Cha mẹ đối đầu xin đừng làm tổn thương con trẻ
Ghét nhau, bồ hòn cũng méo
Chị M. (ngụ Q.1, TP.HCM) gửi đơn đến báo Phụ nữ TP, nhờ can thiệp để được thăm con. Sau gần bốn tháng ly hôn, chị hầu như không được gặp con. Một thân một mình thuê mặt bằng, mở quán cà phê cóc, chị biết mình không đủ điều kiện nuôi con nên chấp nhận để con ở với chồng cũ. Một khách hàng quen của chị kể: “Lần nào M. nhắc đến con trai cũng khóc, nhớ con nhưng đâu được đi thăm”.
Theo luật định, sau ly hôn, người mẹ có thể thăm con bất kỳ lúc nào. Nhưng chị M. kể, anh T. (chồng cũ chị M.) dùng mọi cách để cấm tiệt, không cho chị gặp con. Có lần, nhớ con quá, chị tìm đến nhà anh T. , anh không cho chị vào nhà. Vì không kiềm chế được, chị đã làm ầm lên. Trong lúc xô xát, chiếc quạt máy bị rơi, gãy. Công an khu vực phạt chị về hành vi gây rối trật tự và buộc chị phải đền chiếc quạt máy mới.
Hễ gặp nhau là gây, nên anh T. chủ động tránh xa chị M. Mới đây, nhớ con, chị tìm đến trường học của bé, đòi rước về khi bé đang trong giờ học. Cô giáo gọi, anh T. vội đến, cả hai lại làm ầm ĩ cả sân trường, khiến công an phải đến giải quyết.
Qua những lần gây nhau như vậy, chị M. kể: “Ông ấy làm việc trong quân đội, chỉ có hai cha con ở với nhau. Buổi tối, tôi gọi điện thoại cho con không được vì ông ấy cắt điện thoại bàn, tôi gửi cho con chiếc điện thoại di động, cũng bị tịch thu. Nhiều lúc ông ấy chở con vô cơ quan. Con thì phải ở trong phòng làm việc với cha, mẹ nhớ con lại không thể đến thăm, vì cơ quan quân đội không cho người lạ vô”.
Anh T. lý giải: “Người ngoài nhìn vô cứ tưởng tôi tàn nhẫn, ngăn cấm con gặp mẹ, nhưng thực tế không phải như vậy. Chính thằng bé cũng không muốn nói chuyện với mẹ, không muốn gặp mẹ. Đưa con vô cơ quan cực khổ lắm, đâu ai muốn. Quán cà phê của mẹ nó rất phức tạp, môi trường không được lành mạnh nên tôi không dám thả con ở đó”.
Nếu chia tay nhau, xin ba mẹ hãy nghĩ đến con trẻ
Cần giải pháp từ con tim
Dù đang ngồi trước mặt thẩm phán, anh T. và chị M. vẫn rất gay gắt khi trình bày sự việc. Chị M. nói về anh T. với thái độ không chút tôn trọng. Với chị, người chồng cũ đã phản bội mình, cặp bồ rồi quay qua hắt hủi vợ. Đã vậy, sau ly hôn còn độc ác, "không có tính người" khi tìm mọi cách để ngăn cản tình mẫu tử.
Còn anh T. lại lắc đầu khi nhắc đến chị M.: “Cô ấy tệ lắm, tôi muốn giữ gia đình chứ đâu muốn tan đàn sẻ nghé. Là đàn ông, tôi không muốn kể hết tội của vợ cũ, chẳng hay ho gì. Những ai muốn biết nội tình, cứ hỏi con trai tôi, nó là trẻ con, nó sẽ nói thật”.
“Con có nhớ mẹ không? Con có muốn về ở với mẹ?”, nghe phóng viên hỏi, cậu bé thỏ thẻ: “Con không nhớ mẹ, mẹ là người không tốt, con chỉ muốn ở với ba”. “Nhưng mẹ rất nhớ con, rất thương con mà”. “Chắc gì mẹ đã thương con”. Nói đoạn, cậu bé lén nhìn mẹ, có vẻ như sợ mẹ nghe thấy.
Cuộc tranh luận kéo dài vẫn chưa thể đi đến thống nhất về việc anh T. sắp xếp cho chị M. được thăm con. Bởi, cứ mở lời là cả hai đả kích, lên án, lôi lỗi của nhau ra nhằm hạ uy tín của “đối phương”. Cuộc tranh cãi càng lúc càng gay gắt, khiến cậu con trai bật khóc. Thẩm phán Trương Ngọc Lan (TAND Q.1, người phụ trách hòa giải) phải can thiệp để chuyển hướng câu chuyện: “Anh chị đã ly hôn, thôi thì tốt xấu của nhau, hãy gác qua một bên. Đây là lúc chúng ta cần bình tĩnh để đưa ra giải pháp hợp lý, có lợi nhất cho đứa con. Tôi có thể khẳng định rằng, dù theo cách thức nào thì cha và mẹ đều thương con như nhau, mà để có được một giải pháp duy trì tình thương đó, anh chị phải tôn trọng nhau, đừng tố cáo nhau nữa”. Nhìn con, cả hai dần dịu giọng.
Anh T. chấp nhận cho chị M. đến thăm con và sẽ được đón con vào thứ Bảy mỗi tuần. Nhưng chị M. vẫn tỏ ra hoài nghi: “Ngồi đây thì ông ấy nói vậy thôi, chứ sau này ông ấy không chịu, tôi đâu làm gì được? Như trước đây, trong bản án ly hôn, tôi có quyền thăm con nhưng bị ngăn cản, đâu ai đứng ra bảo vệ quyền lợi cho tôi”. Cuộc tranh cãi lại bùng lên. Thẩm phán Lan vất vả giảng hòa: “Anh chị cần thay đổi thái độ khi nhìn nhận vấn đề. Con cần có đủ cha mẹ, cần cả tình thương của cha lẫn mẹ. Vì thương con, anh chị cần tin nhau, tự nguyện sắp xếp lịch thăm con. Quy định pháp luật làm sao giải quyết hết được việc bắt lỗi nhau từng ly từng tý như vậy. Rõ ràng, việc để mẹ được thăm con là vấn đề tình cảm, mà vấn đề tình cảm nhất thiết cần một giải pháp đến từ con tim”.
Nhưng, có vẻ những mâu thuẫn chồng chất, những vết thương lòng đã tạo hố sâu ngăn cách quá lớn, khiến hai người không thể tin nhau. Cuối cùng, giải pháp chẳng đặng đừng cũng được đưa ra: hai người ký vào cam kết “chị M. được đón con vào thứ Bảy mỗi tuần, nếu gặp việc đột xuất, có thể đổi qua ngày khác”. Đồng thời, hai người lập hai quyển sổ, việc đến thăm, đưa đón sẽ được ký nhận “để làm bằng chứng khi kiện ra tòa, nếu một trong hai người không thực hiện”. Đứa con sẽ nghĩ gì khi chứng kiến cảnh “ký sổ” này?
Buổi hòa giải vãn, anh T. đứng xếp áo mưa, đợi con với nét mặt đầy căng thẳng. Chị M. ôm con trai hôn lấy hôn để và liên tục hỏi “con về con có nhớ mẹ không?”. Thằng bé nức nở, nhìn mẹ, lại nhìn cha, không nói được lời nào.
Theo PN
(*) Tít bài viết do Yeutre.vn đặt lại