Hít thở đúng cách không chỉ giúp cho mẹ bầu sinh nở nhanh chóng mà còn giảm đau đớn khi vượt cạn nữa đấy.
Sinh nở là hành trình đau đớn mà mẹ bầu phải trải qua.
Hoạt động hít thở hợp lý còn giúp cho bé dễ dàng xoay chuyển được tư thế thích hợp.
Mẹ bầu hít thở phù hợp cũng thúc đẩy quá trình chuyển dạ diễn ra liên tục, không bị ngắt quãng.
Dưới đây là những bước hít thở đúng cách cho mẹ để chuyển dạ ít đau nhé.
1. Thở chậm, sâu
Khi tử cung mẹ bầu mở dưới 3cm thì mẹ nên thở chậm và sâu, hít thở bằng mũi và thở ra bằng miệng chậm rãi và đều đặn. Lúc này khi mẹ hít vào bụng phình to lên và khi thở ra thì bụng nhỏ xuống thấy rõ. Mẹ nên thở 6-9 nhịp cho một cơn co tử cung kéo dài trong khoảng 50 giây.
Cách thở này nhằm giúp lấy oxy vào cơ thể nhiều hơn. Mẹ càng thư giãn thì cách hít thở này càng đạt hiệu quả. Mẹ nên nằm nghiêng khi thở vì nằm ngửa sẽ làm chậm quá trình chuyển dạ và hạn chế tuần hoàn nhau thai.
Hít thở sâu cũng giúp hạn chế bớt trở ngại do đáy tử cung cao đè lên cơ hoành. Mẹ cũng nên suy nghĩ hay tập trung vào một điều thú vị gì đó như ảnh đẹp, truyện vui… để quên đi các cơn đau chuyển dạ nhé.
Bằng cách thở đúng ca sinh của mẹ bầu sẽ ít đau hơn.
2. Thở nhanh, nông
Khi cổ tử cung mở từ 3 đến 6cm, các cơn co thắt cũng xuất hiện mạnh mẽ, kéo dài hơn và có tần xuất nhiều hơn, khoảng 3 phút sẽ có một cơn. Lúc này khi cơn co xuất hiện mẹ bắt đầu với thở sâu rồi thở ngực nông ở hơi thở tiếp theo, rồi thở càng nhanh hơn khi cường độ cơn co càng tăng cường. Sau cùng thở chậm lại khi cơn co giảm dần và thở sạch một hơi khi cơn co chấm dứt.
Kiểu thở này khiến mẹ dễ khô miệng nên hãy chuẩn bị cho mình một ít nước bên cạnh để tiếp. Cách thở này không cần phải tập luyện ở nhà vì chúng khiến mẹ nhanh mệt. Mẹ chỉ cần nằm nguyên lý và thử thực hành 1,2 lần thôi nhé.
3. Thở thổi nến
Thở thổi nến là cách thở giống như khi mẹ đang muốn thổi một cây nến. Khi cổ tử cung mở từ 7 đến 8cm thì áp dụng cách thở này. Lúc này các cơn co tử cung xuất hiện mạnh mẽ, khoảng cách giữa các cơn co cũng rút ngắn lại và khiến mẹ chỉ muốn rặn vì cảm giác thai nhi đè vào trực tràng. Tuy nhiên, việc rặn trong giai đoạn này rất nguy hiểm vì tử cung của mẹ bầu chưa được mở hoàn toàn. Thở thổi nến giúp giảm áp lực lên tử cung và giúp mẹ bầu tránh rặn sớm.
Thở thổi nến thực hiện bằng cách hít một hơi rồi thở sạch khi cơn co bắt đầu sau đó thở nhanh nông 4 lần, tiếp đến là thổi mạnh một lần qua miệng, sau đó lại thở nhanh nông 4 lần rồi thổi 1 lần. Lặp lại chu kỳ thở cho đến khi cơn co chấm dứt và hít vào thở ra một hơi sạch.
Thở thổi nến giúp làm chậm quá trình rặn.
4. Thở rặn
Kiểu thở này áp dụng khi cổ tử cung đã mở trọn vẹn và mẹ muốn rặn em bé ra. Mẹ lúc này sẽ nằm ngửa, cong người hình chữ C. Mẹ không nên ngửa đầu ra là hay cắn môi để chống lại các cơn đau, điều này sẽ khiến mẹ không đủ lực để tống bé ra ngoài.
Mẹ thở bằng cách thở hai hơi sâu khi xuất hiện cơn co và hít một hơi dài, giữ hơi và bắt đầu rặn. Khi rặn mẹ nên tựa cằm vào ngực, nhìn mắt xuống rốn. Khi hết hơi mẹ lại lặp lại chu kỳ hít thở và tiếp tục rặn cho đến khi bé ra đời và hết các cơn co tử cung.
Cuối cùng khi đã sinh, mẹ không cần dùng sức để thở nữa mà chỉ cần hà hơi và thả lỏng cơ thể để nghỉ ngơi.
Như vậy với những cách thở riêng biệt trong từng giai đoạn sẽ giúp mẹ bầu có thể sinh em bé nhanh chóng và ít cảm thấy đau đớn hơn.
Yeutre.vn (Tổng hợp)