Bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch song cánh tay vẫn chưa cử động được. Ảnh: Thi Ngoan.
Mẹ các cháu là chị Quách Thị Ninh, quê Đăk Nông, cho biết, gia đình nghèo nên hai vợ chồng phải đi làm thuê, để các con ở nhà tự trông nhau. Tai nạn xảy ra ngày 27/6, khi trời mưa có hai người thợ săn ghé vào nhà gửi nhờ 2 khẩu súng vì sợ bị ướt. Tò mò, cậu anh 14 tuổi lấy súng ra nghịch, vô tình bóp cò bắn trúng ngực và tay phải em gái Phùng Trà My đang chơi gần đó. Băng đạn có cả thảy 10 viên, trong đó 6 viên xuyên qua bả vai nạn nhân, 4 viên vẫn còn nằm trong vết thương.
"Nghe người nhà báo tin, tôi bủn rủn chân tay chạy về nhà thì thấy con bé ôm vết thương đau đớn, người tái xanh, máu chảy ướt cả quần áo. Tôi sợ cháu không thể sống nổi , nhưng nghĩ còn nước còn tát nên lập tức đưa đến bệnh viện cấp cứu", người mẹ kể.
Các bác sĩ xác định bệnh nhi bị đứt một nhánh động mạch và dây thần kinh ở cánh tay, mất máu nhiều. Ê kip cấp cứu đã tiến hành cầm máu, chống nhiễm trùng, nối mạch máu cho bé và gắp ra một viên đạn, còn 3 viên vẫn nằm trong vai cháu. Hiện em đã qua cơn nguy kịch nhưng cánh tay không cử động được. Bệnh viện tỉnh đã quyết định chuyển bé Trà My đến Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP HCM, để nối dây thần kinh và điều trị tiếp.
Bác sĩ Lê Phước Tân, Trưởng khoa Bỏng - Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết hiện dây thần kinh và mạch máu của bệnh nhi đã được nối hoàn chỉnh và tiến triển tốt. Dù vậy, bác sĩ chưa vội lấy 3 viên đạn còn lại ra khỏi thương vì lo ngại làm cho tình trạng nặng thêm. Tiên lượng, phải mất từ 3 đến 6 tháng sau vết thương của bé mới lành, chức năng cánh tay có thể phục hồi khoảng 80%, nhiều nguy cơ di chứng dị tật về sau. Việc điều trị quan trọng nhất hiện nay là chống nhiễm trùng tại chỗ và cho bệnh nhi tập vật lý trị liệu hàng ngày.
Theo bác sĩ Tân, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bị thương vì nghịch súng và bỏng nặng liên quan đến xăng, dầu, hóa chất, giật điện... Qua đây, ông khuyên các phụ huynh nên cẩn trọng trong việc chăm sóc trẻ. Không để các bé ở nhà một mình hoặc có cơ hội tiếp xúc với những thứ có thể gây hại cho các em như súng, xăng, dầu, hóa chất, thuốc. Đặc biệt trong mùa hè, trẻ được ở nhà thường tò mò nghịch ngợm dẫn đến nhiều tai nạn thương tâm.
Theo VNE