1. Thường xuyên ngoáy tai cho trẻ
Ít mẹ biết rằng, ráy tai có nhiệm vụ giữ lại bụi bặm và ngăn cản vi khuẩn xâm nhập vào trong tai. Vì vậy, nhiều mẹ hễ thấy con nhiều ráy tai là lại ngoáy tai cho trẻ để làm sạch tai. Điều này vô tình khiến tai mất đi khả năng phòng chống vi khuẩn và bụi bẩn bên ngoài.
Theo các bác sĩ, các mẹ chỉ cần 1 tuần/lần ngoáy tai cho trẻ là đủ. Việc ngoáy tai cũng cần nhẹ nhàng và chỉ lấy đi bụi bẩn mẹ có thể nhìn thấy bên ngoài, không cố gắng ngoáy sâu vào tai vì có thể gây viêm tai, trây xước ống tai.
Cũng theo các bác sĩ, 90% trẻ nhỏ không cần ngoáy tai, mẹ chỉ cần làm sạch tai phần bên ngoài sau khi tắm cho trẻ là được.
2. Ngoáy/hút mũi
Không chỉ riêng tai, khi thấy mũi có dấu hiệu bẩn, nhiều mẹ dùng tăm bông ngoáy mũi trẻ để đưa các chất cặn bẩn ra ngoài. Điều này vô tình có thể khiến mũi trẻ bị sưng đỏ, chưa kể, việc làm sạch mũi vô tình khiến lông mũi bị rụng và mất chức năng cản trở vi khuẩn.
Ngoài ra, khi trẻ bị chảy nước mũi, các mẹ còn thường xuyên hút mũi, nhỏ nước muối sinh lý để làm sạch mũi. Cách làm sai lầm này sẽ khiến con có nguy cơ nhảy mũi nhiều hơn, viêm mũi, khô mũi và dễ dàng bị vi khuẩn tấn công.
3. Cạo trọc đầu trẻ
Cách cắt tóc này thường được áp dụng với các bé trai. Kiểu tóc này có thể khiến bé dễ bị bệnh do mất đi lớp tóc bảo vệ da đầu.
Theo các chuyên gia, tóc có tác dụng cân bằng độ nhiệt trên đầu và ngăn ngừa da đầu tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, vi khuẩn, nấm... Việc cắt tóc quá ngắn hay cạo trọc đầu chính là "tiếp tay" cho việc bé dễ dàng bị ốm.
4. Rơ lưỡi
Chúng ta luôn nghĩ rằng, lớp váng trắng ở trên lưỡi là "dơ" và buộc phải rơ sạch cho trẻ. Tuy nhiên, ít mẹ biết rằng, lớp trắng trên lưỡi trẻ chính là các gai vị giác, khi rơ lưỡi quá mạnh sẽ làm tổn thương các gai vị giác khiến bé mất đi cảm giác ăn uống dẫn tới lười ăn. Chưa kể, rơ lưỡi thường xuyên có thể khiến trẻ bị trầy xước lưỡi.
Theo các bác sĩ, đối với trẻ bú mẹ hoàn toàn dưới 6 tháng không cần rơ lưỡi, trẻ trên 6 tháng ăn dặm, sau khi ăn xong cần uống nước và có thể rơ lưỡi tuần 1 lần hoặc không. Mẹ nên sử dụng gạc rơ lưỡi, nhúng vào nước ấm để rơ cho con.
5. Sử dụng dầu gió cho trẻ dưới 2 tuổi
Thói quen của nhiều mẹ là sử dụng dầu gió như "thần dược" chống cúm, cảm. Ngay cả trẻ dưới 2 tuổi cũng được sử dụng dầu gió. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, dầu gió làm tăng bài tiết mồ hôi, khiến thân nhiệt hạ thấp, nếu dùng cho trẻ đang bị sốt cao có thể khiến chênh lệch nhiệt độ cơ thể đột ngột, nguy cơ gây co giật cao.
Chưa kể, trong dầu gió có chứa tinh dầu bạc hà gây ức chế tuần hoàn và hô hấp nên dẫn tới ngừng tim và thở. Vì vậy việc sử dụng dầu gió cho trẻ dưới 2 tuổi cần có chỉ định của bác sĩ, với trẻ lớn hơn cha mẹ cũng không được lạm dụng dầu gió vì có thể gây nguy hiểm cho trẻ.
6. Sử dụng thực phẩm vô tội vạ
Ăn uống đóng góp một phần không nhỏ trong việc bảo vệ sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, cuộc sống bận rộn khiến cha mẹ chưa dành nhiều thời gian chăm sóc con trong việc ăn uống lành mạnh. Nhiều mẹ vẫn cho con ăn uống vô tội vạ như uống nước ngọt, ăn bim bim, xúc xích, gà chiên, bánh kẹo ngọt, ăn nhiều các chế phẩm từ sữa như sữa chua, váng sữa, phô mai, uống sữa; hay cha mẹ còn cho con ăn cơm hàng ngoài chợ thay vì nấu cho con...
Việc ăn uống vô tội vạ, ăn nhiều loại như trên tưởng đủ chất, đủ dinh dưỡng mà lại khiến con thêm bệnh vào người.
Yeutre.vn (Tổng hợp)