1. Thay thế yến mạch cho gạo
Thay thế yến mạch cho gạo
Nhiều mẹ tin rằng, yến mạch giàu chất xơ, chất khoáng và vitamin hơn gạo nên thường xuyên nấu cháo yến mạch hoặc làm sữa yến mạch cho trẻ ăn. Tuy nhiên, thực tế, nhiều nghiên cứu dinh dưỡng chỉ ra rằng, gạo là dạng tinh bột đơn đầu tiên phù hợp với trẻ nhỏ, đặc biệt với trẻ em châu Á. Trong khi đó, yến mạch cũng chỉ là thực phẩm bổ sung tương tự như mì, bún và không thể thay thế hoàn toàn cho gạo.
Việc lạm dụng yến mạch cho trẻ ăn trong thời kỳ ăn dặm có thể dẫn tới rối loạn tiêu hóa ở trẻ. Mẹ chỉ nên cho trẻ ăn thêm yến mạch từ 1 - 2 lần/tuần để đổi khẩu vị cho trẻ ăn dặm. Có rất nhiều món ăn với bột yến mạch mẹ có thể chế biến như cháo, sữa chua yến mạch, sữa yến mạch...
2. Thường xuyên nấu cháo với nước hầm xương
Theo quan niệm xưa, trẻ muốn béo tốt, chắc xương thì phải cho trẻ ăn nước hầm xương thường xuyên vì có nhiều canxi, chất béo giúp trẻ tăng cân nhanh. Tuy nhiên, thực tế, theo các chuyên gia dinh dưỡng đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm có thể dẫn tới suy dinh dưỡng, còi xương ở trẻ. Thậm chí nhiều mẹ lạm dụng cho con ăn nước hầm xương mà bỏ qua những thực phẩm giàu dinh dưỡng khác.
Cũng theo các chuyên gia, xương hầm chủ yếu giàu chất béo, đây là chất béo khó hòa tan có thể gây ra tình trạng đau bụng, trướng bụng ở trẻ. Về canxi, canxi trong xương không tan được trong nước nên trẻ ăn nước hầm xương cũng không hấp thụ được canxi.
Vì vậy, việc cho trẻ ăn nước hầm xương thường xuyên chẳng có lợi như mẹ nghĩ mà còn hại cho trẻ. Mẹ chỉ nên hầm 1 - 2 lần cho con ăn để đổi khẩu vị, kích thích vị giác trẻ mà thôi. Điều quan trọng là mẹ vẫn phải cho trẻ ăn thịt thay vì nước.
3. Cho trẻ ăn nhiều bữa/ngày
Trẻ ăn nhiều bữa trong ngày cũng không tốt cho sự phát triển
Rất nhiều mẹ cho rằng, nên cho trẻ ăn nhiều bữa bột/ngày để giúp con mau lớn, xương và cơ cứng chắc, khỏe mạnh hơn bạn bè cùng trang lứa. Tuy nhiên, thực tế việc cho con ăn quá nhiều bữa trong ngày khiến trẻ cảm thấy sợ hãi việc ăn uống, không có cảm giác đói, không có cảm giác thèm ăn, đánh mất vị giác và có thể gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa, đầy bụng.
Từ rối loạn tiêu hóa sẽ dẫn tới biếng ăn, còi xương, suy dinh dưỡng và nhiều hệ lụy khác mẹ không thể lường trước được.
4. Thay đổi thức ăn liên tục cho trẻ
Nhiều mẹ có chung suy nghĩ, cần phải thay đổi thực đơn và thực phẩm liên tục để kích thích vị giác của con và con có thể ăn được nhiều món mới. Tuy nhiên thực tế, hệ tiêu hóa của trẻ còn rất non yếu, con chưa thể thích nghi ngay với nhiều thức ăn mới. Thông thường, mẹ nên cho con ăn 1 loại thức ăn từ 2 - 3 ngày để hệ tiêu hóa làm quen và xem con có bị dị ứng hay không. Mẹ không cần nóng vội thay đổi thực đơn cho trẻ vì điều này chỉ làm cho hệ tiêu hóa bị quá tải mà thôi.
5. Cho trẻ ăn một nồi cháo cả ngày
Đây là thói quen của nhiều bà mẹ có quỹ thời gian hạn hẹp. Tuy nhiên, chính điều này đã gây ra chứng biếng ăn, suy dinh dưỡng ở trẻ.
Nồi cháo nấu cả ngày, nếu hâm nóng lại nhiều lần sẽ khiến các chất dinh dưỡng từ thực phẩm biến mất và không còn ngon miệng, trẻ cũng không muốn ăn. Do đó, dù bận rộn thế nào, các mẹ hãy chỉ nấu một nồi cháo trắng ăn cả ngày, còn thực phẩm thì nên cho trẻ ăn bữa nào chế biến bữa đó.
6. Nếm gia vị khi con chưa tròn 9 tháng
Gia vị như mắm, muối, bột ngọt sẽ kích thích vị giác và khiến trẻ thèm ăn hơn. Tuy nhiên, nó lại là thủ phạm khiến trẻ dễ bị rối loạn vị giác hoặc chỉ ăn được khi có gia vị đó. Chưa kể, khi trẻ còn quá nhỏ, nêm muối có thể khiến thận bị quá tải và gây bệnh về thận.
Tốt nhất, mẹ chỉ nên nêm gia vị khi con từ 9 tháng trở lên. Và gia vị được khuyến khích sử dụng là nước mắm, hạn chế sử dụng đường, muối, bột ngọt càng lâu càng tốt.
Yeutre.vn (Tổng hợp)