Dưới đây là 5 thói quen thường thấy nhưng không hề đúng trong việc nuôi dạy trẻ của các gia đình Việt bạn hãy tránh nhé.
1. Bảo vệ trẻ mọi lúc mọi nơi
Nhận định trẻ quá yếu ớt, các bậc phụ huynh, ông bà thường bảo hộ cho bé mọi lúc mọi nơi. Điều này vô tình dẫn đến sự suy yếu khả năng trực giác của trẻ.
Hình ảnh dễ thấy nhất là khi trẻ ngồi trên một chiếc ghế không có thành tựa, người trông nom sẽ đặt tay sau lưng trẻ liên tục để trẻ không bị ngã. Và khi bé đã quen với việc được đỡ sẽ không tự nhận ra được nguy hiểm. Điều này dễ dẫn đến bé sẽ té ngã ở những vị trí nguy hiểm khác trong những lúc bạn bất cẩn không đỡ lưng bé.
Điều này nên được khắc phục bằng cách cho bé ngồi ở ghế không có thành dựa nhưng có một khoảng cách an toàn để bé không bị ngã nhưng vẫn nhận ra được rằng ghế không có điểm tựa. Lúc này cơ thể bé sẽ tự hiểu và biết cách giữ an toàn cho chính mình.
Tương tự trong nhiều tình huống khác bạn cũng đừng nên bảo bọc bé quá nhiều nhé.
2. Quấn trẻ trong hàng tá quần áo, khăn xô
Những em bé mới chào đời thường xuất hiện với hình ảnh bị cuộn trong một lớp rất dày vừa quần áo vừa khăn vừa mền. Điều này xuất phát từ quan niệm của người xưa cho rằng trẻ cần được giữ ấm và tránh gió. Khoa học đã chứng minh điều này không đúng chút nào.
Mặc dù trẻ sơ sinh yếu ớt hơn người lớn nhưng bạn cần bao nhiêu quần áo thì bé cũng cần chừng đó vì bé đã có khả năng thích nghi rất tốt với môi trường. Ngoài ra, nếu bé bị quấn quá nóng còn dễ dẫn đến đau ốm hơn đấy. Hầu hết khi ăn mặc quá kín, không thoát được mồ hôi các bé đều bị ho, chảy nước mũi, hắt hơi hay thậm chí là viêm phổi.
3. Ép trẻ ăn… thêm
Trẻ còn quá nhỏ chưa bày tỏ được ý kiến của mình, còn tâm lý của các mẹ là bé ăn càng nhiều càng tốt nên dẫn đến tâm lý các mẹ lúc nào cũng thấy trẻ ăn chưa đủ và ép ăn thêm. Thường thấy như mẹ ép bé bú thêm chút nữa, ăn thêm thìa cháo hay tráng miệng bằng chút trái cây,…
Sự thật là trẻ cần ăn uống điều độ, có thời gian nghỉ ngơi cho dạ dày tiêu hóa thức ăn. Một đứa trẻ bị đói khi ăn cách nhau trong 2-3 giờ vẫn tốt hơn cảm giác không biết đói, không thèm thuồng thức ăn mẹ nhé.
4. “Xuất hiện” tối đa trong tầm mắt trẻ
Dường như các bậc phụ huynh đều có khuynh hướng “tham gia” với mọi hoạt động của trẻ. Thực tế là nhiều kỹ năng cũng như nhận thức của trẻ được phát triển khi bé được tập trung khám phá một mình. Xu hướng “làm hộ” trẻ bất cứ điều gì trẻ đang làm cũng khiến trẻ hạn chế sự phát triển của mình cũng như thật sự “làm phiền” trẻ.
Vì vậy, bạn hãy quan sát bé và chỉ hỗ trợ khi bé cần.
5. Mắng trẻ ở nơi đông người
Cha mẹ thường có thói quen dạy bảo trẻ ở bất cứ nơi đâu vì nghĩ trẻ chỉ là trẻ con, không cần phải để ý nhiều. Nhưng thực tế việc này sẽ là một con dao hai lưỡi cực kỳ nguy hiểm. Cùng với việc cảm thấy bị trách mắng bé còn có thể cảm thấy tổn thương, xấu hổ hay tủi thân khi cha mẹ la mắng trẻ ở trước mặt người khác. Lúc này việc răn dạy con có thể phản tác dụng đấy.
Trên là những thói quen không hề tích cực chút nào. Nếu bạn đang mắc phải những thói quen này trong cách nuôi dạy trẻ thì hãy thay đổi ngay bạn nhé.
Yeutre.vn (Tổng hợp)