Cách chăm sóc trẻ bị tay chân miệng tại nhà mau khỏi bệnh tránh biến chứng nguy hiểm

Tay chân miệng là một trong những bệnh phổ biến ở trẻ dưới 5 tuổi, hiện chưa có thuốc đặc trị. Bệnh dễ lây lan nên chỉ có thể phòng tránh và điều trị triệu chứng. Bệnh hoàn toàn có thể điều trị ở nhà nếu ở cấp độ 1.

banner ads

Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn cha mẹ cách chăm sóc trẻ bị tay chân miệng tại nhà và hạn chế lây lan bệnh ra cộng đồng.

1. Chăm sóc dinh dưỡng tại nhà cho trẻ

benh tay chan mieng
Trẻ bị tay chân miệng cần cách ly với trẻ khác để tránh lây lan

Tay chân miệng khiến vùng miệng, vòm họng trẻ bị lở loét rất nhiều dẫn đến kém ăn và có nguy cơ tụt đường huyết cao. Do đó, cha mẹ cần lưu ý:

- Chọn thức ăn mềm, mịn, mát lạnh nhằm tạo cảm giác dễ chịu cho trẻ khi ăn. Một số thực phẩm được khuyên dùng cho trẻ khi bị tay chân miệng: cháo nhuyễn, súp hầm kỹ, bột dinh dưỡng, sữa chua, sữa, bánh flan, đậu hũ đường...

- Khi trẻ ăn kém nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày làm nhiều lần. Không nên ép trẻ ăn nhiều một lúc vì có thể khiến trẻ sợ ăn.

- Tăng cường bổ sung vitamin C cho trẻ thông qua các loại nước uống trái cây như họ nhà cam quýt, việt quất, chanh, chanh dây...

- Cho trẻ uống một số loại nước hạ nhiệt như nước dừa, nước sam, rau má... các loại nước này sẽ giúp làm mát cơ thể, tăng cường sức đề kháng cho trẻ.

- Đối với trẻ bú mẹ tiếp tục cho bú mẹ và không nên dừng bú. Có thể cho bé bú nhiều lần do miệng đau nên bé không bú lâu được.

- Khi trẻ giảm bệnh tay chân miệng nên cho trẻ trở về thói quen ăn uống hàng ngày theo chế độ dinh dưỡng từng độ tuổi. Tuyệt đối không kiêng bất kỳ thức ăn gì.

2. Chăm sóc vệ sinh thân thể trẻ

Trẻ bị tay chân miệng không kiêng gió hay nước như nhiều người vẫn nghĩ. Trẻ cần được vệ sinh sạch sẽ mỗi ngày để cơ thể sạch và phòng lây lan virus ra cộng đồng.

- Tắm rửa thường xuyên bằng xà phòng, có thể ngày tắm 2 lần. Ngoài ra, cha mẹ có thể tắm cho trẻ bằng nước lá bàng, nước lá sam, nước diếp cá hay mướp đắng, trà xanh để làm sạch cơ thể, giảm mụn nhọt trên người, sát khuẩn...

- Cần vệ sinh tay chân sạch sẽ cho trẻ sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn để giảm bớt sự bám dính của virus gây bệnh tay chân miệng trên đôi tay của trẻ.

- Quần áo của trẻ nên được giặt ngay sau khi thay bằng xà phòng diệt khuẩn hoặc luộc qua nước sôi trước khi giặt. 

- Các vật dụng ăn uống như thìa, muỗng, cốc nên được dùng riêng biệt cho từng trẻ.

3. Cách ly trẻ khi bị bệnh đúng cách

tay chan mieng
Cách ly trẻ tay chân miệng đúng cách để phòng lây lan cộng đồng

Khi trẻ bị bệnh, gia đình cần phải cho trẻ nghỉ học từ 7 - 10 ngày nếu trẻ đang đi học để tránh sự lây lan. Nếu trẻ ở nhà sống chung với nhiều trẻ khác nên cách ly trẻ tùy theo hoàn cảnh. Cần giám sát chặt chẽ hoạt động của trẻ trong sinh hoạt thường nhật để tránh lây lan cho trẻ khác.

4. Cách phòng bệnh cho trẻ tránh tái phát

Bệnh chân tay miệng hoàn toàn có thể tái phát do nhiều chủng virus gây nên. Do đó, cha mẹ cần phòng cho trẻ ngay sau khi trẻ hết bệnh:

- Vệ sinh nhà cửa, vật dụng, đồ chơi của trẻ sạch sẽ.

- Không cho trẻ đưa tay lên miệng để tránh bị bệnh.

- Phòng trẻ sinh hoạt phải thoáng và sạch, đủ dưỡng khí, tạo điều kiện cho trẻ chơi an toàn, thoải mái.

- Chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ giúp trẻ tăng sức đề kháng.

Yeutre.vn (Tổng hợp)

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI