9 tuyệt chiêu giúp bé ti bình dễ dàng

(Yeutre.vn) Đối với không ít mẹ, việc tập cho bé ti bình không hề dễ dàng bởi những phản ứng “chống đối” của bé. Để việc này diễn ra thuận tiện, mẹ cần “lận lưng” những bí quyết nhất định.

banner ads

Có thể vì mẹ sắp chuẩn bị đi làm lại, vì lý do nào đó mà mẹ không thể cho bé bú sữa trực tiếp, bệnh lý… mà bé cần tập ti bình. Nếu bé không chịu ti, có thể vì các mẹ đã tập không đúng cách. Tham khảo những tuyệt chiêu dưới đây nhé!

Để tập cho trẻ ti bình dễ dàng mẹ cũng cần phải có bí quyết.

1. Cho bé “tập dượt” trước với sữa mẹ

Nếu lần đầu tiên cho bé ti bình với sữa hộp, đa phần bé sẽ không chịu “hợp tác” vì thấy có “mùi lạ”. Để bé không có cảm giác bỡ ngỡ hay từ chối ti bình, mẹ hãy vắt sữa mẹ rồi cho vào bình để tập cho bé bú. Có thể xen kẽ các bữa sữa mẹ và sữa hộp theo liều lượng tăng dần để bé dần chuyển sang bú bình. Lúc đầu, có thể cho bé bú 3 cữ sữa mẹ, 1 cữ sữa hộp, sau đó tăng lên 2 cữ sữa mẹ, 2 cữ sữa hộp…

2. Chọn ti giả giống ti mẹ

Sở dĩ bé không chịu ti bình bởi núm vú giả không được “thật”, êm ái như ti mẹ. Vì vậy, các mẹ nên chọn núm vú giả có chất liệu mềm mại, hình dáng và tốc độ chảy sữa càng giống như ti mẹ càng tốt.

3. Tập luyện đúng lúc

Nếu bé dễ chịu, mẹ có thể tập vào lúc bé đang đói, khi thức. Tuy nhiên, với bé hơi “khó tính”, mẹ nên “lợi dụng” lúc con đang buồn ngủ, mắt lơ mơ ngủ để tập bé ti bình. Lúc này, phản xạ mút của bé sẽ lên cao nên dễ chấp nhận núm vú giả hơn. Lưu ý, không nên cho bé bú bình khi đang ngủ say, nghẹt mũi, ho để không ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.

4. “Chiêu” đưa núm vú vào miệng bé

Điều mẹ nên tuyệt đối tránh là tìm mọi cách để “nhét” núm vú bình sữa vào miệng của bé bởi sự đột ngột này sẽ làm bé “phản ứng” gay gắt đấy. Thay vì vậy, mẹ hãy chạm núm vú giả vào môi bé và đợi bé mở rộng miệng ngậm núm vú như cách bú mẹ. Mẹ nên đưa núm vú giả vào miệng bé nhẹ nhàng theo hướng từ môi dưới lên. Điều này sẽ giúp mẹ ngậm trọn núm vú chứ không “nhay” hay chỉ mớm mớm phần đầu núm vú.

5. Chọn không gian yên tĩnh

Để bé tập làm quen với bú bình, mẹ nên chọn nơi yên tĩnh để tránh bé bị phân tâm, không bú mà chỉ “chơi” với bình sữa. Không gian yên tĩnh còn tạo cho bé cảm nhận rõ hơn sự âu yếm của mẹ và có cảm giác như đang bú mẹ.

6. Nhờ người thân giúp đỡ

Để bé ti bình dễ dàng mẹ có thể nhờ đến sự trợ giúp của chồng hoặc người thân.

Vì bé đã quen hơi của mẹ nên nếu mẹ cho bé bú bình, bé sẽ nhất quyết tìm ti mẹ chứ không chịu ti bình. Vì thế, mẹ có thể hướng dẫn cho ba, người lớn trong gia đình tập cho bé tập ti bình để bé dễ ti hơn.

7. Giữ sữa luôn ấm

Khi cho bé tập bú bình, điều cốt yếu các mẹ nên nhớ là làm sao cho bé có cảm giác càng giống như bú mẹ trực tiếp càng tốt. Đối với nhiệt độ sữa cho bé ti bình cũng vậy, mẹ nên giữ cho sữa luôn ấm để bé dễ làm quen với bú bình. Khi mới tập bú bình, thường bé sẽ bú rất chậm, sữa nhanh nguội và có thể bé không chịu bú tiếp. Thay vì tiếp tục ép con bú mà hãy hâm nóng sữa và sau đó tiếp tục tập cho bé bú.

8. Mẹ chọn tư thế “chuẩn”

Mẹ chọn ngồi nơi thoải mái, đỡ bé trên tay ở cùng tư thế như khi cho bú sữa mẹ, sự tiếp xúc giữa mẹ và bé càng nhiều càng tốt. Có thể chèn thêm một chiếc gối để con được nằm thoải mái, đầu hơi nâng lên, hướng mặt về phía mẹ. Mẹ có thể để bé chơi với tay mẹ, hay sờ mặt mẹ.

Mẹ nên cầm bình cho bé bú để có thể điều chỉnh được bình theo đúng góc độ (có ghi trên thân bình), tránh bé bị sặc, nghẹn, hoặc bị các vấn đề răng miệng từ sớm. Thỉnh thoảng mẹ cần rút bình sữa ra để bé không bị nuốt vội. Nếu bé có vẻ khó chịu, hãy bế đứng bé và vuốt cho bé ợ.

9. Hết sức kiên nhẫn

Thực tế, không nhiều những trường hợp bé chịu ti bình từ lần tập đầu tiên, lần 2, vì vậy mẹ cần hết sức kiên nhẫn, chịu khó khi gặp phản ứng của bé. Thua keo này, bày keo khác thì chắc chắn bé sẽ thích ti bình thôi.

Yeutre.vn

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI