Mỗi tuần hãy dành cho trẻ ít nhất 2 lần chơi các môn thể thao thích hợp với độ tuổi và sức khỏe của trẻ, nhờ vậy trẻ sẽ khỏe mạnh và khôn lớn mỗi ngày.
1. Xây dựng tinh thần đoàn kết
Có rất nhiều môn thể thao nâng cao tinh thần đoàn kết ở trẻ như đá bóng, bóng chuyền, bóng rổ, cầu lông... mẹ có thể cho trẻ tham gia bất kỳ môn thể thao mà trẻ thích. Trong quá trình chơi chung sẽ có nhiều tình huống xảy ra buộc cả đội phải thực sự ăn ý, đoàn kết mới giành chiến thắng được.
Những môn thể thao này sẽ dạy trẻ bài học lớn về tinh thần đồng đội.
2. Trẻ học được tính kiên trì, quyết tâm
Có thể trẻ sẽ than rằng: Con tập cả tháng rồi mà vẫn không thể chơi tiếp được. Thay vì nói rằng năng lực của con có hạn và con chỉ có thể chơi được ở mức đó thôi, cha mẹ hãy động viên, khuyến khích trẻ thật nhiều vì tiềm năng ở mỗi đứa trẻ là vô hạn và có thể phát huy tối đa bất kỳ lúc nào.
Sự động viên của cha mẹ sẽ tạo thêm cho trẻ sự quyết tâm và vượt lên giới hạn của chính mình. Nhờ vậy, trẻ sẽ học được bài học kiên trì, nhẫn nại và luôn trong tâm thế quyết tâm.
3. Học cách xin lỗi
Trong bất kỳ môn thể thao đồng đội nào, việc va chạm là khó tránh khỏi và có thể gây chấn thương cho đối thủ hoặc cho chính mình. Nếu lỡ gây chấn thương cho đối thủ, trẻ cần học cách xin lỗi với tinh thần "fair play". Bài học này có giá trị lớn và nuôi dưỡng tinh thần cầu tiến, trung thực và dũng cảm ở trẻ.
4. Học cách tuân thủ quy tắc
Thể thao là một trong những môn học thực tiễn và lý thú nhưng cũng khá nhiều quy tắc. Mỗi môn thể thao lại có một quy tắc khác nhau và buộc người chơi phải tuân theo, có như vậy thì cuộc chơi mới diễn ra thuận lợi và thành công.
Chơi thể thao giúp trẻ hiểu được rằng bất kỳ điều gì trong cuộc sống cũng có quy tắc nhất định. Chúng ta muốn được mọi người tôn trọng, yêu quý thì cần phải tôn trọng quy tắc sống. Bài học này áp dụng trong thực tiễn khá nhiều, đặc biệt trong môi trường giáo dục, gia đình và xã hội.
5. Trẻ hòa đồng khiêm tốn hơn
Với những môn thể thao đồng đội, trẻ có thể chơi lâu cùng mọi người thì trẻ phải học cách hòa đồng và khiêm tốn khi chơi. Bởi nếu cái tôi quá lớn thì trẻ nhanh chóng bị loại khỏi cuộc chơi và khó có thể hòa đồng cùng mọi người.
Đức tính này sẽ theo trẻ lâu dài và đến khi trưởng thành, điều này giúp trẻ được nhiều người yêu mến, tôn trọng và vui vẻ hơn.
Yeutre.vn (Tổng hợp)