22 bài tập tốt cho sức khỏe trẻ từ 0 - 6 tháng tuổi

Trẻ sơ sinh cần được tập thể dục càng sớm càng tốt, những bài thể dục sẽ giúp bé phát triển thể lực một cách tốt nhất. Theo đó trẻ từ 0 - 3 tháng và trẻ 3- 6 tháng sẽ có những bài tập khác nhau, phù hợp với sự phát triển của trẻ trong từng giai đoạn.

banner ads

Phần 1: 12 bài tập tăng thể lực cho bé từ 0 - 3 tháng tuổi

Trong ba tháng đầu tiên, hầu hết bé chỉ ăn và ngủ, thời gian để vận động rất ít, vì vậy cần tận dụng những lúc bé thức để giúp bé có những bài tập thể dục cơ bản. Với hầu hết các bài tập, bạn cần đặt bé trên một bề mặt sạch sẽ, mềm mại và phẳng phiu.

1. Đưa tay lên xuống

Đặt ngón cái của bạn vào lòng bàn tay của bé, những ngón tay khác của bạn đỡ lấy bàn tay bé. Cố gắng khuyến khích bé nắm chặt ngón cái của bạn. Di chuyển cánh tay của bé lên xuống dọc cơ thể, nhằm kích thích sự dẻo dai của đôi vai. Hãy thực hiện nhẹ nhàng, đừng bận tâm tới việc chế ngự sự kháng cự từ các cơ của bé.

2. Bắt chéo tay từ hai bên sang trước ngực

Di chuyển tay của bé dang ngang hai bên, sau đó bắt chéo trước ngực. Bài tập này giúp mở rộng vai và thúc đẩy phát triển nhóm cơ bắp ở ngực.

3. Di chuyển tay lên xuống luân phiên

Di chuyển tay của bé lên xuống xen kẽ đổi bên: di chuyển một tay lên trong khi một tay khác hướng xuống. Những kiểu vận động phức tạp kích thích sự phát triển các tế bào não trong việc phối hợp vận động.

4. Xoay cánh tay

Giữ chặt hai bàn tay bé và xoay qua vai tạo thành vòng tròn lớn mỗi bên. Đổi chiều vòng tròn vận động cánh tay để giúp phát triển khả năng di chuyển của đôi vai.

5. Co duỗi chân

Nắm hai chân bé phía gần đầu gối và đẩy ngược về phía bụng của bé, ấn nhẹ rồi kéo để chân bé duỗi dài ra, giúp thúc đẩy sự vận động của xương chậu và hỗ trợ giảm thiểu hiệu quả chứng táo bón.

6. Co duỗi chân từng bên

Nắm hai chân bé phía gần đầu gối và di chuyển lên xuống về phía bụng của bé. Làm lần lượt, trong khi chân này đẩy lên hướng bụng bé thì chân còn lại được kéo thẳng ra. Bài tập giúp tăng cường khả năng vận động của khớp háng và hỗ trợ cho vùng xương chậu ổn định.

7. Mở rộng hông sang hai bên

Giữ hai chân bé, tạo chuyển động tròn từ bụng hướng sang hai bên và xuống dưới, giúp kích thích sự đàn hồi của cơ chân và sự phát triển của các cơ đùi trong.

8. Chân chạm tai

Nắm hai chân bé và đẩy lên kéo ngược về phía đầu, cùng bé chơi trò lòng bàn chân chạm tai, má và đầu. Bài tập này tác động tốt đến khả năng vận động của xương hông và kích thích phát triển nhóm cơ hông.

9. Bài tập hỗ trợ kỹ năng lật

Giữ một tay bé và di chuyển nhẹ nhàng về phía đối diện. Khuyến khích bé tự dịch chuyển cơ thể mình về hướng chuyển động. Lưu ý không kéo tay bé quá mạnh để ép bé di chuyển nếu bé chưa đủ mạnh để tự kích hoạt nhóm cơ này. Nếu cần thiết thì giữ cho đầu bé quay theo hướng này. Luân phiên thay đổi bên. Đây là sự chuẩn bị rất tốt cho kỹ năng lật của bé.

10. Lật và nằm sấp bụng

Nằm sấp sớm rất quan trọng vì nó khuyến khích bé phát triển kỹ năng vận động cũng như phát triển các cơ trên cơ thể. Khi nằm sấp, theo bản năng bé sẽ nhấc đầu (giúp phát triển cơ cổ), nâng cánh tay (giúp phát triển cơ tay và cơ ngực) và trườn chân trên mặt sàn (giúp phát triển cơ chân và cơ hông). Có thể đặt một mẫu đồ chơi trước mặt để kích thích bé xoay cổ, từ từ di chuyển sang trái và phải. Khi bé xoay đầu nhìn theo sẽ giúp thúc đẩy cơ cổ hoạt động. Nếu làm đều đặn hàng ngày còn giúp phát triển phần lưng của bé. L ưu ý: Em bé càng nhỏ khi lật nằm sấp sẽ có một bên cánh tay bị kẹt dưới bụng. Đừng vội giúp bé gỡ nó ra. Hãy để bé cố gắng tự giải quyết. Hãy khuyến khích bé trải nghiệm tính độc lập.

11. Tư thế máy bay

Khi đủ mạnh để ngẩng cao đầu trong lúc nằm sấp, bé của bạn đã có thể “bay”. Ôm người bé bằng hai tay ngay dưới phần nách, lưu ý giữ chặt phần thân của bé chứ không phải nắm hai cánh tay, vì bé sẽ dễ bị tổn hại khớp vai. Bạn hãy nâng người bé lên và giữ bé ở tư thế nằm ngang, khi đó bé sẽ tự động nhấc đầu và chân thẳng lên. Bài tập này cực kỳ tốt, giúp bé phát triển toàn bộ chuỗi cơ lưng khỏe và dẻo dai. Bạn có thể xoay và đưa bé nhẹ nhàng theo nhiều hướng, giúp rèn luyện nhiều nhóm cơ khác nhau và giúp phát triển khả năng định hướng không gian .

12. Bài tập thăng bằng với bóng

Đặt bé nằm sấp trên một quả bóng sạch. Giữ bóng và em bé vừa đủ để có thể điều khiển bóng di chuyển nhẹ nhàng và an toàn cho bé, không giữ bé quá chặt vì sẽ khó làm cho bé tự di chuyển trên bóng. Bạn có thể lăn quả bóng theo nhiều hướng, khi đó bạn sẽ thấy bé bắt đầu có những phản ứng đối với vật thể không phải là mặt phẳng. Bé sẽ cố gắng tự điều chỉnh cơ thể và bám chắc để khỏi té, hoạt động này giúp kết nối các thần kinh cơ bắp và còn có ý nghĩa rất lớn đối với kỹ năng phản xạ với tình huống kém an toàn. Lưu ý: Không phải tất cả trẻ sơ sinh đều được sinh ra với khả năng giống nhau, vì vậy mức độ áp dụng và khả năng thực hành các bài tập này khác nhau ở từng bé. Hãy quan sát và áp dụng những bài tập nào làm bé thấy vui.

Phần 2: 10 bài tập thể dục cho bé từ 3 - 6 tháng tuổi

Cơ thể bé ba tháng tuổi đã chắc hơn, bé bắt đầu có ý thức hơn về xung quanh, hệ thần kinh cơ của bé đã phát triển đủ để phản ứng với các kích thích bằng việc co cơ hoặc đẩy cơ.

Trẻ sơ sinh nắm tay theo bản năng nếu có đồ vật trong tay. Nếu được luyện tập, khả năng nắm chặt tay sẽ mạnh lên. Lúc này, bé có thể được kích thích để kích hoạt nhóm cơ bên trong. Những tác động phù hợp cho đôi chân của bé cũng sẽ gây phản ứng của các cơ.

1. Nhấn bóng

Đặt bé nằm thẳng lưng trên một mặt phẳng mềm mại và sạch. Lấy một quả bóng mềm lớn (đường kính khoảng 30cm), đưa bóng từ từ qua lại trên ngực bé. Thu hút bé để bé lấy bóng bằng cả hai tay. Lúc này hãy nhấn bóng xuống nhẹ nhàng và đợi bé đẩy ngược lại. Chơi đùa như thể bạn đang phải vật lộn với bé. Bài tập này giúp kích hoạt cơ ngực và là bước chuẩn bị tốt cho việc tập bò.

2. Đẩy ngực

Đặt bé nằm ngửa, để bé giữ ngón tay bạn, nhấn nhẹ nhàng tay bé xuống ngực, nhằm tạo nên sự kháng cự. Khi đã chế ngự được sự kháng cự của bé, hãy đưa tay bé trở lại theo chiều dọc cơ thể và lặp lại động tác. Không nản lòng nếu bé không kháng cự. Cố gắng thử nhiều lần và chuyển sang bài tập tiếp theo.

3. Lật sấp và ngửa bụng

Ở tuổi này bé có thể lật một bên bụng của mình. Việc lật ngửa trở lại đôi khi khó khăn nếu một tay của bé bị kẹt lại. Dạy bé cách đặt tay và chân để quay trở lại tư thế nằm ngửa. Đặc biệt chú ý hỗ trợ đầu của bé khi lật.

4. Tập nâng người ngồi dậy

Đây là bài tập rất quan trọng, kích thích phát triển cơ lưng của bé. Đặt ngón tay của bạn trong lòng bàn tay của bé để bé chụp lấy. Để an toàn, cần đảm bảo rằng bạn phải nắm tay bé nhẹ nhàng nhưng chắc chắn từ phía sau. Kế tiếp, kéo nhẹ nhàng cả hai tay lên trên. Bé sẽ phản ứng với toàn bộ kích hoạt trên cơ thể, thể hiện qua độ cứng cơ thể và việc bé ngẩng đầu. Nâng bé từ từ lên vài cm và đặt xuống. Không kéo bé lên quá mạnh nếu cơ bắp không phản ứng. Khuyến khích bé tự đẩy mình lên. Đảm bảo sự an toàn cho bé bằng cách đặt thêm gối hoặc nệm mềm khi bé trượt ra.

5. Tập ngồi

Khi bé có những phản ứng rõ rệt với các hoạt động ở phần trên cơ thể, hãy để bé tiếp tục vận động khi bạn kéo bé nhẹ nhàng cho đến khi bé ngồi dậy. Thực hiện từ từ và chú ý nâng chân của bé. Tạm dừng giữa chừng vài giây, giữ bé ở vị trí chéo (ngồi hình chữ V). Bài tập này giúp tăng cường cơ bụng của bé.

6. Bài tập chống đẩy

Lật bé nằm sấp, lướt một tay dưới ngực bé, tay kia kẹp giữa hai chân bé. Bé sẽ cố gắng đẩy cơ thể lên. Dùng tay kẹp giữa hai chân bé để nhấc mông bé lên. Giữ một tay dưới ngực bé để ngăn bé bị rớt ra ngoài, nhưng không nâng bé bằng tay này. Khi bé chắc hơn và tự tin hơn ở vị trí này, cố gắng di chuyển bé chậm lại, duy trì trọng lượng phần trên cơ thể bé dồn vào tay bé. Đây là bài tập phát triển sức mạnh rất hiệu quả dựa vào phần ngực và cánh tay. Nó sẽ giúp ích cho bé khi tập bò.

7. Bài tập đẩy chân

Chân bé bắt đầu mạnh hơn. Lúc này bé bắt đầu phản ứng lại bằng cách đá và kháng cự những lực tác động lên chân. Đặt chân bé lên một nền bằng phẳng, để tay của bạn lên chân bé và ngăn sự di chuyển, đẩy nhẹ tay bạn xuống để bé buộc phải bẻ cong chân mình. Bé có thể bắt đầu đá chân xuống và đẩy chân lên cao trước mặt. Bé sẽ đá mạnh hơn nên nếu bạn đặt bé lên tay và hạ thấp gần với sàn nhà sao cho chân bé cong chạm sàn. Bé sẽ đẩy người lên phía trước. Bài tập này phát triển sức mạnh cho chân bé, rất cần thiết cho khả năng đi của bé.

8. Tập ngồi xổm

Khi bé có thể ngồi, bạn chuyển sang kích thích giúp bé chuyển động để đứng lên. Để bé chụp lấy tay bạn và đẩy chậm lên. Bạn sẽ thấy các cơ của bé hoạt động và bé sẽ ráng đứng dậy đẩy người lên bằng việc kéo đẩy chân lên. Đảm bảo an toàn bằng cách hỗ trợ nắm chặt tay bé từ phía sau. Để bé nhẹ nhàng ngồi xuống và lặp lại bài tập. Đừng kéo bé quá mạnh nếu các cơ của bé chưa sẵn sàng và cơ thể bé vẫn khó duy trì trạng thái ổn định. Bài tập này giúp săn chắc và tăng cường cơ chân và hông.

9. Bài tập kích thích bò trườn

Khi nằm sấp, bé sẽ được kích thích trườn lên với đồ chơi phía trước mặt gây sự chú ý. Đặt đồ vật trong tầm nhìn nhưng đủ xa tầm với của bé, thường khoảng 50-70cm.

10. Bay, lắc lư, xoay người

Khi em bé đủ khỏe để giữ đầu và phần còn lại của cơ thể, bạn có thể tập nhiều động tác bay, lắc, quay người lên xuống giúp bé phát triển định hướng không gian và giúp các cơ săn chắc hơn. Chẳng hạn, đặt bé trên đùi, đầu bé hướng về bạn, nắm chặt bắp đùi của bé, nâng bé lên, đầu thấp xuống dưới. Bạn nên hôn đùa với bé trong vài giây và nhẹ nhàng chuyển bé lại vị trí ban đầu trên đùi bạn. Đừng nâng bé lên mà không cảm nhận được hoạt động của các cơ vì sẽ gây nguy hiểm cho bé. Lưu ý: Nếu bạn thực hiện các bài tập thể dục cho bé từ khi mới sinh trong cùng một nơi mỗi ngày, dần dần trẻ sẽ trở nên quen thuộc với sàn nhà, giường, hoặc khăn. Do đó, từ tháng thứ ba, khi được đặt ở vị trí đó, trẻ sẽ cho bạn thấy sự sẵn sàng và mỉm cười. Nếu bật nhạc, bạn sẽ cho trẻ cơ hội kết hợp thú vị giữa âm nhạc và việc tập thể dục.

Tư vấn: Mariusz Steckiewicz - Huấn luyện viên trưởng của phòng tập Body ShapeNguồn PN

Đã có 22 người đánh giá Hữu Ích

Đã có 6 người đánh giá bài viết này Đáng Tin Cậy

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI