Thấy con trai một tuổi chảy nước mũi nhiều, người mẹ đã tự rửa mũi cho con bằng cách dùng xilanh y tế hút dung dịch nước muối sinh lý rồi bơm trực tiếp vào để rửa mũi cho con. Tuy nhiên, do sơ suất, người mẹ này đã lấy nhầm dung dịch cồn 90 độ để bơm rửa mũi cho con.
Ngay sau đó, thấy con không đỡ mà còn quấy khóc bất thường, gia đình mới kiểm tra lại thì phát hiện đã lấy nhầm cồn. Bố mẹ bé đã rửa lại mũi cho con nhiều lần bằng nước sạch nhưng bé vẫn tiếp tục ho và quấy khóc nên gia đình đã lập tức đưa bé vào Khoa Nhi, BV Bạch Mai cấp cứu vào tối 17/8.
Kết quả thăm khám lâm sàng cho thấy: trẻ tỉnh, không sốt, chảy nước mũi và ho nhiều. Mũi 2 bên đỏ, thở khò khè… Các bác sĩ Khoa Nhi đã chỉ định làm các xét nghiệm và chụp tim phổi… Kết quả cho thấy, cháu P. bị viêm phổi.
Hai chai Natri Cloride 0.9% và cồn 90 độ có vẻ ngoài khá giống nhau nên dễ gây ra nhầm lẫn.
Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa Nhi cho biết việc nhỏ nhầm cồn vào mũi trẻ vô cùng nguy hại. Nó có thể dẫn đến bỏng do kích thích niêm mạc mũi; nặng hơn, nếu hít phải nhiều có thể dẫn đến ngộ độc cồn, viêm phổi.
PGS. TS. Tiến Dũng cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh nên hết sức chú ý khi vệ sinh mũi cho con vì chai cồn và chai nước muối rất giống nhau về hình thức và kích cỡ. Nếu chẳng may có sơ xuất, nhầm lẫn thì gia đình nên nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để được xử trí cấp cứu đúng phương pháp.
Các bước rửa mũi cho trẻ nhỏ:
Bước 1: Trải miếng lót chống thấm lên giường/bàn và đặt bé nằm nghiêng trên đó, đặt 1 tay lên đầu bé và giữ nhẹ để tránh việc con giãy giụa, có thể gây tổn thương trong quá trình rửa mũi (thông thường nếu bé quen rồi con có thể khóc một chút nhưng nếu là lần rửa đầu tiên thì có thể bé khóc và giãy giụa khá nhiều).
Bước 2: Lót vài lần khăn xô dày dưới cổ và đầu bé để nước rửa chảy ra thấm vào đó.
Bước 3: Nếu bé mới bị ngạt mũi nhẹ, dịch mũi còn lỏng thì mẹ có thể tiến hành rửa luôn. Trong trường hợp dịch mũi đặc lại, có rỉ mũi dính trong lỗ mũi thì mẹ nên nhỏ 2 - 3 giọt nước muối vào mỗi bên mũi, đợi 1 lúc cho nước muối ngấm làm mềm rỉ mũi thì nhẹ nhàng dùng tay day day mũi bé để rỉ mũi mềm và bong ra.
Bước 4: Đặt miệng lọ nước muối đầu tròn vào lỗ mũi phía trên của bé, bóp nhanh nhưng không quá mạnh để nước muối đi vào trong và từ từ chảy ra ở lỗ mũi bên kia. Dịch mũi và rỉ mũi có thể cuốn theo nước muối chảy ra lỗ mũi phía bên kia hoặc qua miệng bé.
Bố mẹ cần kiểm tra đầu lọ nước muối sinh lý, đảm bảo không có bất cứ gờ, cạnh sắc nào có thể gây tổn thương mũi bé.
Bước 5: Sau khi xịt hết lọ nước muối, mẹ có thể dùng đèn pin kiểm tra xem còn nhiều dịch/rỉ trong mũi bé không, có thể tiếp tục xịt thêm nước muối nếu dịch/rỉ mũi chưa ra hết.
Bước 6: Dùng khăn mềm nhẹ nhàng lau sạch mũi, miệng bé, trấn an con vài phút trước khi quay bé nằm nghiêng sang phía ngược lại để rửa tiếp lỗ mũi bên kia của bé. Cách làm tương tự.
Chú ý: Bố mẹ cần rửa tay thật sạch với xà phòng trước khi tiến hành rửa mũi cho con và không lạm dụng xịt quá nhiều lần (chỉ nên rửa 2 - 5 lần/ngày), nhất là khi bé có dấu hiệu viêm mũi vì sẽ khiến mũi con khô hơn, rát vì niêm mạc mũi tổn thương và mất đi độ ẩm.
Theo PNO