1. Từ 0 - 1 tháng
Trẻ sơ sinh chưa có nhiều hoạt động về tay
Giai đoạn này bé vừa chào đời nên chưa có nhiều hoạt động ở cơ thể, ngay cả bàn tay cũng ít cử động. Bé sẽ thường nắm chặt hai bàn tay, nếu mẹ gỡ ra bé lại nắm vào. Đây chính là bản năng ngay từ trong bụng mẹ.
Trong tháng này, mẹ có thể xoa bóp nhẹ nhàng bàn tay cho bé giúp bé có những cử động mở ra, nắm vào linh hoạt hơn.
2. Từ 1 - 2 tháng
Sau khi bé đầy tháng, đây chính là mốc vận động quan trọng của bàn tay. Bé vẫn tiếp tục với sở thích nắm tay, nhưng lúc này, các ngón tay có vẻ linh động hơn và duỗi nhẹ nhàng ra, rồi sau đó nắm lại. Theo các nhà khoa học, đây thực sự chỉ là hoạt động theo bản năng, bé vẫn chưa có nhận thức nhé mẹ.
Để giúp khả năng vận động tay của bé tốt hơn, mẹ hãy tiếp tục massage và làm các động tác nắm, duỗi bàn tay cho bé.
3. Từ 2 - 3 tháng
Lúc này bé đã học hỏi được nhiều thứ hơn rồi, bàn tay và cánh tay bé cũng vận động nhiều hơn. Bé có thể nắm, duỗi các ngón tay, đưa tay lên cao với những đồ vật trước mặt mình. Tuy nhiên, ở giai đoạn này bé chưa biết phối hợp linh động giữa mắt và tay nên việc với đồ, nắm đồ còn chưa thành thạo, vụng về.
Mẹ hãy tăng cường treo các đồ vật nhiều màu sắc trước mặt bé để kích thích thị giác và kích thích vận động ở trẻ.
4. Từ 3 - 4 tháng
Giai đoạn này bé thích nhất là cầm chặt tay mẹ. Lúc này, bé đã cầm các đồ vật nhỏ thành thạo, đồ vật lớn bé vẫn chưa cầm được. Vận động tay và mắt cũng được phối hợp linh động hơn tháng trước, nhưng vẫn chưa thực sự hoàn hảo.
Mẹ hãy tập cho bé cầm nắm nhiều hơn để phát triển sự linh động của đôi tay.
5. Từ tháng 4 - 5
Bé cầm đồ vật thành thạo hơn
Mẹ sẽ ngạc nhiên về kỹ năng cầm đồ vât ở trẻ. Ngoài việc bé biết hua tay, đưa tay lên cao, mút tay (sở thích mới), bé còn biết giữ đồ vật trong tay rất chặt nữa. Mẹ hãy thử đưa cho bé một chiếc kẹo mút, bé chắc chắn sẽ giữ rất chặt.
Lúc này, bé đã biết phối hợp tay và mắt, biết nên cầm đồ vật như thế nào nhưng còn khá vụng về. Bé có thể nắm rất chặt và chưa biết cách nhặt đồ lên cầm tiếp. Mẹ có thể tập cho bé cầm nắm nhiều đồ vật phù hợp với bàn tay nhỏ để bé có thể cử động các ngón tay dễ dàng, linh động hơn.
6. Từ tháng 5 - 6
Vận động đôi bàn tay, ngón tay linh động và khéo léo hơn rất nhiều. Bạn sẽ thấy bé bắt đầu thích cầm đồ vật lớn hơn, có nhiều hình dạng hơn và bé giống như "thần giữ của", lúc nào cũng giữ đồ vật trong tay.
Các ngón tay cũng tách rời nhau để tiện hơn cho việc cầm nắm. Bé có thể xòe ra, nắm vào thành thạo. Tuy nhiên, bé vẫn còn vụng về trong việc giữ đồ và sẽ làm rơi đồ vật lúc nào bé không tập trung.
7. Từ tháng 7, tháng 8
Bé bắt đầu sử dụng đôi bàn tay khéo léo hơn, bé có thể cầm nắm được những vật tròn lớn như quả bóng chẳng hạn. Kỹ năng cầm đồ của bé rất tốt. Bé cũng thích nghịch tủ đồ của mẹ, mở ngăn kéo và ném mọi thứ ra ngoài. Giai đoạn này mẹ sẽ khá mệt với sự hiếu động và thích thú của bé khi có thể cầm mọi vật trong sự kiểm soát của mình.
8. Từ tháng 9, tháng 10
Trong tháng này, mẹ sẽ thấy bé có thể nhón đồ vật nhỏ như cúc áo, cục pin, kẹo và đưa vào miệng. Đây là thời kỳ mẹ cần quan sát bé kỹ hơn để tránh việc bé nuốt đồ vật. Đây cũng là giai đoạn bé đang mọc răng nên sở thích "gặm nhấm" sẽ dần lấn chiếm tâm trí bé. Bé sẽ cầm bất kỳ đồ vật nào mà mẹ để bên cạnh để đưa vào mồm gặm.
Đôi bàn tay và mắt phối hợp rất linh hoạt, bé thích cầm đồ có nhiều màu sắc do thị giác chỉ điểm. Tuy nhiên, lúc này bé chưa chơi đồ chơi thành thạo và khá vụng về với các loại đồ chơi như đàn, xe, búp bê.
Mẹ vẫn tiếp tục cho trẻ chơi đồ chơi, cầm nắm nhiều để tạo sự linh hoạt đôi bàn tay và mắt.
9. Tháng 11, tháng 12
Đến giai đoạn này, bé đã phối hợp linh hoạt giữa mắt và tay. Biết cầm nắm rất nhiều đồ vật, ngay cả những độ vật lớn, kích thước hình tròn khó cầm. Bé có thể cử động các ngón tay linh hoạt khi cầm đồ, biết nhón và dùng hai ngón tay cái, trỏ giữ đồ.
Bé cũng đã biết đòi đồ vật, muốn mẹ đưa cho bé mọi thứ trong tầm ngắm và có thể bò hoặc đi khắp nhà lục tung tủ quần áo, tủ đồ của mẹ.
Thậm chí, bé còn di chuyển đồ vật từ tay này sang tay kia thành thạo, một tay cầm đồ vật này, một tay cầm đồ vật khác để chơi. Ví dụ, một tay cầm ống heo tiết kiệm, tay kia cầm tiền và đút tiền vào ống heo. Hoặc bé biết chơi các loại đồ chơi lắp ráp dù còn vụng về.
Bé sẽ lắp theo thứ tự từ thấp lên cao và bực dọc khi chúng bị đổ. Mẹ sẽ khám phá ra nhiều điều thú vị hơn nữa ở sự vận động đôi bàn tay bé theo từng tháng tuổi. Thật thú vị đúng không.
Yeutre.vn (Tổng hợp)