Cái Tết không yên ả của bà mẹ sinh con ngày cuối năm

Đêm Giao thừa, cả nhà hồ hởi quây quần ở nhà sau hai ngày "cơ nhỡ" tại bệnh viện, tôi phát hiện bé ngủ lịm đi...

banner ads

43577-minhhoa-1460-1454660835.jpg

Ảnh có tính minh họa: sangeethaya.

Dịp này năm ngoái là một cuộc chạy đua sinh tử với gia đình tôi. Dạo đó, tôi dự sinh vào khoảng mùng 4 tết, tuy vậy em bé ngôi ngược nên khó mà sinh thường, các bác sĩ cũng tư vấn nên đẻ mổ vì tuổi mẹ không còn trẻ nữa. Hơn nữa nếu để chờ tự nhiên, có thể hết Tết em bé mới đòi ra, lúc đó chồng cũng đi làm trở lại thì hai mẹ con sẽ rất vất vả. Vậy là tôi chốt ngày mổ vào 28 Tết, với hy vọng tranh thủ dịp này chồng được nghỉ dài ngày, tha hồ chăm vợ con.

Sáng 28, cả nhà rồng rắn đưa nhau vào Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Tôi đăng ký sinh mổ ở khoa dịch vụ, em bé lại ngôi ngược nên nhanh chóng được đưa vào phòng phẫu thuật. 11h trưa, bé con chào đời, mẹ vẫn phải nằm ở phòng hậu phẫu đến chiều mới được gặp con. Cũng may lúc đó hầu hết bệnh nhân đã xuất viện, nên mẹ con và người nhà mỗi người được nằm ké một giường. Đêm hôm đó, tôi vừa vục dậy cho bé bú, vừa đi lại lục sục suốt đêm để nhanh hết sản dịch. Cơn đau mổ cũng không quá kinh hoàng như tôi hình dung, song cơn dị ứng lại kéo tới khiến toàn thân tôi nổi đỏ, sẩn ngứa như nhím. Cầm chiếc khăn ướt chà vào lưng đến rách cả da mà không giảm cơn thèm gãi chút nào. Từng thấm đòn các cơn dị ứng kiểu này (cơ địa tôi bị chàm), tôi nhịn ngứa để đi lại, cố gắng quên nó đi, nhưng cũng phải đến cả tháng sau, các cơn ngứa và nốt đỏ mới rút lui bớt.

Ngày hôm sau, tôi chưa cho con bú ngay vì không thấy sữa về, và cứ tưởng sinh mổ sẽ còn lâu mới có sữa. Em bé thì ăn sữa bột. Tôi đã sai lầm khi không tích cực cho con bú ngay, và điều đó để lại hậu quả nặng nề về sau.

Chiều 30 Tết, cả nhà xuất viện trong tâm thế vui vẻ. Đêm 30, vợ chồng con cái và ông bà quây quần bên mâm cơm đầu tiên kể từ lúc tôi đi sinh, xem Táo quân và ăn mứt. Nhưng đó cũng là mâm cơm Tết duy nhất. Tôi bắt đầu băn khoăn khi thấy em bé ngủ liền một lúc gần 4 tiếng, và khi bú bình thì cũng trong tình trạng lơ mơ, vừa bú vừa ngủ gật. Nghĩ bé thèm ngủ, cả nhà tôi để cho bé nằm thoải mái mà không đánh thức.

4h sáng mùng một Tết, em bé dậy bú rất ít, và lại ngủ tiếp. Đến 7h bé không dậy, đánh thức kiểu gì cũng lơ mơ như là thèm ngủ lắm. Đến 11h, lay bé không mở mắt. Tôi phát hoảng. May sao, hôm đó lần đầu tiên sau nhiều ngày Hà Nội có chút nắng nhẹ, tôi giơ con ra trước nắng và giật mình thấy các vệt vàng cánh mũi bé, màu như nghệ non. Chờ đến 12 giờ vẫn không thấy bé khá hơn, tôi quyết định hủy việc mời cô y tá đến nhà tắm cho bé, và đi viện ngay. 1h chiều, vợ chồng tôi đưa con vào Viện Nhi trung ương kiểm tra. Cũng lúc này, tôi cảm thấy tức ngực, cơn đau tức tăng dần, tôi đoán mình bắt đầu bị tắc sữa.

Suốt 3 tiếng chờ kiểm tra, chụp não, xét nghiệm máu, em bé vẫn vừa ngủ vừa bú. Hơn 4h chiều, bác sĩ hội chẩn nói bé bị vàng da, cần nhập viện ngay. Tuy nhiên bé không được nằm tại đó mà phải chuyển viện sang Xanh Pôn. Vợ chồng tôi tức tốc trở về nhà để chuẩn bị đưa bé đi viện, cùng lúc cơn đau tắc sữa của tôi tăng dần. Cả nhà nghe tin phát hoảng lên, chúng tôi lại sắp xếp hành lý lỉnh kỉnh để đi viện một lần nữa, dự kiến sẽ là 7 ngày, trong nỗi lo lắng và buồn đến quặn lòng vì thương con đỏ hỏn.

Tôi không đi theo chăm con được vì vết mổ đẻ vừa xong, lại còn dị ứng khắp người và cơn tức sữa bắt đầu lên đỉnh điểm. 10h đêm chồng gọi điện thông báo mới được sắp phòng bệnh và con đã đi vào nằm lồng ấp. Nửa đêm, tôi hì hục vừa vắt sữa thủ công, cả tiếng mới ra được vài ml, chịu đựng cơn đau buốt đến tận óc, vừa hình dung cảnh con nằm lẻ loi trong chiếc lồng ấp xa lạ 24/24, xa bố mẹ người thân mà chảy nước mắt.

Sáng mùng 2 tết, khi mọi nhà còn đang ở trong chăn ấm và ăn tết, thì người nhà tôi đã phải đổ xô đi tìm mua máy vắt sữa hộ vì tôi bị tắc sữa quá nghiêm trọng, vật vã lên cơn sốt. Hà Nội ngày đó vắng ngắt như chùa bà đanh, không hàng quán siêu thị nào mở cửa, mà nơi bán máy vắt sữa càng không có. May thay, cuối cùng cũng tìm mua được máy ở bệnh viện phụ sản. Sữa non của mẹ vắt ra nhưng con không được dùng vì nhà quá xa bệnh viện, không thể có người chốc chốc lại phóng vào đó đưa cho bé, và lại không có điều kiện bảo quản sữa. Thế là 2 ngày sau đó, tôi hỳ hục vắt từng chút sữa mẹ bỏ đi, đồng thời đánh vật với đủ thuốc nam bắc trên đời để uống cho thông sữa.

Mùng 4 tết, khi cơn đau tức và dị ứng đã giảm bớt, tôi mới bắt xe được vào bệnh viện thăm con. Ông xã đang ở trong căn phòng trọ tồi tàn cùng với chục người thân chăm bệnh khác, tay lăm lăm bình sữa ủ trong khăn, bảo sắp đến giờ vào cho bé bú rồi. Nhìn thấy con bé xíu đỏ hỏn, hé môi mỉm cười trong giấc ngủ ngon sau khi đã ăn no, thay bỉm sạch sẽ mà thương quá.

Lại sắp đến Tết, sắp tròn một năm ngày cả gia đình nháo nhào vì con. Giờ đây, con đã là cậu bé hoạt bát, vui vẻ, lẫm chẫm đi khắp nhà. Mẹ nhìn con và luôn thấy bao nỗi đau đớn, vất vả đã qua thật thấm, thật đáng giá biết bao.

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI