Trao đổi với báo chí sáng 26/1, bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Bảo hiểm Xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có nhiều điểm mới về chế độ thai sản, trong đó có quy định lao động nam được nghỉ việc khi vợ sinh con.
Cụ thể, chồng được nghỉ 5 ngày làm việc trong trường hợp vợ sinh thường, 7 ngày khi vợ sinh phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi. Nếu vợ sinh đôi thì chồng được nghỉ 10 ngày; từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc. Nếu vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì chồng được nghỉ 14 ngày.
"Điều này sẽ tạo điều kiện cho những đôi vợ chồng trẻ ở xa gia đình, đặc biệt là vợ chồng công nhân ở các khu công nghiệp. Quy định mới này được các tổ chức lao động quốc tế đánh giá cao", bà Nga nói.
Bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Bảo hiểm xã hội cho biết: "Những quy định mới về chế độ thai sản, chế độ hưu trí được các tổ chức lao động quốc tế đánh giá cao". Ảnh: Hoàng Phương.
Ngoài ra, luật sửa đổi còn bổ sung chế độ thai sản đối với lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo để phù hợp với Luật hôn nhân và gia đình từ ngày 1/1/2015 cho phép lao động nữ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
"Chúng tôi định hướng quy định tối đa chế độ thai sản đối với lao động nữ được nhờ mang thai hộ là 4 tháng. Bởi Luật Lao động năm 2012 cho phép lao động nữ nghỉ tối thiểu 2 tháng trước khi sinh và 2 tháng sau khi sinh để phục hồi sức khỏe. Còn chế độ thai sản của người nhờ mang thai hộ sẽ tùy thuộc vào số tháng tuổi mà đứa con người mang thai hộ chuyển giao lại. Nếu đứa bé chuyển giao sau 6 tháng thì chắc chắn người mẹ sẽ không được hưởng chế độ thai sản. Còn chưa đủ 6 tháng tuổi thì người mẹ chính thống sẽ được hưởng cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi", bà Nga cho biết.
Trước thắc mắc việc quỹ bảo hiểm xã hội sẽ phải mở rộng khi người mẹ nhờ mang thai hộ và lao động nữ được nhờ mang thai hộ cùng được hưởng chế độ thai sản và được đóng bảo hiểm xã hội, bà Nga thông tin: "Chúng tôi đã tính đến yếu tố quỹ thì mới đưa điểm này vào. Chờ Luật Hôn nhân gia đình có hướng dẫn cụ thể về việc mang thai hộ thì Luật Bảo hiểm xã hội cũng sẽ có hướng dẫn cụ thể đối với nội dung này".
Trong quy định về chế độ thai sản cũng bổ sung quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với trường hợp lao động nữ khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai. Trong trường hợp này, lao động nữ chỉ cần đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con, thay vì 6 tháng như trước đây.
Về chế độ hưu trí, luật sửa đổi quy định lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở cấp xã, phường, thị trấn tham gia bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc mà có từ đủ 15 năm và đủ 55 tuổi thì được hưởng lương hưu. Luật mới cũng quy định tăng mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau một ngày bằng 30% mức lương cơ sở thay vì mức tính 25% như trước đây.
Ngoài bổ sung chế độ thai sản, cách tính lương hưu mới, cách chi trả tiền hưu trí, luật sửa đổi còn thêm 3 nhóm đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, đó là lao động hợp đồng từ 1 đến dưới 3 tháng, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, phường, thị trấn và công dân nước ngoài làm việc ở Việt Nam.
Quyền lợi của người lao động trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội tăng lên khi được tự quản lý sổ bảo hiểm xã hội, định kỳ 6 tháng được doanh nghiệp cung cấp thông tin về tình hình đóng bảo hiểm xã hội. Đến năm 2020, sổ bảo hiểm xã hội sẽ được thay thế bằng thẻ bảo hiểm xã hội điện tử. Bộ Lao động Thương binh Xã hội cũng đề xuất bổ sung Bộ luật Hình sự tội danh trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội.
Theo VNE