Xác định mức độ và nguyên nhân gây rụng tóc
Đầu tiên bạn cần xác định mức độ và nguyên nhân gây rụng tóc.
Bạn cần xem tóc bạn rụng theo chiều hướng như thế nào để chuẩn đoán nguyên nhân gây rụng tóc. Từ đây bạn mới có thể điều trị hiệu quả.
Việc xác định nguyên nhân thường không chỉ căn cứ vào các dấu hiệu trực tiếp từ tóc mà bạn còn cần rà soát lại sinh hoạt thường ngày của mình để xem thử có điều gì bất thường so với thời gian trước và có khả năng gây rụng tóc hay không.
Chăm sóc tóc đúng cách
Chăm sóc tóc đúng cách sẽ giúp mái tóc bạn khỏe mạnh và mượt mà. Vậy nên dù đây có phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra vấn đề rụng tóc cho bạn hay không thì bạn cũng nên biết những điều sau và chú ý chăm sóc tóc hàng ngày:
- Không nên sấy tóc ở nhiệt độ quá nóng hay phơi tóc trong môi trường có nhiệt độ cao. Điều này làm suy yếu dưỡng chất protein có trong tóc và khiến tóc mỏng manh, dễ gãy rụng.
- Việc tạo nhiều kiểu tóc bằng cách nhuộm, uốn, duỗi trong khoảng thời gian ngắn là vô cũng tổn hại đến tóc. Để thực hiện những điều này tóc không chỉ chịu nhiệt độ cao trong khi làm đẹp mà còn phải tiếp xúc với hóa chất.
- Chỉ nên gội đầu 2 ngày/lần với dầu gội dịu nhẹ hay có thành phần thiên nhiên. Khi gội bạn nên massage nhẹ nhàng, tránh cào mạnh gây bong tróc chân tóc. Bạn cũng không nên chải đầu nhiều lần trong ngày và nên tránh chải đầu khi tóc còn đang ướt. Sử dụng lược răng thưa và chải tóc nhẹ nhàng bạn nhé.
- Việc lau hay chà xát tóc mạnh tay cũng khiến cho lớp màng bảo vệ bên ngoài tóc mất đi. Do đó, khi lau tóc cũng nên lau nhẹ nhàng.
Hạn chế căng thẳng và stress
Những bất ổn về mặt tinh thần này không tác động trực tiếp đến tóc nhưng dẫn đến nhiều thay đổi bên trong khiến cơ thể suy yếu và tác động ngược lại tóc. Tóc sẽ yếu hơn, phục hồi hư tổn chậm hơn và dễ rụng hơn khi bạn ở trong tâm trạng tiêu cực. Hãy ngủ đủ giấc, tập thể dục đều đặn và giữ tinh thần cân bằng.
Ăn để khỏe từ “gốc đến ngọn”
Việc ăn uống cũng đóng vai trò quan trọng khi bạn bị rụng tóc. Bạn cần tổ chức bữa ăn thật khoa học để cơ thể được khỏe mạnh và tóc cũng được chăm sóc tốt. Bạn nên chú ý bổ sung những dưỡng chất sau để chăm sóc tóc:
- Sắt: Sắt giúp cho chân tóc khỏe mạnh. Chúng có nhiều trong thịt đỏ, cá, rau cải xoong, cải xoắn, và các loại ngũ cốc…
- Protein: Protein chiếm 88% thành phần dinh dưỡng của tóc, nên cung cấp đủ dưỡng chất này sẽ giúp tóc được tái tạo mạnh mẽ. Chúng có nhiều trong thịt gia cầm, trứng, sữa, các loại đậu, bông cải xanh…
- Vitamin C: Vitamin C là dưỡng chất cần thiết để tăng cường khả năng hấp thụ sắt của cơ thể. Chúng có trong các loại trái cây có vị chua, rau lá xanh, cà chua…
- Axit béo Omega-3: Dưỡng chất này giúp tóc duy trì độ ẩm và hạn chế gãy rụng. Chúng có nhiều trong cá ngừ, cá hồi, cá thu.
- Biotin: là một loại vitamin B có trong men bia, lúa mì, đậu lăng, hạt hướng dương, đậu nành… củng cố sự khỏe mạnh của tóc.
- Kẽm: Kẽm có nhiều trong hàu, thịt bò nạc, bơ đậu phộng, gà tây và hạt bí ngô… là dưỡng chất để tóc không dễ bị gãy, rụng.
Hỗ trợ điều trị tóc
Ngoài việc duy trì chế độ chăm sóc từ bên trong cơ thể bạn cũng có thể áp dụng những cách thức chăm sóc hỗ trợ cho tóc từ bên ngoài. Cách phổ biến nhất vẫn là đắp mặt nạ cho tóc. Có nhiều nguyên liệu để làm mặt nạ cho tóc như dầu dừa, hành tây, dầu oliu…
Bạn cũng nên bảo vệ tóc tránh ánh nắng mặt trời bằng cách đội mũ nón khi ra ngoài trời nắng. Bạn cũng có thể thay đổi loại dầu gội phù hợp và có tác dụng chăm sóc, kích thích mọc tóc.
Tìm đến chuyên gia
Cuối cùng, nếu vấn đề rụng tóc của bạn thực sự nghiêm trọng và các phương pháp tự điều trị đều không có kết quả, tốt nhất bạn nên tìm đến chuyên gia để được hướng dẫn cách điều trị đúng đắn.
Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn bớt hoang mang với câu hỏi: Bị rụng tóc nhiều phải làm sao?
Yeutre.vn (Tổng hợp)