1. Cách nấu thức ăn cho trẻ ăn dặm từ 5 - 6 tháng tuổi
Trẻ ăn dặm 6 tháng tuổi
Theo các bác sĩ, khi trẻ bước vào giai đoạn 5 - 6 tháng tuổi, mẹ nên cho trẻ tập ăn dặm với bột loãng để cung cấp thêm dinh dưỡng cho trẻ. Tuy nhiên, mẹ cũng lưu ý, thời kỳ này, sữa mẹ hoặc sữa công thức vẫn là thức ăn chính, thức ăn bên ngoài chỉ là phụ và bổ sung thêm. Đồng thời, ăn dặm cũng chỉ là phương pháp thăm dò và cho trẻ làm quen với thực phẩm mà thôi.
Vì vậy, cha mẹ không nên ép trẻ ăn trong giai đoạn này vì có thể gây ảnh hưởng tâm lý và dẫn tới biến ăn cho trẻ. Đồng thời, khi nấu thức ăn dặm cho trẻ 6 tháng tuổi mẹ cần lưu ý:
- Nguyên liệu giai đoạn này chủ yếu là các loại củ, rau ăn lá như rau ngót, rau muống, rau cải bó xôi, cải chíp, cải xanh, cải thảo, khoai tây, cà rốt, bí đỏ, củ cải đỏ, củ dền.
- Thực phẩm đạm bao gồm thịt gà, heo, lươn, cua, ốc, hến, bò, vịt, ngan.
- Khi nấu bột cho trẻ ăn dặm, thời gian đầu mẹ nên cho trẻ ăn bột ngọt (nấu bột cùng rau hoặc củ, quả). Sau khoảng 3 tuần cho trẻ làm quen với bột ngọt, mẹ có thể cho trẻ ăn thử bột mặn với số lượng ít để hệ tiêu hóa có thể tiêu hóa được và không tạo gánh nặng cho thận.
Cách chế biến thức ăn dặm trong giai đoạn này như sau:
- Rau củ gọt vỏ, rửa sạch, thái quân cờ và cho vào hấp hoặc luộc chín. Tốt nhất các mẹ nên hấp để giữ được lượng vitamin, khoáng chất trong củ. Sau đó đem nghiền nhuyễn.
- Bột gạo hòa với 200ml nước, sau đó trộn cùng bột rau củ và cho vào đun chín. Trong quá trình đun, mẹ cần nhanh tay đảo đều nổi bột để bột không bị cháy.
- Thêm một chút nước mắm cho đậm đà. Giai đoạn này mẹ không cần cho muối, bột ngọt, hạt nêm vì có thể tạo gánh nặng cho thận.
Các loại rau củ, thịt đều chế biến theo cách trên. Thức ăn nên được xay nhuyễn để trẻ dễ nuốt và dễ tiêu.
2. Cách nấu thức ăn dặm cho trẻ từ 7 - 8 tháng tuổi
Trẻ ăn dặm 8 tháng tuổi
Giai đoạn này, trẻ đã bắt đầu nhú những chiếc răng sữa đầu tiên nên có thể ăn thô thay vì ăn nhuyễn. Mẹ cũng nên nấu cháo cho trẻ ăn thay vì bột. Tuy nhiên, giai đoạn này, thức ăn vẫn cần phải xay nhuyễn, đặc biệt các loại thịt khá dai và trẻ chưa thể nào nhai, nuốt thành thạo được.
Để chế biến thực phẩm giai đoạn này đúng cách, giàu dinh dưỡng mẹ lưu ý:
- Nấu một nồi cháo trắng để ăn cả ngày. Cháo nên ninh thật nhừ và bung gạo. Mẹ tuyệt đối không cho trẻ ăn cháo thịt hay cháo cá cả ngày vì khiến trẻ ngán, biếng ăn và đun cháo lại nhiều lần sẽ khiến cháo mất dinh dưỡng.
- Các loại thịt cá, rau củ nên ăn bữa nào nấu bữa đó để đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ. Trong đó, thịt, cá, rau củ đều phải xay nhuyễn trong thời gian này.
- Riêng cháo, chỉ cần bung nhừ và đánh nhuyễn (mẹ nên để vài hạt lợn cợn để bé tập nhai) là được. Khi ăn, trộn cháo với thực phẩm và đun nóng, nêm một chút nước mắm để nồi cháo đậm đà.
3. Cách nấu thức ăn cho trẻ ăn dặm từ 9 - 12 tháng
Trẻ từ 9 - 12 tháng có thể ăn thô
Giai đoạn này, mẹ có thể cho trẻ ăn cháo hạt vỡ hạt hoặc nguyên hạt thay vì rây nhuyễn. Vì lúc này, phần nhiều trẻ đã mọc khoảng 8 răng, khả năng nhai và nuốt cũng thành thạo hơn. Ngoài ra, việc cho trẻ nhai sẽ giúp cơ hàm con phát triển, giúp con dễ dàng bước sang giai đoạn ăn cơm hơn.
Tuy nhiên, mẹ cũng có thể đổi bữa cho trẻ như bữa ăn cháo nguyên hạt, bữa ăn cháo rây nhuyễn để kích thích vị giác của con.
Cách nấu thức ăn cho trẻ ăn dặm như sau:
- Nấu một nồi cháo trắng đủ ăn 3 bữa/ngày. Cháo nấu thật chín nhừ để trẻ dễ dàng nhai nuốt.
- Thức ăn như thịt, cá, tôm có thể xay nhuyễn hoặc băm nhuyễn lợn cợn và trộn cùng cháo cho trẻ ăn.
- Các loại củ nên hấp để giữ được nhiều vitamin, khoáng chất. Đối với rau thì không luộc quá kỹ vì sẽ mất chất. Củ vẫn xay nhuyễn, rau ăn lá chỉ cần băm nhỏ.
Để kích thích vị giác của trẻ, cha mẹ nên thường xuyên thay đổi bữa ăn giúp trẻ ăn ngon miệng hơn và cung cấp đủ dinh dưỡng cho trẻ trong cả ngày.
Yeutre.vn (Tổng hợp)