1. Những dấu hiệu của bệnh á sừng ở trẻ em
1.1 Trẻ bị tổn thương da tay và da chân
Ngày nay, bệnh á sừng được dùng chỉ tình trạng da khô, dày sừng hoặc chàm hóa của viêm da cơ địa, hoặc cũng có thể được chỉ cho viêm da tiếp xúc hoặc dị ứng với các chất tẩy rửa gây ra nứt nẻ chân tay...
Thông thường, bệnh á sừng ở trẻ em sẽ là biểu hiện của viêm da cơ địa xuất hiện từ 2 tuổi đến khi trẻ bắt đầu dậy thì. Khoảng 50% trẻ sẽ hết hẳn tình trạng viêm da cơ địa khi bắt đầu lên 10 tuổi và số còn lại vẫn còn á sừng đeo bám đến suốt đời.
Trẻ thường bị tổn thương ở các đầu ngón tay, ngón chân, và có thể lan rộng ra toàn bàn tay, bàn chân và gót chân, đây là những vùng da khô. Mùa nóng, phần da bị tổn thương có thể sẽ bị đỏ và ngứa, mụn nước nổi lên nhiều, làm phần da bệnh xù xì lên. Mùa lạnh, da nứt nẻ, rướm máu và gây cho trẻ đau đớn, bệnh càng trầm trọng nếu trẻ tiếp xúc với các chất tẩy rửa... Những tổn thương trên da dễ gây ra nhiễm trùng hoặc nhiễm nấm gây khó khăn cho chữa trị.
1.2 Nguyên nhân gây ra bệnh á sừng ở trẻ em
Nguyên nhân của bệnh á sừng ở trẻ em không rõ ràng, và chỉ xác định được qua các tác nhân gây ra bệnh viêm da cơ địa như yếu tố di tuyền, cơ địa trẻ bị dị ứng... Bệnh sẽ nặng hơn nếu tiếp xúc với các chất tẩy rửa, những vật thể bẩn,... Đặc biệt, những người thường bị á sừng ít ăn rau quả gây ra thiếu vitamin trầm trọng làm ảnh hưởng đến chất lượng của lớp biểu bì trên da.
2. Cách điều trị và chăm sóc khi trẻ em bị bệnh á sừng
2.1 Tránh tổn thương phần da bị bệnh
Khi trẻ bị á sừng, tránh việc trẻ gãi hay chà vào phần da bệnh sẽ khiến da tổn thương nặng nề hơn. Dùng các loại thuốc bôi chống viêm, chống nhiễm trùng để thoa lên phần da bệnh song song với việc chăm sóc trẻ tại chỗ.
Dùng sữa tắm cho trẻ sơ sinh, những sản phẩm chứa ít chất kiềm để tắm cho trẻ, đặc biệt tắm nhanh trong vòng 5 phút và sau đó nhanh chóng dùng thuốc làm ẩm da sau khi đã lau khô trẻ. Dùng khăn mềm thấm nhẹ trẻ, tránh chà xát mạnh. Các mẹ có thể bôi thuốc làm ẩm da nhiều lần trong ngày tùy theo mức độ á sừng của trẻ. Và trước khi bôi cho trẻ, nên thử ở một vùng da nhỏ xem có bị dị ứng không, nếu không sẽ làm tình trạng bệnh của bé trầm trọng hơn.
Điều trị bệnh á sừng ở trẻ em khá phức tạp, có thể dùng các loại thuốc bôi có hoạt tính yếu dành cho trẻ em. Tốt nhất nên đưa trẻ đi khám ở chuyên khoa để có liều lượng thích hợp. Bởi vì tùy theo mức độ bệnh và lứa tuổi mà bác sĩ sẽ có đơn thuốc thích hợp cho trẻ. Không tự ý dùng bất kì loại thuốc nào để tránh gây ra biến chứng ở trẻ.
2.2 Cần sự kiên nhẫn cao khi chăm sóc trẻ bị á sừng
Chăm sóc vùng da bị á sừng ở trẻ em cần phải thực hiện đúng cách và chú trọng khâu dưỡng ẩm, nếu sử dụng các chất dưỡng ẩm có tính kháng viêm thì bệnh của trẻ sẽ mau khỏi. Những thuốc dưỡng ẩm chuyên biệt sẽ vừa hỗ trợ điều trị bệnh vừa giúp da được chăm sóc tốt.
Tuyệt đối không cho trẻ tự ý bóc da, chà xát vào vùng da tổn thương... khiến lớp sừng bong ra mạnh hơn. Luôn dùng kem dưỡng ẩm thoa lên phần da bệnh cho trẻ, và có thể là cả toàn thân để tránh bệnh lây sang vì mùa đông khiến da thô ráp và nứt nẻ hơn. Luôn giữ móng tay móng chân của bé được sạch sẽ, cắt ngắn để tránh việc bé gãi trong khi ngủ.
Ngoài việc tránh các thức ăn dễ gây dị ứng cần phải cho bé ăn nhiều rau củ quả tươi chứa nhiều vitamin như B, C, E như rau ngót, giá, cà chua, cam bưởi... Tuyệt đối cha mẹ không cho trẻ tiếp xúc với lông vật nuôi, khói thuốc và các loại nước hoa để tránh việc bệnh trở nặng.
Bệnh á sừng ở trẻ em cần được điều trị dứt điểm để tránh trường hợp bội nhiễm. Vì thế, khi điều trị, cha mẹ cần tuyệt đối tuân thủ các chỉ định của bác sĩ về loại thuốc, về liều lượng để bé nhanh khỏi bệnh.
Nguyên Lê tổng hợp