Bệnh ghẻ ở trẻ em - triệu chứng, nguyên nhân, cách phòng và điều trị

Bệnh ghẻ ở trẻ em là bệnh không xa lạ, trẻ dễ mắc phải nếu không được chăm sóc một cách chu đáo, kỹ lưỡng và khoa học. Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi tác động từ môi trường bên ngoài do hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện, nên việc bị mắc các bệnh ngoài da như bệnh ghẻ là chuyện không thể tránh khỏi. Vậy bạn đã biết gì về bệnh ghẻ này? Chúng ta hãy hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về triệu chứng, nguyên nhân, cách phòng bệnh và trị bệnh như thế nào cho hiệu quả, qua bài viết sau nhé.

banner ads
bệnh ghẻ ở trẻ
Bệnh ghẻ ở trẻ em là căn bệnh về da khá phổ biến, bệnh thường xuất hiện nếu không được vệ sinh sạch sẽ. Ảnh Internet

1. Bạn đã biết gì về bệnh ghẻ ở trẻ em?

Bệnh ghẻ ở trẻ em là một dạng bệnh ngoài da phổ biến. Bệnh lây nhiễm từ người này qua người khác do một loại côn trùng ký sinh trên da có tên là Sarcoptes scabiei, Hominis (cái ghẻ), nhiều nơi còn gọi là con mạt ngứa (itch mite). Bệnh thường hay gặp vào mùa xuân – hè và thường gặp ở những nơi có dân cư đông đúc, chật chội, điều kiện vệ sinh kém.

Bệnh ghẻ có thế xuất hiện ở bất kỳ địa phương nào kể cả thành thị vì thế không nên chủ quan để bệnh kéo dài. Bệnh dễ lây lan cho nên nguồn lây nhiễm chính là từ nhà trẻ, trường học… Các vật nuôi như cho mèo cũng có thể là nguồn lây nhiễm làm cho trẻ bị ghẻ.

Đối với một người chưa từng mắc bệnh ghẻ thì thời gian ủ bệnh kéo dài từ 4-6 tuần trước khi các triệu chứng biểu hiện ra ngoài. Tuy nhiên nếu đã từng bị bệnh thì triệu chứng có thể bắt đầu chỉ sau vài ngày nếu bị nhiễm bệnh lại. Trẻ dưới 2 tuổi có thể bị ghẻ toàn thân nếu chăm sóc không đúng cách. Tuy bệnh không gây ảnh hưởng gì lớn tới sức khỏe của trẻ nhưng nếu không được điều trị sớm và dứt điểm thì gây ảnh hưởng về thẩm mỹ của da.

Bệnh ghẻ rất dễ tái phát lại do ý thức chủ quan của người bệnh và cha mẹ trẻ khi trẻ nhỏ bị nhiễm bệnh, việc tái phát đi tái phát lại nhiều lần có thể gây ra biến chứng không mong muốn đó là gây ra bệnh viêm cầu thận cấp rất nguy hiểm.

Nguyên nhân gây bệnh ghẻ

Nguyên nhân chính là do ghẻ cái Sarcoptes scabiei gây nên, ghẻ đực không có khả năng gây bệnh do chúng chết sau khi giao hợp. Ghẻ cái dài 0,3 - 0,5mm có màu trắng bẩn, có 4 chân, 2 chân trước có kèm theo các ống giác để hút, hai chân sau có các sợi lông dài có thể di động. Ngay sau khi xâm nhập vào cơ thể, cái ghẻ gây bệnh thông qua đường biểu bì da, chúng sẽ liên tục đào hầm và đẻ trứng. Ở trong da, ghẻ cái sẽ liên tục đẻ trứng trong vòng 4-6 tuần liền, mỗi ngày chúng đẻ từ 2 – 3 trứng. Ngoài ra có những nguyên nhân khác như:

  • Trẻ tiếp xúc với người bị ghẻ.
  • Trẻ không được chăm sóc tốt, tiếp xúc với nguồn nước bị ô nhiễm.
  • Do móng tay chân để dài dễ dính chất bẩn làm cho vi khuẩn có điều kiện xâm nhập, đồng thời làm nơi trú ngụ và từ đó lây bệnh thông qua các vết cào gây xây xát ngoài da.
nguyên nhân gây bệnh
Bệnh ghẻ do ghẻ cái Sarcoptes scabiei rất dễ lây lan từ người này qua người khác, đặc biệt là trẻ nhỏ. Ảnh Internet

2. Triệu chứng của bệnh ghẻ ở trẻ em là gì?

  • Dấu hiệu đầu tiên liên quan đến bệnh ghẻ ở trẻ em là vết đỏ trên da, sau đó vết từ từ nổi lên thành mụn nước và bóng nước như bị phỏng. Chất dịch ở vết ghẻ khi bị vỡ ra sẽ lây lan đến các vùng da lân cận do có dịch có chứa vi khuẩn. Những vết này thường có màu xám trắng hoặc màu da.
  • Ngứa nhiều về đêm hoặc khi vận động thể thao, khi trời nắng, người ra nhiều mồ hôi.
  • Nổi mụn nước tại các vị trí như cổ tay, kẽ tay, vùng bụng, mặt trong của đùi, ở trẻ nhỏ mụn nước có thể xuất hiện ở cả lòng bàn tay, chân và sau mông, hay tại những vị trí có nếp gấp như nách, bẹn,… Có một điểm đặc biệt là cái ghẻ không làm tổ tại các vị trí như mặt, đầu và 1/3 phần lưng trên.
  • Xuất hiện những đường hang ngoằn ngoèo, hình chữ chi, màu trắng xám, dài vài mm. Đầu đường hang là mụn nước 1-2mm đây là nơi ký sinh trùng ẩn náu.
  • Trẻ sẽ gãi nhiều vì ghẻ làm cho trẻ ngứa. Điều này vô hình chung đã làm cho da bé bị tổn thương, trầy xước do vết gãi, gây ra sẹo thâm.
  • Một số triệu chứng phụ khác như chốc lỡ, mụn mủ, mụn nhọt… Những nơi thường nổi ghẻ là ngón tay, cùi tay, ngấn cổ tay, nếp lằn ở mông, trước nách… ở bé trai có thể xuất hiện ở bao quy đầu, ở bé gái cần chú ý ở núm vú, trẻ em cần chú ý đến lòng bàn chân.

Biến chứng bệnh ghẻ ở trẻ em

  • Trẻ biếng ăn, từ đó gây sụt cân.
  • Nhiễm khuẩn, mụn mủ.
  • Viêm da.
  • Chàm hóa thứ cấp.
  • Bệnh ghẻ viêm thận cấp tính.
  • Chứng eczema viêm da sẩn mụn nước.
  • Nguy hiểm nhất là gây ra viêm cầu thận cấp.
dấu hiệu của bệnh
Bệnh ghẻ ở trẻ em thường có triệu chứng ngứa và sẽ nổi những mụn nước, là nơi để ký sinh trùng ẩn náu. Ảnh Internet

3. Trị bệnh ghẻ ở trẻ em như thế nào?

Bệnh này tương đối dễ điều trị, chỉ cần diệt sạch cái ghẻ và áp dụng thêm một số biện pháp phòng tránh tái nhiễm là bệnh sẽ khỏi hẳn. Bệnh thường khỏi hoàn toàn sau 2-3 tuần điều trị nếu áp dụng phương pháp chữa trị đúng cách. Chẩn đoán chính xác bệnh là soi da bằng kính lúp, khêu bắt được cái ghẻ, nạo luống ghẻ, mụn nước.

3.1. Nguyên tắc điều trị

  • Phát hiện sớm, điều trị nhanh trước khi xảy ra biến chứng.
  • Điều trị cho tất cả mọi người sống chung trong gia đình. Đồng thời diệt sạch ổ ghẻ xung quanh nhà một cách triệt để.
  • Điều trị kết hợp với các biện pháp phòng chống lây lan. Cách ly bệnh nhân và diệt sạch ổ ghẻ xung quanh nhà một cách triệt để.
  • Tốt nhất là nên giặt sạch mùng mền, quần áo, vật dụng cá nhân của người bệnh. Sau đó, đem phơi dưới nắng gắt để cái ghẻ không thể sống sót. Hoặc có thể cho quần áo, mùng mền,... vào nồi nước và đun sôi để diệt ghẻ cái.
  • Giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ mỗi ngày.
  • Tập cho trẻ thói quen rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh xong. Tỉa lại móng tay, chân thường xuyên cho bé để loại bỏ ổ vi khuẩn.
  • Khi phát hiện trẻ bị ghẻ các mẹ nên cho trẻ ở nhà, không nên đưa trẻ đến trường vì như thế sẽ làm lây lan mầm bệnh.
  • Không nên đắp thuốc từ các loại lá cây hay rắc các loại thuốc không rõ nguồn gốc và chữa biết rõ công dụng cũng như các biến chứng mà thuốc đó có thể gây ra, làm cho bệnh ghẻ của trẻ nặng hơn.
  • Tránh gãi mạnh khi ngứa vì có thể gây viêm da, bội nhiễm.
  • Không dùng chung các vật dụng này để tránh lây nhiễm cho người thân.
điều trị bệnh
Nên điều trì cho trẻ khi bị bệnh và cho cả gia đình để phòng chống bệnh lây lan ra nhiều người. Ảnh Internet

3.2. Thuốc trị ghẻ ở trẻ em

Bố mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ để được khám và hướng dẫn cách trị ghẻ đúng thuốc, đúng cách, vì da của trẻ khi còn nhỏ rất yếu, khả năng đề kháng kém, do đó thuốc trị ghẻ sẽ dễ dàng hấp thụ vào da qua đường bôi thuốc quá liều, từ đó có thể gây hại cho bé. Có các loại thuốc đặc hiệu như:

  • Lindane (kwell, gamma-benzen hexachlorid) là thuốc dạng xịt, dùng cho toàn bộ vùng da từ cổ đến chân. Xịt lần đầu, khoảng 8-12 giờ sau thì tắm rửa cho trẻ rồi xịt thuốc lần hai. Mỗi ngày xịt 2 lần, mỗi lần xịt cách nhau 8-12 tiếng. Không được dùng cho trẻ dưới 12 tuổi và phụ nữ mang thai.
  • D.E.P (dietyl phtalat) là thuốc chống muỗi đốt nhưng cũng có tác dụng trị ghẻ khá tốt và an toàn. Thuốc có dạng lỏng, không màu, không mùi. Mỗi ngày bôi lên vùng da bệnh 2-3 lần. Không sử dụng cho trẻ từ 1 tuổi trở xuống và không bôi vào bộ phận sinh dục.
  • Eurax (crotamintan) 10%, là thuốc bôi, trị ghẻ và chống ngứa rất tốt và an toàn. Bôi thuốc lần đầu, sau 6-10 giờ sau bôi lần thứ hai. Được dùng cho cả bộ phận sinh dục và trẻ đang trong độ tuổi nhũ nhi (từ 2-12 tháng tuổi). Trong trường hợp trẻ bị ghẻ kèm nhiễm khuẩn thì cần phải dùng thêm một số loại thuốc bằng đường uống như lvermetin hoặc kháng sinh.
  • Benzyl benzoat (zylate, scabitox, ascabiol) là loại thuốc trị ghẻ rất tốt và có độ an toàn cao. Có 2 loại là dạng xịt và bôi. Sư dụng ngày 2 lần, mỗi lần cách nhau tối thiểu 15 phút. Tắm gội lại cho trẻ sau 12 giờ kể từ lúc bôi hoặc xịt thuốc. Không bôi thuốc vào vùng đầu và mặt của trẻ. Mỗi lần bôi thuốc nên cách nhau khoảng 15 phút.
Thuốc trị ghẻ
Bạn có thể lựa chọn những loại thuốc trị ghẻ cho trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho bé. Ảnh Internet 

3.3. Cách trị bệnh ghẻ bằng Đông y

Cách 1

Chuẩn bị: Vỏ trắng cây xoan 50g, quả bồ kết 50g, 100ml dầu vừng (dầu lạc).

Cách làm: Vỏ cây xoan thái lát mỏng, sao giòn. Quả bồ kết bỏ hạt cũng sao giòn. Sau đó tán mịn hai vị thuốc này trộn cùng dầu vừng (dầu lạc) thành cao bôi ngày 1-2 lần lên vết thương ghẻ.

Cách 2

Chuẩn bị: Rễ, lá, cành cây kiến cò (20g), rễ cây muồng trâu (20g), rượu trắng 45 độ 100ml. Các vị thuốc cắt khúc, giã dập, ngâm rượu trong 1 tuần rồi dùng bôi lên chỗ rẻ ngày 2 lần sáng và tối.

Cách 3

Chuẩn bị: Hạt máu chó (50g), dầu vừng (100ml) hoặc dầu lạc.

Cách làm: Lấy hạt máu chó giã náy, đun sôi cùng dầu vừng (dầu lạc) trong 15 phút rồi để nguội. Bôi lên chỗ ghẻ ngày 1-2 lần/ngày.

Cách 4

Chuẩn bị: Bồ hoàng 25g. Sao đen bồ hoàng rồi rắc lên chỗ ngứa ngày 1-2 lần cho đến khi vết ghẻ giảm ngứa, không lở loét.

Cách 5

Chuẩn bị: Vỏ cây nhãn (120g), lá trầu không 60g, phèn chua 20g. Vỏ cây nhãn thái mỏng, lá trầu không vò nát rồi cho cùng phen chua vào nồi đun sôi với 400ml nước lấy 100ml. Sau đó, lọc bã cho vào chai, dùng bôi ngày 2 lần sáng và tối.

Cách 6

Chuẩn bị: Rau sam 30g, lá xoan (20), lá đào (10g). Tất cả đem rửa sạch, giã nhuyễn rồi cho vào lọ thủy tinh ngâm cùng 3 chén rượu trắng. Để dung dịch thuốc trong lọ một đêm. Sau đó lấy dung dịch này bôi vào vùng da bị ghẻ mỗi ngày từ 3-4 lần.

Cách 7

Chuẩn bị: 30g lá trầu không, 20g lá đào, 10g lá xoan non, 10g rau sam. Tất cả giã nhỏ, vắt lấy nước cốt bôi vào chỗ ghẻ ngày 3-4 lần.

điều trị bệnh ghẻ
Bệnh ghẻ ở trẻ em có thể điều trị bằng các loại thuốc đông y, bố mẹ có thể tham khảo. Ảnh Internet

3.4. Cách trị bệnh ghẻ bằng phương pháp dân gian

3.4.1 Lá mơ trị ghẻ 

Tinh dầu trong lá mơ lông có tác dụng như thuốc kháng sinh vì thế có thể dùng điều trị ghẻ phỏng, chống viêm loét, làm lành vết thương. Đối với ghẻ, mụn nước, cách làm như sau: lấy lá mơ lông, đập nát, vắt lấy nước rồi chấm vào các nốt ghẻ phỏng.

3.4.2 Lá đào trị ghẻ

Lá đào có tính bình, vị đắng từ lâu đã là phương thuốc trị các bệnh ngoài da như rôm sẩy, ghẻ ngứa, ghẻ phỏng,... Bạn chỉ cần lấy lá đào rửa sạch vò nát rồi đắp lên vùng da bị ghẻ phỏng; hoặc cũng có thể lấy lá đào nấu nước tắm hàng ngày cũng cho hiệu quả rất tốt.

3.4.3 Lá ba ngạc (lá chè đắng)

Lá ba ngạc phân bố ở các vùng trung du, miền núi có tác dụng chữa ghẻ rất tốt. Lấy lá ba ngạc rửa sạch; nấu nước tắm hàng ngày sẽ giúp thuyên giảm tình trạng bị ghẻ phỏng. Đồng thời, lá ba ngạc còn có tác dụng chữa các loại viêm da dị ứng rất hiệu quả.

3.4.4 Dùng cây dầu máu chó

Dầu máu chó là phương pháp dân gian chữa bệnh ghẻ phỏng vô cùng hiệu quả.

Cách làm: Trước tiên nên tắm rửa sạch sẽ. Gãi nốt ghẻ chảy máu rồi bôi trực tiếp dầu máu chó lên vết thương. Chỉ cần bôi một lượng mỏng vừa đủ không nên bôi quá nhiều vì như vậy sẽ không tốt cho vết thương.

chữa dân gian
Bạn cũng có thể chữa ghẻ cho trẻ bằng các phương pháp dân gian, cũng rất hiệu quả đấy. Ảnh Internet

4. Liệu có phòng bệnh ghẻ ở trẻ em được?

Bệnh ghẻ có thể được phòng chống nếu :

  • Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho bé, nhất là vùng da, sử dụng các loại xà phòng xà bông tắm diệt khuẩn để ngừa ghẻ.
  • Cắt móng tay chân thường xuyên cho bé để loại bỏ nơi trú ngụ của vi khuẩn. Bệnh nấm móng tay chân cũng có thể dẫn tới trẻ bị ghẻ.
  • Khi bé bị viêm mũi hoặc viêm họng thì cần phải đưa bé đi chữa trị ngay để ngăn chặn đường lây nhiễm bệnh ghẻ qua da. Quan trọng nhất là phòng ngừa được biến chứng viêm cầu thận cấp.
  • Cách ly các bé với khu vực đang bị nhiễm bệnh tránh lây lan cộng đồng. Nếu trong gia đình bạn có người bị ghẻ thì các thành viên khác cũng nên được trị bệnh dù chưa có biểu hiện gì.
  • Tránh việc dùng chung các vật dụng như khăn mặt, khăn tắm, ra giường, chăn,... đồng thời nên ngâm, giặt bằng nước sôi và phơi nắng để diệt cái ghẻ. Đối với thú nhồi bông bạn nên phơi nắng trong vài ngày rồi hãy cho trẻ chơi lại.
phòng bệnh ghẻ
Phòng bệnh ghẻ ở trẻ sơ sinh bằng cách vệ sinh thân thể bé và môi trường xung quanh sạch sẽ. Ảnh Internet

5. Lưu ý cho bố mẹ về bệnh ghẻ ở trẻ em

  • Chỉ bôi thuốc lên vùng da bị thương tổn, không bôi lên niêm mạc và tránh bôi vào mắt. Chỉ nên bôi sau khi đã vệ sinh sạch sẽ, thay quần áo mới.
  • Tránh kỳ cọ, cào gãi khi ngứa vì có thể gây viêm da, bội nhiễm.
  • Vệ sinh sạch sẽ các đồ dùng sinh hoạt như giặt là, hấp sấy quần áo, chăn màn, ... Không dùng chung các vật dụng này để tránh lây nhiễm cho người thân.
  • Tùy mức độ, tính chất tổn thương mà cần bôi thuốc, uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa da liễu, nhất là trường hợp có thai, trẻ em dưới 2 tuổi.
  • Thực hiện điều trị ghẻ liên tục trong thời gian được chỉ định để đề phòng đợt trứng ghẻ mới nở, mỗi đợt từ trứng đến lúc thành con ghẻ trưởng thành là từ 2 - 3 tuần.
  • Sử dụng thuốc kháng sinh histamin và vitamin B,C theo chỉ dẫn.
lưu ý cho bố mẹ
Bố mẹ cần chăm sóc và vệ sinh bé chu đáp hơn để có thể phòng và chữa trị bệnh ghẻ cho trẻ em hiệu quả, tránh tái phát. Ảnh Internet

Bệnh ghẻ ở trẻ em là một bệnh có tính lây nhiễm cao và dễ điều trị. Nhưng bệnh lại rất khó để chữa trị dứt điểm nếu điều trị không đúng hoặc không phòng ngừa tốt. Chính vì vậy, mẹ cần chăm sóc cả gia đình, đặc biệt là các em nhỏ, vệ sinh sạch sẽ và có nếp sống khoa học vì phòng bệnh bao giờ cũng tốt hơn cả.

Chi Lê tổng hợp

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI