Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh như thế nào cho đúng cách?

Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh như thế nào, chắc chắn đang là chủ đề hầu hết chúng ta đều quan tâm lúc này. Không chỉ để được nhiều thực phẩm dự trữ khi cần thiết, giữ sao cho an toàn và tươi ngon cũng là vấn đề. Chuyên mục Cẩm nang của Yeutre.vn mời bạn cùng điểm qua những điều cơ bản liên quan, cần chú ý như dưới đây nhé. 

banner ads
Bảo quản thực phẩm trong tu lạnh như thế nào
Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh như thế nào cho đúng chắc chắn là điều chúng ta đang rất quan tâm. Ảnh Internet 

1. Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh với nhiệt độ theo khuyến nghị

Nhiệt độ tủ lạnh phù hợp luôn cần được bảo đảm và kiểm tra thường xuyên. Điều này nhằm chắc chắn rằng, mầm bệnh không sinh sôi và phát triển trên thực phẩm mà chúng ta bảo quản.

Thường, tủ lạnh nên được giữ ở mức 0-5 độ C. Như thế sẽ giảm thiểu sự phát triển của mầm bệnh.

Nhiều tủ lạnh sẽ có nhiệt kế tích hợp, nếu tủ lạnh của bạn không có thì bạn nên chuẩn bị một cái để sử dụng.

Nhất là, trong những trường hợp bị cúp điện chẳng hạn, nếu khi bật nguồn trở lại, tủ lạnh vẫn ở mức 5 độ C thì thực phẩm vẫn an toàn để sử dụng. Nếu không, chúng ta không nên tiêu thụ vì nguy cơ ngộ độc thực phẩm hay mắc bệnh từ thực phẩm sẽ cao hơn. 

Nhiệt độ tủ lạnh bảo đảm
Luôn đảm bảo nhiệt độ tủ lạnh ở mức 0-5 độ C. Ảnh Internet 

2. Luôn để mắt đến hạn sử dụng của thực phẩm

  • Với thực phẩm đóng gói và cần bảo quản trong tủ lạnh, bạn luôn cần phải lưu ý hạn sử dụng ghi trên bao bì.
  • Không nên dùng bất cứ thực phẩm nào đã quá hạn sử dụng. Vì, vi khuẩn có hại đã có cơ hội phát triển và làm cho thực phẩm này trở nên nguy hiểm hơn cho sức khỏe của bạn và gia đình.
  • Với thực phẩm ghi chú hạn sử dụng tốt nhất trước thời hạn nào đó, khi bạn kiểm tra đã qua thời hạn này một vài ngày thì vẫn có thể dùng. Vì với cách ghi chú này, là dấu hiệu của chất lượng không còn ngon như trước thời gian quy định đó. Tuy nhiên, nếu cách quá xa thì bạn cũng không nên dùng, vì có thể không còn an toàn nữa. 
Kiểm tra hạn sử dụng
Bạn nên luôn để mắt đến hạn sử dụng của thực phẩm đóng gói. Ảnh Internet 

3. Sắp xếp theo thứ tự lưu trữ thực phẩm thích hợp

Có thể chúng ta thấy việc sắp xếp theo thứ tự lưu trữ không quan trọng lắm. Tuy nhiên, thứ tự thực phẩm sai trên kệ có khả năng thúc đẩy sự phát triển của mầm bệnh. Điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh từ thực phẩm.

Thứ tự xếp thực phẩm trên kệ từ trên xuống nên xếp như sau:

  • Kệ trên cùng : để thực có thể dùng ngay. Đây là những thực phẩm có thể dùng liền như phô mai, sữa chua, cream...chẳng hạn.
  • Kệ thứ 2 : để các thực phẩm đã chế biến như bánh kem, thịt đã nấu chín. Thực phẩm đều cần phải được giữ trong hộp kín hoặc đậy kín để tránh bị nhiễm bẩn. Không để thực phẩm chưa chế biến ở ngăn này.
  • Kệ thứ 3 : để thực phẩm tươi sống sẽ nấu ngay như hải sản, các loại thịt, trứng,...Nên để trong các hộp đậy kín để ngăn chúng chạm hoặc nhỏ giọt vào các thực phẩm khác. Bạn cần đảm bảo mỗi thực phẩm được bọc hoặc để trong hộp, không để chung.
  • Kệ cuối cùng (hoặc hộc): để rau, củ, quả tươi. Rau, củ, quả tươi cần được bọc giấy hoặc nhựa có lỗ khí để giữ chúng tươi và lâu hư. Với xà lách và rau thơm, bạn có thể bọc chúng trong khăn giấy, rau sẽ tươi lâm hơn. 
Thực phẩm lưu trữ theo thứ tự
Bạn nên sắp xếp theo thứ tự lưu trữ thực phẩm thích hợp. Ảnh Internet 

4. Cần biết khi nào thì nên bỏ thực phẩm, thức ăn đi

Mặc dù tủ lạnh làm chậm sự phát triển của mầm bệnh nhưng chúng không ngăn chặn quá trình hư hỏng. Vứt bỏ thực phẩm là một sự lãng phí. Nhưng, chúng ta cần biết khi nào cần bỏ có thể giúp cho gia đình được khỏe mạnh, an toàn.

Thức ăn thừa thường giữ được trong vài ngày, song chúng ta cần chắc chắn là đã bảo quản đúng cách. Cũng như, phải cương quyết bỏ trước khi chúng hỏng.

Thực phẩm để ngoài tủ lạnh trong hơn 2 giờ không nên dùng. Nếu cất thức ăn thừa, bạn cần làm nguội nhanh trong 2 tiếng và bỏ chúng vào tủ lạnh.

Dưới đây là thời gian lưu trữ thực phẩm chế biến an toàn trong tủ lạnh mà bạn có thể tham khảo:

  • Thực phẩm bảo quản được 2 ngày : gồm thịt bò xay, thịt heo, thịt bê, thịt hầm, gà nguyên con, xúc xích sống, gia cầm khác, cá tươi và động vật có vỏ.
  • Thực phẩm bảo quản được 4 ngày : Trứng nấu chín, súp, hầm, thịt hầm nấu chín, nước dùng, món khai vị, giăm bông nấu chín hoàn toàn.
  • Thực phẩm bảo quản được 5 ngày : thịt hộp, trứng, cá ngừ, mì ống.
  • Thực phẩm bảo quản được 7 ngày : thịt ba rọi xông khói, xúc xích xông khói, thịt bò bắp trong túi hút chân không.
  • Thực phẩm bảo quản được 2 tuần : xúc xích, thịt đóng gói chưa mở ra.
  • Thực phẩm bảo quản được lâu hơn : thực phẩm đóng gói đúng theo yêu cầu của nhà sản xuất. 
Thực phẩm khác nhau
Mỗi thực phẩm có thời gian lưu trữ khác nhau. Ảnh Internet 

5. Một số nguyên tắc chung khi bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh

  • Không để tủ lạnh quá tải : Khi chúng ta nhồi nhét quá nhiều thực phẩm có thể sẽ chặn bộ phận làm mát giúp làm lạnh thực phẩm. Nguy cơ khác là tủ lạnh quá đầu sẽ khiến cửa tủ không được đóng chặt.
  • Thực phẩm mới luôn đặt phía sau thực phẩm cũ hơn : Hay nguyên tắc "vào trước, ra trước". Đây là điều lưu ý quan trọng bạn nên áp dụng. Điều này sẽ đảm bảo việc bạn sử dụng thực phẩm dựa theo ngày phù hợp. Sử dụng lần lượt như thế cũng là cách để giúp chúng ta tránh lãng phí thực phẩm.
  • Không để đồ hộp đã mở nắp vào tủ lạnh : Vì điều này có thể dẫn đến việc, kim loại trên nắp mở ngấm vào thức ăn. Nếu bạn muốn để thực phẩm đóng hộp vào tủ lạnh, hãy cho chúng vào hộp đựng phù hợp rồi bảo quản.
  • Làm lạnh thức ăn thừa trong vòng 2 tiếng sau khi nấu rồi bảo quản tủ lạnh.
  • Chia thức ăn thừa vào các hộp nhỏ, thấp để chúng nguội nhanh hơn.
  • Không lưu trữ sữa ở cửa ra vào nhất là sữa tươi. Vì, đây là nơi ấm nhất trong tủ lạnh. Kệ nơi cửa tủ lạnh chỉ nên để đồ uống và gia vị.
  • Rau, củ, quả nên để riêng mỗi loại vì mỗi loại thải khí khác nhau, khi để chung loại này có thể làm cho loại khác mau hư hơn.
  • Nhiều thực phẩm bạn không nên rửa trước khi cho vào tủ lạnh vì độ ẩm có thể làm cho chúng dễ bị mốc và mau hư hơn. 
Hộp rau củ trong tủ lạnh
Mỗi loại rau, củ, quả bạn nên để hộp riêng. Ảnh Internet 

Như vậy, qua những gợi ý trên, chúng ta cũng thấy rõ hơn bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh cũng cần tuân thủ một số nguyên tắc. Thực hiện những điều cơ bản này sẽ đảm bảo tủ lạnh của chúng ta gọn gàng, sạch, thực phẩm tươi. Hơn nữa, thực phẩm chúng ta lưu trữ cũng an toàn cho sức khỏe hơn.

Nguồn tham khảo chính: State Food Safety & Good House Keeping

Cát Lâm tổng hợp

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI