1. Hiểu về quá trình trồng mai
Để có một cây mai đẹp, khỏe và cho hoa nhiều mỗi mùa thì người ta cần chăm sóc kỹ lưỡng ngay từ những bước đầu tiên. Dù trước Tết là thời gian cần chú trọng nhất nhưng vào giai đoạn đầu khi bắt đầu trồng nếu áp dụng đúng kỹ thuật, có sự tính toán thì mai sẽ phát triển tốt hơn, khỏe hơn để ra nụ nở đúng dịp.
1.1. Giống mai ảnh hưởng đến vẻ đẹp của bông như thế nào
Để mai ra hoa to, đẹp và khỏe việc chọn giống mai vô cùng quan trọng. Có thể bạn đã biết bên cạnh loại mai vàng, mai tứ quý thì còn có cả mai trắng nữa. Mỗi giống mai có các đặc điểm khác nhau, tính chất trồng khác nhau. Mai vàng và mai trắng thường chỉ nở chính vào dịp Tết. Mai tứ quý thì đúng như cái tên nở suốt 4 mùa trong năm. Thông thường để chưng Tết người ta ưu tiên giống mai vàng hơn.
Mai được trồng bằng nhiều cách như gieo hạt, giâm cành, chiết cành, ghép cành. Gieo hạt là phương pháp dễ nhất nhưng bù lại hoa không đẹp và khỏe như chiết hay ghép cành. Do đó nhiều người vẫn chọn phương pháp cho hoa to và đẹp hơn dù hơi khó trồng cũng như chăm sóc.
1.2. Đất trồng và chất lượng
Bên cạnh việc chọn giống mai thì đất trồng cũng ảnh hưởng nhiều trong việc cho hoa đẹp và nở đúng ngày. Khi trồng mai cần chọn loại đất mềm, tơi xốp và dễ thoát nước. Người chồng luôn phải chú ý chọn các loại đất thịt có nhiều chất dinh dưỡng không bị chua hay ngấm phèn.
Mai trồng trực tiếp trên nền đất hay trồng trong chậu đều được. Quan trọng là loại đất phải tốt và cách trồng phải đúng kỹ thuật. Nếu trồng trên trực tiếp trên nền đất người ta thường trộn thêm những vụn tro trấu hay xơ dừa để giúp đất tơi và dễ thoát nước hơn. Mai rất dễ chết nếu bị úng nước nên hãy chọn vị trí trồng cao, thoáng mát và cách xa nguồn nước.
Nếu trồng trong chậu, các loại chậu có lòng sâu để cho rễ phát triển là điều luôn được lưu tâm. Trước khi đổ đất vào người ta sẽ lót ở dưới một lớp sỏi, điều này giúp cho đất dễ thoát nước không bị úng gây thối rễ. Vì mai không thích không gian chật hẹp nên cứ 2 năm một lần sẽ cần phải đổi sang chậu lớn hơn và đặt mai ở nơi thoáng mát. Cách thay chậu cho cây mai cũng cần chú ý như các loại cây cảnh khác, cần cẩn thận để không ảnh hưởng bộ rễ của mai.
1.3. Thời điểm trồng cũng vô cùng quan trọng
Mai và đào đều là 2 loại hoa được yêu thích nhất mỗi khi tết đến. Nhưng mai thì phổ biến hơn ở miền Nam, ngược lại đào sẽ được trồng nhiều hơn ở miền Bắc. Lý do ở đây là mai ưa khí hậu nóng ẩm và chịu lạnh kém.
Nắm được tính chất trên người ta suy ra được thời điểm trồng mai tốt nhất. Cụ thể nên trồng mai trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 2 âm lịch. Khi đó thời tiết vừa đủ nắng vừa đủ ẩm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mai phát triển. Nhiệt độ ưa thích nhất của mai là 25 đến 30 độ.
2. Cách chăm sóc cây mai trước Tết để cho hoa đẹp và đúng ngày
Khi cây mai đã phát triển tốt và đủ điều kiện ra hoa thì điều tiếp theo mà người trồng quan tâm chính là cách chăm sóc mai trước Tết để hoa nở to và đẹp. Đây là những công đoạn quan trọng nhất quyết định chất lượng hoa vào mùa Tết.
Chắc hẳn nhiều người đã gặp trường hợp mai nở vàng cây từ đầu tháng Chạp nhưng đến mồng 1 Tết chỉ còn leo lắt vài bông. Đó là lý do tại sao, sau khi biết sơ được các yếu tố ảnh hưởng đến vẻ đẹp và thời gian đâm nụ nở hoa như đề cập ở trên, bạn biết những cách chăm sóc phù hợp, có kỹ thuật, sẽ giúp cây mai của mình ra hoa đúng dịp hơn.
2.1. Về việc bón phân
Việc bón phân không phải lúc cây mai trưởng thành rồi mới bón mà ngay từ khi trồng đã cần đến rồi. Trong quá trình phát triển của mai dĩ nhiên không thể thiếu. Tuy nhiên khi mai chuẩn bị đóng nụ và ra hoa vào dịp Tết, bạn cần chú ý vào việc bón phân nhiều hơn.
Phân tốt nhất cho mai là phân hữu cơ. Vào khoảng đầu tháng 10 âm lịch bạn không nên bón phân có hàm lượng đạm cao chỉ sử dụng những loại khác. Việc bón phân sẽ hạn chế cho đến cuối tháng 11 âm lịch thì ngưng lại. Lúc này cây sắp ra hoa nên bước ngưng bón phân sẽ chuẩn bị cho việc tuốt lá.
Nếu như đã qua thời điểm tháng 11 âm lịch thì sao? Liệu việc bón phân có cần nữa không? Theo kinh nghiệm của những người chăm sóc mai, thì câu trả lời cho bạn là có, phân cần bón lúc này chính là ure. Lượng bón như thế nào sẽ tùy thuộc vào thời tiết, khí hậu, cũng như tình trạng cây mai của bạn lúc này nhất là nút ở nách lá nhỏ hay lớn.
2.2. Tưới nước
Chúng ta đều biết mai thích thời tiết nóng ẩm nên khả năng chịu hạn rất tốt. Tuy nhiên vẫn cần phải tưới nước cho mai để cây có đủ điều kiện phát triển. Thông thường vào mùa nắng chỉ nên tưới 1 lần vào buổi sáng. Vào mùa mưa thì không cần tưới. Cách tưới là làm ướt gốc rồi dùng bình phun xịt từng tia nhỏ lên tán lá.
Việc tưới nước sẽ xiết lại từ đầu tháng 10 cho đến cuối tháng 11 âm lịch. Chỉ tưới một cách hạn chế. Trước lúc tuốt lá khoảng 2 – 3 ngày thì không tưới nữa để cho lá hoa đanh lại, gân lá nổi lên. Sau khi tuốt lá 2 ngày mới tiếp tục tưới nước.
2.3. Trừ sâu và diệt cỏ
Trồng các loại cây cảnh hay loại cây bình thường nào đều cần trừ sâu và diệt cỏ. Nhưng mai là loài hoa rất nhạy cảm với thuốc bảo vệ thực vật nên bạn chỉ có cách là bắt sâu bằng tay. Thông thường mai sẽ bị tấn công bởi các loại rệp mềm, sâu ăn lá, sâu đục thân. Những loại này khá dễ để xử lý nên bạn chỉ cần chú ý quan sát để tiêu diệt ngay từ đầu là được.
Nếu trồng mai trong chậu bạn có thể lót sỏi quanh gốc để tránh cỏ mọc. Nếu trồng trên nền đất trực tiếp thì dùng kéo cắt ngang thân còn giữ gốc lại để làm ấm đất. Đừng để cỏ mọc cao và dày sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cây mai.
2.4. Cắt tỉa cành và tuốt lá
Cắt tỉa cành và tuốt lá rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến tình trạng nở hoa của cây mai.
Mai cần được cắt tỉa cành thường xuyên, không để quá rậm rạp. Bạn cần phải kiểm tra mai thường xuyên. Những cành lá bị sâu, khô thì cắt ngắn hoặc cắt bỏ để dành chất dinh dưỡng nuôi những cành tốt. Thời gian cắt tỉa lá là 2 tháng 1 lần.
Tháng chạp mai trưởng thành sẽ có nụ chuẩn bị ra hoa. Nhưng hoa nở đúng ngày hay không thì phụ thuộc vào cách chăm sóc của bạn. Việc cần thiết bạn phải làm chính là tuốt lá, nhưng tuốt lúc nào thì phụ thuộc vào đặc điểm của nụ hoa và thời tiết. Vào khoảng những ngày 5 – 7 tháng chạp quan sát thấy mai có nụ lớn và trời nắng thì hãy tuốt lá mai vào ngày 18 – 20. Nếu trời mưa và mai chỉ có những nụ nhỏ thì tuốt vào ngày 13 – 16 tháng chạp là tốt nhất.
Sau khi tuốt lá khoảng 5 – 7 ngày mai sẽ bung vỏ trấu bao quanh nụ ra. Nếu bạn chưa thấy bung thì khả năng cao là mai sẽ nở muộn. Lúc đó hãy đem mai ra đặt ở những nơi nhiều ánh nắng nhất. Sau vài ngày thì dùng nước ấm tưới đẫm gốc để kích thích mai nở sớm hơn.
Nếu muốn mai nở rộ cùng một lúc thì hãy tuốt lá một lần. Trường hợp muốn mai nở kéo dài nhiều ngày thì bạn phải tuốt xen kẻ khoảng 2, 3 lần. Khi đó lớp này tàn lớp khác sẽ nở cho đến khi bung hết tất cả các nụ.
Còn gì tuyệt vời hơn một cây mai nở hoa vàng khoe sắc để đón chào một năm mới sang? Để mai nở đúng những ngày xuân, người trồng cần sự nhiều sự kiên nhẫn và kỹ thuật trong quá trình chăm sóc. Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta không phải những người theo đằng đẵng cây mai suốt một năm. Đôi khi đến tháng cuối năm, ta mới tập trung chăm sóc cây mai đã được tặng từ xuân trước....Thế nên, hiểu sơ về cây mai và nắm bắt cách chăm sao cho đúng thì đây chính là bí quyết đơn giản để những người không chuyên, cũng có thể chăm sóc kịp lúc, tuốt lá kịp thời để mai nở đúng những ngày Tết .
Cuối cùng, Chuyên mục Cẩm nang của Yeutre.vn hy vọng rằng, những thông tin được chia sẻ trên đây có thể giúp ích ít nhiều cho bạn. Nhất là những ai đang loay hoay với một cây mai còn xanh lá, mà chưa có nhiều kinh nghiệm về các chăm sóc cây mai trước Tết để nở hoa đúng dịp. Hãy bình tĩnh và kiên nhẫn một chút bạn nhé, hẳn là cây mai của bạn năm nay sẽ rực rỡ đúng ngày.
Như Nguyễn tổng hợp