Những trẻ vốn đã béo phì lại rất hay thèm ngọt và đồ chiên xào nhiều chất béo. Ngược lại, trẻ biếng ăn lại không thích ăn những đồ bổ dưỡng, giàu calo. Nghịch lý này vẫn luôn ám ảnh nhiều bà mẹ nhất là trong những ngày tết bận rộn. Để giúp các mẹ nhẹ gánh lo âu vì chuyện ăn uống của con, bài viết này xin chia sẻ một vài kinh nghiệm quý báu được đúc kết từ các bà mẹ.
Trẻ dưới 2 tuổi:
Thức ăn chủ yếu của trẻ dưới 2 tuổi vẫn là cháo, bột và sữa.
Hầu hết khẩu phần ăn của các bé dưới 2 tuổi ở nước ta hiện nay vẫn là cháo, bột, sữa và các thức ăn dạng mềm.
Nếu trong những ngày quá tất bật, bạn không thể chăm chút cho bé như mọi khi, bạn có thể dùng bột dinh dưỡng để pha cho trẻ ăn vào mỗi bữa. Các loại bột này có thể đảm bảo đủ 4 nhóm chất cần thiết trong khẩu phần ăn tối thiểu.
Ngoài ra, bạn có thể dùng cháo gói để pha cho bé ăn khi cần. Lưu ý, nếu dùng loại này, bạn chỉ nên dùng phần bột gạo và cho thêm dầu ăn dành riêng cho bé, không nên dùng gói nêm đi kèm để pha cháo vì có chất phụ gia không tốt cho sức khỏe của trẻ. Đồng thời, có thể cho bé ăn bốc các loại thức ăn giàu đạm trong bữa cơm chung với bố mẹ. Hoặc, sau mỗi bữa ăn, bạn cho bé dặm thêm phomai hoặc trứng luộc để đảm bảo dinh dưỡng.
Nếu tận dụng thời gian tốt, bạn có thể cho gạo vào bình thủy và đổ nước sôi vào để qua đêm. Hôm sau, bạn có thể dùng cháo này để cho bé ăn trong ngày cùng các thực phẩm giàu đạm và chất béo khác.
Trẻ trên 2 tuổi
Bạn không nhất thiết phải để trẻ ăn trái giờ với giờ cơm của gia đình mà nên cho bé tham gia cùng.
Với các trẻ trên 2 tuổi, thức ăn của bé thường ở dạng thô hơn và cũng đa dạng hơn. Ngoài ra, một số bé có thể dùng cơm chung với cả nhà. Do đó, bạn không nhất thiết phải để trẻ ăn trái giờ với giờ cơm của gia đình mà nên cho bé tham gia cùng. Cách làm này sẽ giúp bé cảm thấy thích thú và ăn nhiều hơn khi bạn cho bé tự ăn một mình.
Trẻ từ 2-5 tuổi
Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ trong giai đoạn rất lớn. Vì thế, bé cần ăn thêm nhiều bữa trong ngày bao gồm 3 bữa chính và 3 bữa phụ.
Nếu bé muốn dùng bánh tét/ bánh chưng, hãy để trẻ được ăn vì đây cũng là món nhiều thành phần dinh dưỡng. Tuy nhiên, trẻ chỉ nên ăn lượng ít để tránh đầy bụng, khó tiêu.
Trẻ tuổi này cũng đã bắt đầu sành sỏi nếm các vị ngon ngọt của bánh mứt và thích mê chúng. Nếu bé muốn dùng, bạn có thể cho bé ăn một ít ngay sau bữa sáng. Chọn những loại bánh mứt đảm bảo vệ sinh và ít gelatin để tránh tai nạn hóc.
Kiểm soát việc dùng đồ ngọt của bé trong ngày để tránh bé tiêu thụ quá nhiều và sinh ra biếng ăn vào bữa chính.
Sau mỗi tối, nên cho bé đánh răng để tránh bị sâu.
Cần nhớ cho bé ăn bổ sung các thực phẩm giàu vitamin để bù đắp vào những bữa cơm thiếu rau, điều rất dễ gặp phải trong những ngày tết. Nếu bé không chịu ăn rau, bạn có thể thay bằng trái cây cho bé. Thời điểm dùng trái cây tốt nhất là khoảng 1-2 tiếng trước bữa cơm.
Những lưu ý đế tránh rối loạn tiêu hóa cho bé:
Cố gắng duy trì chế độ ăn cho bé theo khẩu phần thường nhật.
Vì những thức ăn ngày tết thường giàu chất đạm và chất béo nên bé có thể bị khó tiêu hoặc rối loạn tiêu hóa. Do vậy, mẹ nên nhớ:
- Cố gắng duy trì chế độ ăn cho bé theo khẩu phần thường nhật
- Ăn, uống thêm nhiều loại hoa quả khác nhau trong ngày
- Bổ sung sữa chua vào buổi ăn dặm
- Thức ăn phải được chế biến giản đơn, không nêm nhiều gia vị
- Kiểm soát việc tiêu thụ thức ăn, thức uống giàu chất ngọt nhân tạo
- Bổ sung nước đầy đủ cho bé
- Với trẻ đang bú mẹ, tiếp tục duy trì cho bú thường xuyên để trẻ có sức đề kháng tốt.
Yeutre.vn (Tổng hợp)