Dù chỉ với những thành phần, nguyên liệu đơn giản, các món ăn dưới đây vẫn luôn được yêu thích mỗi độ xuân về và xem như biểu tượng ngày Tết.
Bánh tét, bánh chưng
Bánh tét khác bánh chưng ở chỗ dùng lá dong gói thay vì lá chuối. Ảnh:cukieuviet.com
Trong khi người miền Bắc có bánh chưng thì miền Nam lại chuộng bánh tét. Cả hai loại bánh này tương đồng về nguyên liệu và cách nấu, chỉ khác hình dáng và lá gói (bánh tét dùng lá chuối thay vì lá dong).
Theo tục lệ xưa của người Việt Nam, Tết là những ngày nghỉ ngơi trọn vẹn, không sử dụng bếp núc nên hai loại bánh này có thể để được lâu và ăn dần. Bánh tét thường có nhân mặn với thịt mỡ, đậu xanh (giống bánh chưng) nhưng cũng có loại nhân chuối hoặc đậu đen.
Hành muối
Hành muối được xem là thứ gia vị không thể thiếu trong những ngày Tết. Ảnh:Eva.vn
Chỉ những ngày giáp Tết, hành muối mới xuất hiện và bày bán khắp các khu chợ, siêu thị. Nhiều người thường đùa vui rằng dịp này ăn hành muối mới ngon và sẵn sàng xếp hàng cả buổi để mua ở quán quen.
Nguyên liệu làm món này cũng rất đơn giản, gồm củ hành ta đã được phơi khô, chưa bóc vỏ ngoài. Mỗi củ nhỏ bằng đầu ngón tay người lớn. Trong mâm cơm truuyền thống ngày Tết, hành muối là món không thể thiếu và ngoài bánh chưng, nó còn được ăn cùng giò thủ để chống ngấy.
Giò thủ
Giò thủ có thể để nhiều ngày mà ăn vẫn ngon. Ảnh: Báo Phụ Nữ
Nhiều năm gần đây, các loại giò rất được ưa chuộng làm quà biếu mỗi dịp xuân về. Trong số này, giò thủ (hay còn gọi là giò xào) phổ biến hơn cả và có nguồn gốc từ miền Bắc với thành phần chính là thịt tai, mũi heo xào chín, nén chặt bằng khuôn. Món này có thể để nhiều ngày mà ăn vẫn ngon, cách tốt nhất là bảo quản trong tủ lạnh.
Bạn có thể tự làm món này tại nhà với các nguyên liệu và dụng cụ trên. Riêng khuôn làm giò dễ mua trong các khu chợ hoặc phố Hàng Thiếc (nếu ở Hà Nội). Do cách làm đơn giản và ý nghĩa ngày Tết, món này cũng được bày bán trong các khu chợ người Việt ở nước ngoài.
Gà luộc, canh măng
Gà luộc ngày Tết còn có ý nghĩa "cát tường", tức là như ý, cầu được ước thấy. Ảnh:Khỏe&Đẹp
Đêm giao thừa, nhà nào cũng chuẩn bị một con gà luộc để thắp hương, riêng phần nước đem nấu cùng măng và ăn dần. Dù không phải món ăn cao cấp hay hiếm có khó tìm, tới mỗi dịp Tết, gà luộc và canh măng vẫn mang dấu ấn đặc biệt với mỗi người dân.
Để được chọn dâng lên bàn thờ, gà phải là con trống, mang ý nghĩa đề cao những đức tính nhân, nghĩa, dũng, trí, tín. Đây cũng là biểu tượng “cát tường” (có nghĩa như ý, cầu được ước thấy) mỗi dịp xuân sang. Không chỉ vậy, mào gà nên có màu đỏ tươi, nhú cao đều nhau, lông mượt, nhanh nhẹn, da căng, ức đầy, chân nhỏ, hoàn hảo nhất là trọng lượng 1,5 kg.
Nem rán
Trong miền Nam, nem rán còn có tên chả giò. Ảnh: Menungon
Món ăn không thể thiếu trong các mâm cỗ cúng phải kể đến nem rán. Loại truyền thống và phổ biến nhất là nhân thịt nạc băm, miến, nấm hương, giá đỗ, trứng. Tất cả trộn đều, sau đó gói trong lá nem thành từng chiếc tròn trịa, cuối cùng là chiên ngập dầu. Món này còn có thể điều chỉnh một số nguyên liệu để tăng thêm hương vị như thay giá đỗ bằng khoai tây hay bổ sung thêm cà rốt, tôm và cua bể.
Ở miền Trung, nem rán còn có tên chả cuốn, riêng Thanh Hóa gọi là chả. Còn tại miền Nam, món này được gọi là chả giò hoặc nem Sài Gòn (theo cách nói của người miền Bắc).
Các loại hạt, mứt
Không chỉ là nét văn hóa ngày Tết, mứt gừng còn có công dụng chống cảm lạnh giữa lúc giao mùa. Ảnh: Coviet.vn
Thăm nhà nhau ngày Tết, bên chén nước trà, không thể thiếu các loại hạt như dưa, bí, điều và mứt quả, ô mai. Những ngày giáp Tết, các con phố cổ Hà Nội, trong đó có Hàng Đường, lại nhộn nhịp kẻ bán, người mua các loại mứt. Nhiều người lớn tuổi nơi đây còn kể lại rằng trước kia, khi tới con phố này, mùi thơm của hoa quả được sên trong đường đã tỏa ra ngào ngạt. Các hộ gia đình nơi đây chủ yếu làm mứt bằng cách thủ công, truyền thống.
Ngoài vai trò như một biểu tượng văn hóa dịp Tết, các loại mứt còn nhiều công dụng khác liên quan tới sức khỏe. Chẳng hạn, mứt gừng giúp chống cảm lạnh, mứt quất chữa ho trong khi mứt bí, dừa làm nhuận tràng.
Theo VNE