1. Một số nét tâm lý điển hình trong việc dạy trẻ 8 tuổi
Để dạy trẻ tính kỷ luật có hiệu quả, trước hết cha mẹ cũng cần phải nắm được một vài đặc điểm tiêu biểu trong phát triển tâm lý trẻ ở độ tuổi này.
Khác với trẻ lớp 1 và lớp 2, bố mẹ thầy cô dạy gì thì trẻ học nấy. Trẻ học lớp 3 đã có một số trẻ phát triển mạnh trong việc đọc sách và toán trong khi một số trẻ khác vật lộn với khó khăn việc học. Một số trẻ bộc lộ khả năng trong các lĩnh vực khác như thể thao, âm nhạc, nghệ thuật...
Giai đoạn này, trẻ đứng ở giữa, có lúc mong muốn mình được độc lập nhưng cũng có lúc trẻ cũng vẫn muốn phụ thuộc vào người lớn để vững tâm và an toàn hơn. Chính vì vậy trẻ cần người lớn đưa ra những giới hạn vừa sức để trẻ có thể đạt được. Hiểu được nét đặc trưng tâm lý trẻ 8 tuổi như thế này, cha mẹ sẽ có lựa chọn và áp dụng những cách phù hợp hơn để giúp con rèn luyện tốt tính kỷ luật của mình.
2. Dạy trẻ có tính kỉ luật qua 5 cách hay cha mẹ có thể áp dụng
2.1 Khen ngợi và khen thưởng
Một số bố mẹ nghĩ rằng, kỉ luật là cần phải nghiêm mà quên rằng, kỉ luật là làm đứa trẻ sống tốt hơn trong khuôn khổ nhất định. Những lời khen ngợi kịp thời, đúng lúc là nền tảng để đứa trẻ có sự cố gắng phấn đấu trước những khó khăn của cuộc sống.
Ngoài ra bố mẹ cũng cần khen thưởng để ủng hộ những hành vi tốt của trẻ. Bố mẹ vì sợ con hư nên không ít phụ huynh luôn đe nạt trẻ, điều này khiến đứa trẻ co rúm lại và sợ hãi mọi thứ. Chúng ta nên hiểu rằng, điều một đứa trẻ cần là sự ghi nhận của người lớn, để phát huy những điểm mạnh, tập xóa bỏ những thói quen xấu của bản thân.
2.2 Đặt ra các giới hạn
Trẻ con vốn dĩ ham chơi, đã chơi rồi thì có khi quên cả ăn uống, nghỉ ngơi. Do đó, việc bố mẹ nên đặt ra những giới hạn, giao kèo với con cái nhất định là khá cần thiết. Ví dụ ta có thể giao kèo với con rằng, "con được coi hoạt hình trong 30 phút, sau đó là giờ đi ngủ.". Như vậy, trẻ sẽ dần dần ý thức được, sẽ có những giới hạn mà mình được phép.
Ngay cả những khi bố mẹ trách phạt trẻ vì trẻ không nghe lời, bố mẹ cũng hãy chọn mộc góc nào đó trong nhà yên tĩnh và yêu cầu con suy nghĩ về việc làm của mình. Thời gian cho con tự vấn bản thân có thể từ 5 - 10 phút, không nên lâu quá vì trẻ sẽ xao nhãng, không biết mình đã làm sai điều gì. Và nếu con không nhận ra điều mình đã sai, hãy từ tốn giải thích cho trẻ biết để trẻ chấp nhận hình phạt là đích đáng, đúng với việc sai trái mình đã gây ra.
2.3 Trao quyền cho con cái
Trong cách dạy trẻ 8 tuổi về tính kỉ luật, bố mẹ cần phải giao quyền lại cho con bằng cách phân công các công việc nhà phù hợp với khả năng của trẻ như quét nhà, dọn cơm, chăm em... Bố mẹ có thể lập ra bảng công việc theo ngày. Mỗi tuần bố mẹ và con kiểm tra xem mình đã hoàn thành được bao nhiêu công việc, nếu trẻ làm hơn mức đã đề ra bố mẹ hãy thưởng cho trẻ.
Với cách làm trên con không chỉ học được cách san sẻ công việc, học được cách giúp đỡ người khác, mà còn cảm thấy tự hào về khả năng độc lập của bản thân. Làm theo cách này, bố mẹ vẫn rèn luyện được tính tốt cho con dựa trên sự tôn trọng trẻ. Và khi trẻ cảm thấy được tôn trọng, trẻ sẽ tích cực hơn trong việc làm của mình, xây dựng thói quen tốt cho mình, càng hiểu thêm về giá trị của những quyền mình được trao và thực hiện tốt hơn nhiệm vụ đi kèm với quyền đó.
2.4 Chấp nhận sự chưa hoàn hảo của trẻ
Trẻ 8 tuổi mong muốn mình là người lớn nhưng vẫn muốn bố mẹ đưa ra những giới hạn để cố gắng hoàn thành. Nhưng thể chất của trẻ chưa phát triển đồng đều nên đôi khi trẻ không thể hoàn thành các mức mà bố mẹ đã đề ra. Do đó, bố mẹ cũng nên biết chấp nhận sự chưa hoàn hảo của con trẻ. Hãy nói với trẻ: " Mẹ biết con đã cố gắng rất nhiều rồi, với mẹ điều đó quan trọng hơn. Nghỉ ngơi đi con" . Sự chấp nhận của bạn khiến trẻ an tâm hơn và sẽ cố gắng hơn nữa trong những lần tới.
Trong việc giáo dục , quá trình dạy con cần có những đánh giá cụ thể về quá trình trẻ cố gắng phấn đấu như thế nào. Điều này quan trọng hơn là kết quả, bố mẹ hãy ghi nhận sự nỗ lực của con. Trẻ cũng như chúng ta, chắc chắn không thể làm mọi thứ đều hoàn hảo mọi lúc, cho dù chúng ta đã đưa những giới hạn phù hợp với trẻ đi chăng nữa.
2.5 Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động của trường lớp và các nhóm cộng đồng cũng như thể thao
Hãy khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động trường lớp, cộng đồng để có thêm nhiều bạn bè, mạnh dạn tự tin hơn để trẻ biết ưu điểm của bản thân cũng như tự khắc phục những yếu điểm.
Ngoài ra, chơi một môn thể thao bất kì sẽ giúp trẻ mạnh khỏe hơn, cũng như học được tính kỉ luật trong khi tham gia thi đấu. Trẻ con có khá nhiều năng lượng, nên việc tạo mọi điều kiện để trẻ tham gia hứng thú, sẽ đảm bảo cho trẻ hòa nhập với bất kì môi trường nào. Một cách trực tiếp và thực tế, tính kỷ luật trong rèn luyện thể lực sẽ giúp cho con dần hình thành ý thức và cố gắng cho tính kỷ luật của mình trong cuộc sống thường ngày.
Và cuối cùng, trong cách dạy trẻ 8 tuổi kỉ luật, cha mẹ cũng đừng quên, bản thân mình cũng là một tấm gương để con rèn luyện thành công đức tính rất quan trọng này. Hàng ngày, chúng ta cũng nên là tấm gương để trẻ noi theo. Vậy nên, hãy bắt đầu từ việc, một khi đã hứa với trẻ điều gì thì chúng ta nên cố gắng thực hiện. Một khi đã nói ra điều gì, thì hãy giữ lời mình nói. Bố mẹ có những thói quen tốt - trẻ đều có thể nhìn vào đó để học hỏi, học hỏi, rèn luyện tính kỷ luật cũng vậy. Hy vọng rằng, qua những chia sẻ trên đây của Yeutre.vn , sẽ giúp phụ huynh phần nào, trong việc áp dụng những cách cần thiết, cũng như không xem nhẹ một số lưu ý liên quan, trong việc giáo dục trẻ, để con sống kỉ luật hơn.
Như Hà tổng hợp