Kim loại trong son môi
Son môi là món không thể thiếu trong chiếc ví phụ nữ
Son môi là dụng cụ trang điểm không thể thiếu trong chiếc ví của chị em phụ nữ. Nhưng các nghiên cứu đã cho thấy, hơn một nửa trong số các loại son môi có chứa một lượng nhỏ chì và kim loại độc hại khác, như cadmium và nhôm, có liên quan đến tổn thương hệ thần kinh và các bất thường của thai nhi.
Trong khi ngành công nghiệp mỹ phẩm cho rằng lượng kim loại là quá nhỏ để gây ảnh hưởng, một nghiên cứu của Đại học California lại cho thấy, những phụ nữ tô son từ hai đến 14 lần một ngày có thể nuốt vào đến 87 miligam mỹ phẩm mỗi ngày. Tích tụ trong suốt cuộc đời, nồng độ của kim loại có thể tăng lên đến một mức độ nguy hiểm.
Pat Thomas, tác giả của quyển sách Làn da: Hướng dẫn khái quát về thành phần của sản phẩm vệ sinh và mỹ phẩm thông dụng, khuyên mọi người nên sử dụng son bóng hay son nước để trang điểm hàng ngày, vì chúng có nồng độ kim loại nặng thấp hơn, và chỉ nên sử dụng son thỏi vào những dịp đặc biệt.
Sơn móng độc hại
Sơn móng tay cũng chứa nhiều chất độc hại
Sơn móng chứa formaldehyde cũng như các chất làm cứng khác có liên quan đến ung thư, làm cho da bỏng rát.
Bác sĩ da liễu Nicholas Lowe tại Cranley Clinic London, cho biết: “Dị ứng với sơn móng có thể biểu hiện ở bất cứ nơi nào ngoại trừ móng tay, như trên mí mắt, quanh miệng và ở phía sau cổ. Lý do là bạn thường chà xát hoặc gãi ở những khu vực trên và nếu bạn có cơ thể nhạy cảm, kích ứng sẽ biểu hiện ở những khu vực có làn da mỏng hơn”.
Để tránh rủi ro, các chuyên gia từ “Chiến dịch Mỹ phẩm an toàn” khuyên bạn nên tìm kiếm loại sơn móng không chứa formaldehyde hoặc không độc hại.
Nổi mẩn do dị ứng kem thoa mặt
MI có trong kem thoa mặt có thể gây dị ứng
Một hóa chất gọi là methylisothia -zolinone, hoặc MI, thường được sử dụng như là chất bảo quản trong các loại kem mặt, đã trở thành một nguyên nhân gây dị ứng phổ biến.
TS Nick Lowe từ Hiệp hội Các bác sĩ da liễu của Anh, nói: “MI đã được dùng để thay thế chất bảo quản paraben vốn có rất nhiều ảnh hưởng bất lợi. Nhưng MI mang đến nguy cơ dị ứng cao hơn nhiều trên những người có làn da nhạy cảm, thường là gây ngứa, mẩn đỏ và có thể trông giống như viêm da cấp tính”.
“Bạn có thể sử dụng các loại kem dưỡng ban đêm, kem mặt hoặc kem mắt suốt vài tháng và đột nhiên bị dị ứng. Cần phải xem kỹ danh sách thành phần để tránh tác hại”, Nick Lowe kết luận.
Nấm mắt do mi giả
Dùng mi giả thường xuyên có thể gây nấm mắt
Chúng ta đều mơ ước có một hàng mi dài cong vút khiến cho đôi mắt trông to hơn, do đó, các sản phẩm lông mi giả đang ngày càng được ưa chuộng.
Nhưng chuyên gia rụng tóc và bác sĩ phẫu thuật, TS Robert Dorin từ New York cảnh báo: cách dán mi giả có thể gây hư hỏng và làm mỏng hàng lông mi thật của bạn. Keo dùng để dán cũng có thể gây phát ban dị ứng trên mí mắt và thu hút vi khuẩn, gây ra nhiễm trùng mắt do virus hoặc nấm.
TS Dorin nói: “Trọng lượng của việc sử dụng mi giả một cách thường xuyên có thể gây áp lực lên các nang lông, cuối cùng làm cho chúng rơi ra ngoài khiến mi thật không mọc lại. Điều này có nghĩa, bạn sẽ mất đi hàng lông mi dày thật sự nếu sử dụng mi giả trong thời gian dài”.
Bỏng rát do khăn ướt
Dư lượng hóa chát trong khăn ướt có thể gây kích ứng da
Các chuyên gia lo lắng khăn ướt có thể để lại dư lượng hóa chất gây hại cho vùng mắt và làm cho làn da nhạy cảm hơn.
Theo TS Adam Friedmann, Harley Street Dermatology Clinic, khăn ướt có thể chứa các chất gây kích ứng da như chất tẩy, cồn, xà phòng và nước hoa. Một số thậm chí còn chứa formaldehyde, một chất bảo quản có liên quan đến ung thư.
“Sau khi sử dụng khăn ướt, làn da quá tải với một lượng dư thừa của các hóa chất khác nhau. Chúng làm khô khuôn mặt và có thể gây kích ứng nếu bạn có làn da nhạy cảm”.
Một số khăn lau cũng có chứa cồn, có thể gây đau nhức và bỏng rát xung quanh vùng mắt. Nếu bạn phải sử dụng khăn lau, TS Friedmann khuyên nên rửa bằng nước sau đó. Ông khuyến nghị, nên loại bỏ makeup ở mắt bằng dầu em bé và bông len, rồi hãy sử dụng nước tẩy trang kháng dị ứng trên phần còn lại của khuôn mặt.
Mảnh vụn từ chì kẻ mắt Eyeliners
Mặc dù đôi mắt là bộ phận rất nhạy cảm, chúng ta vẫn quen dùng eyeliners để tạo độ sâu và viền “khối” cho mắt. Việc sử dụng bút chì kẻ trên vành mi bên trong có thể gây hại cho mắt, vì chúng chứa dầu, silicon, chất tạo đặc, sáp có thể tích tụ, gây mẩn đỏ, nhiễm trùng do vi khuẩn và làm mờ mắt.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Eye & Contact Lens phát hiện ra rằng, những phụ nữ đeo kính áp tròng sẽ càng bị ảnh hưởng nhiều hơn. Nếu hạt bụi từ bút kẻ mắt dính vào kính của họ, chúng có thể làm mờ thấu kính và gây ra sự gián đoạn tầm nhìn.
Tiến sĩ (TS) Alison, từ trường Đại học thành phố Waterloo của Cananda, tìm thấy những hạt bút chì nhỏ dính vào mắt trong vòng năm phút sau khi kẻ và không được rửa sạch bởi sự phòng vệ tự nhiên.
Cô cũng khuyến khích mọi người nên chuốt bút chì kẻ mắt trước khi sử dụng, để có ít vi khuẩn bám vào hơn, và luôn luôn loại bỏ lớp trang điểm ở mắt trước khi đi ngủ để tránh các mảnh vụn tích tụ dần bên trong.
Theo PN
Nguồn Daily Mail