhi, Bệnh viện K, Hà Nội cho biết, u nguyên bào võng mạc là bệnh ác tính hay gặp nhất ở mắt. Khối u bắt nguồn từ võng mạc (retina) - tầng nhạy cảm với ánh sáng của mắt giúp mắt có thể nhìn được. Đây là nguyên nhân gây mù lòa và tử vong ở trẻ nhỏ.

Theo nghiên cứu của thạc sỹ Phạm Thị Việt Hương, tại bệnh viện K, tuổi bị bệnh trung bình 11,6 tháng, tối thiểu phát hiện bệnh ngay khi sinh ra, tối đa gặp 50 tháng tuổi. Tuổi trung bình lúc chẩn đoán là 18,3 tháng. Sớm nhất là được chẩn đoán lúc 3 tháng và muộn nhất là 60 tháng.

Dấu hiệu nhận biết bệnh ung thư võng mạc là đồng tử trắng: 56% trường hợp bệnh được phát hiện nhờ dấu hiệu này. Thường được mô tả bằng nhiều từ khác nhau như "mắt mèo", "mắt thú", "mắt có ánh sáng lập lòe", "mắt có ánh sáng lấp lánh, rực rỡ". Khi nhìn vào mắt bé, cha mẹ thấy có ánh trắng (nhất là vào ban đêm hoặc trong phòng tối vì khi đó đồng tử giãn), cũng có thể thấy 1 hoặc 2 đồng tử màu trắng hay vàng khi chụp ảnh buổi tối có dùng đèn flash.

Dấu hiệu triệu chứng thứ hai đó là mắt của bé bị lé (lác) 34% trường hợp bệnh được phát hiện nhờ dấu hiệu này. Đặc biệt, nếu bé bị lé trong vòng 6 tháng tuổi thì nên nghi ngờ có u nguyên bào võng mạc. Biểu hiện tiếp theo đó là thị lực kém, mắt đỏ và đau nhức mắt do tăng nhãn áp, viêm màng bồ đào, viêm tế bào hốc mắt, xuất huyết tự nhiên trong tiền phòng, trong pha lê thể. Đây là các biểu hiện muộn hơn của bệnh.

Đối với u nguyên bào võng mạc ba bên có tiên lượng rất xấu, thời gian sống thêm trung bình sau chẩn đoán là 9 tháng, sống thêm tốt hơn ở những trường hợp không có triệu chứng và được chẩn đoán sớm.

Theo PNO

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI