Dưới đây là một vài gợi ý cho cha mẹ trong việc điều chỉnh hành vi và giảm bớt tính nóng nảy ở trẻ.
1. Đánh lạc hướng trẻ
Khi trẻ có biểu hiện giận dữ và thiếu kiềm chế cảm xúc, cha mẹ lúc này cần nhanh trí đánh lạc hướng trẻ sang một hoạt động khác. Trong trường hợp này, tuyệt đối cha mẹ không nên to tiếng với trẻ và quát mắng "tay đôi" với trẻ. Nghĩa là trong khi cha mẹ nóng giận quát mắng thì trẻ la hét và không chịu nghe. Điều này chỉ khiến cho cha mẹ càng xa cách trẻ và việc kiềm chế tính nóng nảy của con ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Ví dụ trẻ không chịu nhường đồ chơi cho em, cáu giận với em,bạn nên hướng trẻ sang chơi một loại đồ chơi thú vị khác hoặc gợi ý con có thể ăn bánh/trái cây để thư giãn. Một gợi ý mới mẻ và hấp dẫn sẽ khiến trẻ nguôi ngoai và dịu dần cơn nóng tính.
Sau đó, đừng quên giải thích cho trẻ hiểu vì sao không nên làm vậy. Có thể, một vài lần đầu trẻ sẽ không hiểu và không làm theo những gì cha mẹ gợi ý. Nhưng hành động này của cha mẹ kéo dài, kiên trì sẽ giúp trẻ thấu hiểu mọi chuyện dễ dàng hơn.
2. Dành ít nhất 2 tiếng cho trẻ mỗi ngày
Cuộc sống hiện đại bận rộn đã lấy đi rất nhiều thời gian của cha mẹ dành cho con cái. Vì vậy, để thấu hiểu con và giúp con kiềm chế tốt tính nóng nảy, hay hờn dỗi, cha mẹ nên dành ít nhất 2 tiếng mỗi ngày vui chơi cùng con.
Khi cảm nhận được tình cảm của cha mẹ và sự đầy đủ trong tình cảm, trẻ sẽ không có cơ hội để thể hiện sự nóng nảy vô cớ hay độc tài của mình.
3. Không nuông chiều trẻ
Châm ngôn không nuông chiều trẻ là châm ngôn dạy con của mọi gia đình. Nhưng không phải cha mẹ nào cũng làm được. Khi đứa trẻ muốn gì hầu hết cha mẹ đều đáp ứng vì tâm lý muốn lo cho con no đủ. Điều này hình thành nên tính cách đòi hỏi, ngang ngược ở trẻ. Một ngày nào đó, cha mẹ không thể/ không muốn đáp ứng nhu cầu của trẻ sẽ khiến đứa trẻ đó tức giận và có cảm giác như bị phản bội.
Do đó, ngay từ những ngày đầu dạy con, cha mẹ tuyệt đối không nuông chiều theo mọi sở thích của trẻ. Tôn trọng con đồng nghĩa với việc định hướng cho con nên làm điều gì là tốt nhất. Khi trẻ khóc lóc đòi hỏi đồ chơi chẳng hạn, hãy sử dụng ánh mắt, giọng trầm và thái độ dứt khoát từ chối yêu cầu của con và giải thích ngắn gọn lý do vì sao từ chối.
Một vài lần, trẻ sẽ hiểu được rằng, cần tôn trọng những đồ vật mình đang có và không giận hờn vô cớ khi không nhận được sự gật đầu của cha mẹ.
4. Hạn chế cho trẻ xem ti vi
Rất ít cha mẹ biết rằng, việc cho trẻ xem tivi quá nhiều cũng khiến con trở nên nóng tính và hay hờn dỗi hơn. Ngoài ra, xem tivi quá nhiều còn ảnh hưởng nhiều tới hành vi của trẻ, trẻ chậm giao tiếp và có nguy cơ thu nhỏ thế giới của mình xung quanh tivi, dễ nóng nảy, bực tức.
Do đó, chỉ nên cho trẻ tiếp xúc với tivi dưới 1 tiếng/ngày và nên dành nhiều thời gian cho trẻ để kiềm chế tính nóng nảy ở trẻ.
Yeutre.vn (Tổng hợp)