Quát tháo và trừng phạt con ở chốn đông người
Quát tháo con trẻ ở chốn đông người là mẹ đã sai.
Trẻ con đôi khi rất tinh ranh khi chọn những địa điểm công cộng để thực hiện trò mè nheo, khóc quấy, vòi vĩnh bố mẹ. Khi đứa trẻ càng tỏ ra ương ngạnh, người mẹ lại càng cố gắng quát mắng, thậm chí trừng phạt con để chứng minh bản thân họ nhận biết sự sai trái ở con và không thể chấp nhận hành động sai trái đó. Song giữa bao con mắt đang nhòm ngó, họ có thể đã làm tổn thương trầm trọng đến sự tự trọng trong con mình.
Nếu bạn có lỡ hành động như vậy thì bạn đã tự tạo hố ngăn trong mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái. Bạn chẳng những không thể khiến trẻ trở nên ngoan hơn mà ngược lại chỉ càng khiến chúng vì hổ thẹn mà quay sang chống đối với tất cả những gì bạn cố xây dựng cho ngay cả khi điều đó thật sự tốt đẹp.
Chỉ có duy nhất mệnh lệnh
Hầu hết, bố mẹ đều muốn dùng mệnh lệnh để hướng con cái làm theo điều mình muốn mà chẳng hề nhìn nhận lại hiệu quả của những mệnh lệnh này đi đến đâu. Thực tế, những câu lệnh không lý do sẽ chẳng thể có tác dụng nhiều đến những đứa trẻ đang trong độ tuổi khám phá và tìm hiểu về thế giới xung quanh mình. Thay vì họ có thể giải thích cho con hiểu “ăn kem có thể khiến cổ họng con đau rát và ho nhiều nên…” thì họ chỉ có thể bắt buộc giản đơn “Con không được ăn kem”.
Thưởng và “hối lộ”
Trẻ cần phải hiểu rằng mọi thứ đạt được không phải lúc nào cũng cần một phần thưởng rõ ràng bằng vật chất.
Sẽ có lúc bạn không thể phân biệt giữa đâu là thưởng và đâu là “hối lộ”. Các bà mẹ thường “hối lộ” nhiều hơn với những kiểu đại loại như “Con học cho giỏi đi rồi mẹ sẽ mua cho con bộ lego mới”... Thực ra, đây là một dạng đổi chát có qua có lại, có điều kiện và có đáp ứng. Điều này sẽ không tốt cho trẻ vì nó khiến hành động của trẻ đối với nhiệm vụ phải làm của bản thân trở nên thiếu tính tự giác và tinh thần trách nhiệm. Trẻ thực hiện nhiệm vụ khi được đáp ứng thì cũng cũng sẵn sàng bỏ qua nó khi không được như ý. Trong khi đó, trẻ cần phải hiểu rằng mọi thứ đạt được không phải lúc nào cũng cần một phần thưởng rõ ràng bằng vật chất.
Vì thế, giữa việc khen thưởng khích lệ và ra điều kiện để trẻ đạt được điều bạn mong muốn là hai chuyện hoàn toàn khác biệt.
Đề ra hình phạt nhưng không có tính khả thi
Chỉ cần một lần bạn không thể thực hiện điều đã đưa ra, con bạn sẽ không còn tin vào những hình phạt của bạn.
Giữa bố mẹ và con cái cần có một ranh giới rõ ràng để từ đó bạn có thể giữ vững cho mình năng lực giáo dục con. Hình phạt được đưa ra cũng là một cách để bạn thi hành nhiệm vụ dạy dỗ con. Tuy nhiên, khung hình phạt phải là điều thực tế mà bạn có thể thi hành. Nếu bạn hăm trẻ “Con không gom hết đồ chơi vào giỏ, mẹ sẽ mang đốt hết…” thì liệu rằng bạn có tin mình đủ can đảm để làm điều này? Chỉ cần một lần bạn không thể thực hiện điều đã đưa ra, con bạn sẽ không còn tin vào những hình phạt của bạn.
Hình phạt không phù hợp
Với mỗi một lứa tuổi, giới tính và hoàn cảnh khác nhau, hình phạt đưa ra cần phải thực sự thích hợp.
Với mỗi một lứa tuổi, giới tính và hoàn cảnh khác nhau, hình phạt đưa ra cần phải thực sự thích hợp. Bạn hãy hiểu hình phạt một khi đã đưa ra phải được thực hiện. Chính vì thế, nó cần vừa sức với khả năng của bé để có thể diễn ra mà không nguy hại cho sức khỏe lẫn tinh thần của trẻ.
Nên nhớ rằng, sau cùng của hình phạt chỉ là bạn muốn con ngoan hơn chứ không phải để chúng khiếp sợ và sống trong hoảng loạn.
Bố mẹ cũng phạm luật
Nếu bố mẹ không thể trở thành tấm gương tốt, mọi phương pháp giáo dục đúng đắn đến thế nào cũng trở nên công cốc.
Sau cùng mọi nguyên tắc giáo dục vẫn luôn xuất phát từ bố mẹ. Nếu bố mẹ không thể trở thành tấm gương tốt, mọi phương pháp giáo dục đúng đắn đến thế nào cũng trở nên công cốc. Việc trở thành một mẫu hình cho con cái noi theo sẽ đòi buộc bạn nhiều thay đổi nhưng điều đó cũng sẽ giúp bạn nghiệm ra được nhiều điều trong vai trò làm bố mẹ của mình.
Yeutre.vn (Tổng hợp)