5 giờ chạy đua thời gian mổ bắt con rồi phẫu thuật tim cứu mẹ

Vừa trải qua ca mổ bắt con ở tuần thứ 31 của thai kỳ, trên bàn mổ gây mê sản phụ tiếp tục được các bác sĩ tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy phẫu thuật bóc tách động mạch chủ để có thể giữ lại mạng sống.

banner ads

Thai phụ 26 tuổi nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy vào ngày 5/6 trong tình trạng đau nhói ngực ở phía trước lan ra sau lưng, kèm theo vã mồ hôi, khó thở. Kết quả siêu âm tim phát hiện bệnh nhân bị phình gốc động mạch chủ khoảng 5 cm và bóc tách động mạch chủ ngực cấp tính, kèm theo hở van động mạch chủ. Siêu âm thai cho thấy thai nhi vẫn còn sống trong bụng mẹ.

Bác sĩ Nguyễn Thái An, Trưởng khoa Hồi sức Phẫu thuật tim bệnh viện Chợ Rẫy (Tp.HCM) cho biết, trong chuyên khoa tim mạch thì bóc tách động mạch chủ Stanford A, hội chứng Marfan là một cấp cứu khẩn cấp. Diễn tiến tự nhiên trong 48 giờ đầu tiên cứ trung bình một giờ sẽ có một người chết. Trường hợp này bệnh nhân lại có thai nên bài toán cứu sống cả mẹ lẫn con đặt cho các bác sĩ nhiều thử thách.

20938-dscn8141-jpg-5479-1433759249.jpg

Bệnh nhân đang được chăm sóc tại Khoa Hồi sức phẫu thuật tim, Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: H.Q

Sau khi hội chẩn khẩn cấp cùng các bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương, ê kíp thống nhất dùng thuốc giúp phổi em bé trưởng thành để thực hiện ca mổ bắt con. Thời gian dùng thuốc này mất khoảng 12-24 tiếng. Theo kế hoạch đã định sẵn, chiều thứ bảy vừa qua ngay sau ca mổ bắt em bé thực hiện thành công, các bác sĩ tim mạch tiến hành siêu âm tim sản phụ. Kết quả cho thấy bệnh diễn tiến nặng hơn, có dấu tràn dịch màng tim, phải tiến hành phẫu thuật ngay lập tức, không thể đợi thêm được nữa.

banner ads

"Bối cảnh căng thẳng vì bệnh nhân vừa mổ bắt con xong đã lại phải trải qua ca mổ thay toàn bộ gốc động mạch chủ để giữ lại tính mạng. Hội chứng Marfan nếu không được phẫu thuật khẩn cấp bệnh nhân có thể bị ngưng tim bất cứ lúc nào nhưng chúng tôi bắt buộc phải chờ đợi gần 24 tiếng để cứu cả em bé. Nếu mổ sớm thì em bé ở trong bụng mẹ sẽ khó cứu được", bác sĩ An chia sẻ.

Ca phẫu thuật thay gốc động mạch chủ, thay van động mạch chủ cho thai phụ đã thành công sau 5 giờ mổ. Đến chiều nay sản phụ đã tỉnh, có thể tự thở được, đang được theo dõi sức khỏe tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Bé trai nặng 1,9 kg sau khi chào đời được chuyển qua khoa Dưỡng nhi Bệnh viện Hùng Vương chăm sóc, hiện vẫn còn phải thở máy.

Theo bác sĩ Nguyễn Thái An, đây là ca bệnh nhân có thai bị bóc tách động mạch chủ đầu tiên tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ở Việt Nam đến nay vẫn chưa có báo cáo trường hợp nào. Y văn thế giới ghi nhận đến nay cũng chỉ mới 20 trường hợp tương tự.

Theo VNE

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI