Bức thư ông chủ Facebook gửi con gái đầu lòng

Một câu chuyện đang được hàng trăm ngàn người chia sẻ trên Facebook hôm nay là việc Mark Zuckerberg lên chức bố và bức thư chan chứa tình cảm ông bố 31 tuổi gửi cho con gái.

banner ads

38876-zuck-3924-1449017162.jpg
Niềm hạnh phúc của hai vợ chồng ông chủ Facebook bên bé Max vừa chào đời - Ảnh: Vox

“Priscilla và tôi rất hạnh phúc khi đón chào con gái Max của chúng tôi vừa gia nhập thế giới này. Nhân ngày sinh của con, chúng tôi đã viết cho Max một bức thư nói về thế giới mà chúng tôi muốn con mình sẽ lớn lên trong đó”, Mark Zuckerberg thông báo trên tài khoản Facebook cá nhân ngày 1-12.

Theo ông chủ Facebook, đó là thế giới mà thế hệ của anh có thể cổ vũ tiềm năng con người và thúc đẩy bình đẳng thông qua việc chữa trị bệnh tật, cá nhân hóa việc học tập, khai thác sử dụng năng lượng sạch, kết nối mọi người, xây dựng các cộng đồng lành mạnh, giảm đói nghèo…

Bức thư vợ chồng Mark Zuckerberg gửi cho con khá dài, chúng tôi chỉ xin trích dịch đoạn mở đầu:

“Thư gửi con gái của chúng tôi

banner ads

Max yêu thương,

Mẹ con và cha không thể diễn tả hết niềm hi vọng mà con dành cho cha mẹ về tương lai. Cuộc đời mới của con ngập tràn những hứa hẹn và cha mẹ hi vọng con sẽ được hạnh phúc, khỏe mạnh để có thể khám phá trọn vẹn cuộc đời đó. Con đã trao tặng một lý do để cha mẹ suy ngẫm về thế giới mà cha mẹ hi vọng con sẽ lớn lên trong đó.

Cũng như tất cả các đấng sinh thành, cha mẹ muốn con lớn lên trong một thế giới tốt lành hơn thế giới chúng ta đang sống hôm nay.

Mặc dù tin tức trên trang nhất các báo hôm nay đều nói về những điều tồi tệ, nhưng trên nhiều phương diện, thế giới đang trở nên tốt đẹp hơn. Y tế đang cải thiện. Nghèo đói đang giảm dần. Kiến thức ngày một gia tăng. Mọi người đang kết nối với nhau. Tiến bộ công nghệ trong mọi lĩnh vực cho thấy cuộc sống của con sẽ tốt hơn đáng kể so với cuộc sống của chúng ta hôm nay.

Cha mẹ sẽ đóng góp sức mình để giúp điều đó thành hiện thực, không phải chỉ vì cha mẹ rất yêu con, mà còn vì chúng ta cũng mang trách nhiệm đạo đức với tất cả những trẻ em trong thế hệ tương lai.

Cha mẹ tin rằng mọi sinh linh trên đời đều có giá trị bình đẳng, và các thế hệ tương lai sẽ có nhiều người hơn nữa so với hôm nay. Xã hội chúng ta có trách nhiệm đầu tư trong hôm nay để cải thiện cuộc sống tất cả những ai sẽ gia nhập thế giới này, không phải chỉ vì những người đã và đang sống.

Nhưng ngay lúc này đây, không phải lúc nào chúng ta cũng dành mọi nguồn lực cho các cơ hội cũng như những vấn đề lớn nhất mà thế hệ của con sẽ phải đương đầu.

Nói về bệnh tật chẳng hạn. Hiện chúng ta đang chi phí cho việc điều trị người đau ốm gấp 50 lần so với khoản tiền đầu tư cho những nghiên cứu để các con không bị ốm đau ngay từ đầu.

Y khoa chỉ thực sự trở thành một ngành khoa học trong gần 100 năm qua và chúng ta cũng đã chứng kiến những liệu pháp điều trị triệt để với một số căn bệnh và các tiến bộ khả quan cho các bệnh khác. Khi công nghệ phát triển, chúng ta cũng sẽ đột phá trong việc phòng ngừa, chữa trị và kiểm soát tất cả, hoặc gần như tất cả những bệnh tật còn lại trong 100 năm tới.

Ngày nay, hầu hết mọi người đều chết bởi năm loại bệnh - tim mạch, ung thư, đột quỵ, thoái hóa thần kinh và các bệnh truyền nhiễm - và chúng ta có thể tạo nên những đột phá nhanh hơn trong những vấn đề này và những vấn đề khác.

Khi cha mẹ nhận thức rằng thế hệ của con và thế hệ của con cái con rất có thể sẽ không phải gánh chịu bệnh tật nữa, cha mẹ đã cùng nhận trách nhiệm sẽ dành sự đầu tư của mình hướng tới tương lai để hiện thực hóa điều này. Mẹ con và cha muốn đóng góp sức mình.

Chữa trị bệnh cần có thời gian. Trong một khoảng thời gian ngắn 5 hay 10 năm, có vẻ như chúng ta sẽ không tạo được nhiều khác biệt. Nhưng về lâu dài, các hạt mầm đã gieo hôm nay sẽ nẩy chồi, và một ngày nào đó, con và các con của con sẽ được nhìn thấy những gì chúng ta có thể hình dung: một thế giới không còn bệnh tật.

Có quá nhiều cơ hội như thế này. Nếu xã hội tập trung nhiều nguồn lực hơn và những thách thức lớn đó, chúng ta sẽ để lại cho thế hệ của con một thế giới tốt đẹp hơn…

Rất nhiều những cơ hội tuyệt vời nhất cho thế hệ con sẽ bắt đầu từ việc tạo điều kiện để mọi người được tiếp cận Internet.

Mọi người thường nghĩ về Internet chỉ như một công cụ dành cho giải trí và liên lạc. Nhưng với rất nhiều người trên thế giới, Internet có thể còn là một chiếc phao cứu sinh.

Nó mang lại giáo dục nếu con không sống gần một ngôi trường tử tế. Nó giúp con thông tin về cách phòng chống bệnh tật hay nuôi dưỡng con cái khỏe mạnh nếu con không sống gần một bác sĩ. Nó cung cấp các dịch vụ tài chính nếu con không sống gần một ngân hàng. Nó giúp con tiếp cận việc làm và các cơ hội nếu con không sống trong một nền kinh tế tốt.

Internet quan trọng đến nỗi cứ 10 người được tiếp cận Internet, lại có một người thoát khỏi đói nghèo và một công việc mới lại được tạo ra.

Dù vậy vẫn còn tới hơn một nửa dân số thế giới - hơn 4 tỉ người - chưa được tiếp cận Internet.

Nếu thế hệ chúng ta có thể kết nối họ, chúng ta sẽ giúp cho hàng trăm triệu người thoát khỏi nghèo khó. Chúng ta có thể giúp hàng trăm triệu đứa trẻ được học hành và cứu sống hàng trăm triệu sinh linh thông qua việc giúp mọi người phòng tránh bệnh tật.

Đây lại là một nỗ lực dài hơi khác có thể được thúc đẩy nhờ công nghệ và sự hợp tác. Nó sẽ đòi hỏi việc sáng tạo thêm công nghệ mới để giúp Internet có giá thành hợp lý hơn và giúp các vùng không có mạng Internet có cơ hội kết nối.

Nó cũng sẽ cần sự hợp tác với các chính phủ, các tổ chức phi lợi nhuận và các doanh nghiệp. Nó cần sự gắn kết với cộng đồng để hiểu rõ họ muốn gì. Những người giỏi luôn có những tầm nhìn khác nhau về các lộ trình đi tới tốt nhất, và chúng ta sẽ phải nỗ lực rất nhiều trước khi thành công.

Nhưng cùng nhau, chúng ta có thể thành công và tạo ra một thế giới bình đẳng hơn.

Nếu chỉ riêng bản thân công nghệ sẽ không thể giải quyết mọi vấn đề. Xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn sẽ phải bắt đầu bằng việc xây dựng những cộng đồng khỏe mạnh.

Trẻ em có được những cơ hội tốt nhất khi chúng có thể học hành. Và chúng sẽ chỉ học tốt nhất khi chúng khỏe mạnh.

Khỏe mạnh ngay từ đầu đời - với gia đình yêu thương, dinh dưỡng tốt và một môi trường ổn định, an toàn.

Những đứa trẻ phải đối mặt với những trải nghiệm bi kịch đầu đời thường sẽ có tâm lý và thể trạng phát triển kém lành mạnh. Các nghiên cứu cho thấy các biến đổi thực tiễn trong sự phát triển của não bộ sẽ dẫn tới khả năng nhận thức kém hơn.

Mẹ con là bác sĩ và cũng là một nhà giáo dục, mẹ con nhận thức rất rõ điều này.

Nếu con có một tuổi thơ không lành mạnh, sẽ rất khó để con phát huy hết tất cả tiềm năng của mình.

Nếu con còn phải lo lắng về việc có đủ thức ăn không hay phải thuê nhà, hay lo lắng về các nạn lạm dụng hay tội phạm, cũng thật khó để con có thể phát huy hết tiềm năng bản thân.

Nếu con sợ mình sẽ phải vào tù mà không được vào đại học chỉ vì màu da, hay sợ gia đình con sẽ bị trục xuất vì tình trạng cư trú của mình, hay con có thể là nạn nhân của bạo lực chỉ vì tôn giáo, vì xu hướng tình dục hay vì xác định giới tính của con, khi đó cũng thật khó để con có thể phát triển toàn diện năng lực bản thân”.

Theo TTO

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI