1.001 chuyện ở phòng sinh

Kỳ 1: Nước ối - Môi trường hoạt động của bào thai

banner ads

Thể tích nước ối thay đổi từ 50ml khi thai nhi được bốn-tám tuần tuổi đến 1.000ml khi thai được 38 tuần. Sau đó, thể tích nước ối giảm dần và còn khoảng 600-800ml vào tuần thứ 40 của thai kỳ. Nước ối tạo môi trường cho thai phát triển hài hòa và chỉnh ngôi thai trong những tháng cuối thai kỳ. Trong lúc chuyển dạ, ngoài nhiệm vụ bảo vệ thai nhi khỏi “bị thương” bởi cơn gò tử cung, khi đi qua “ngõ hẹp”, nước ối còn có tác dụng “bôi trơn” và làm sạch “con đường” thai nhi phải vượt qua để chào đời.

23929-hinh-2.jpg

Làm mẹ là 1 hạnh phúc

1. Nước ối không xa lạ gì với những người có chuyên môn, nhưng với những thai phụ sinh con so thì lại khác. Kinh nghiệm bị rỉ ối sớm đã được một người mẹ kể lại: “Còn nửa tháng nữa thì đến ngày dự sinh nhưng tối hôm trước tôi bị cảm. Sau những cơn ho, bụng tôi gồng cứng và có nước rỉ ra. Tôi không biết là mình bị rỉ ối nên âm thầm chịu đựng, chỉ nghĩ đây là nước tiểu hay dịch gì đó trong cơ thể chảy ra mà thôi. Sáng ra, thấy tôi mệt mỏi, mẹ chồng hỏi mới biết là tôi đã thay mấy tấm băng vệ sinh, nên vội vã đưa tôi vào bệnh viện. Tuy rỉ ối nhưng cửa tử cung không mở nên tôi phải truyền thuốc và nằm chờ. Ối tiếp tục rỉ ngày càng nhiều khiến tôi hoảng hốt. Khi tử cung mở đủ, nữ hộ sinh đưa tôi vào phòng sinh.

Trong khi tôi khó khăn vật vã thì giường bên cạnh, có một chị sinh con rạ. Tôi thấy rất rõ nước ối vỡ tự nhiên, ào ra; chỉ cần đến hơi thứ hai của sản phụ là em bé “sổ lồng”, nữ hộ sinh đỡ lấy cháu bé, cắt dây rốn, cuộc sinh nhẹ nhàng vô cùng. Nhưng tôi thì không. Dù đã lên bàn sinh, tôi vẫn không có dấu hiệu gì là thai sắp ra hoặc có những cơn gò như lớp học “đẻ không đau” dạy. Tôi cũng cố gắng hít - thở đều, rặn, nhưng bụng tôi không hề chuyển động, nước ối thì vẫn rỉ. Thấy quá lâu, nữ hộ sinh mời bác sĩ đến chẩn đoán, vị này phán đoán “sa dây rốn, nghe tim thai gấp”. Không còn nghe tiếng tim con đập thùm thụp như những lần đi siêu âm, tôi cố ngóc đầu dậy nhìn vào bụng mình.

Lúc này, tôi nghe bác sĩ hạ lệnh “mổ cấp cứu”. Mọi việc diễn ra nhanh chóng, thay quần áo, làm vệ sinh vùng kín… Các cô hộ sinh hộc tốc đẩy băng ca chạy nhanh đến phòng mổ. Vào phòng mổ, tôi phải trả lời những câu mà tôi cho là ngớ ngẩn như: Nhà chị ở đâu? Chị làm nghề gì?... Sau này, khi nằm trong phòng hồi sức, tôi mới biết những câu hỏi đó nhằm xác định khi nào tôi ngấm thuốc mê. Nhờ cấp cứu kịp thời nên mẹ tròn con vuông. Nếu chậm trễ, chắc chắn tôi không được ôm đứa con trai vào lòng”.

Nước ối tụt là trường hợp nhiều lúc cũng phải mổ cấp cứu. Một bà mẹ cho biết: “Gần đến ngày dự sinh sức khỏe tôi bình thường. Tôi đi khám thai bình thường nhưng tối hôm ấy thai đạp nhiều hơn. Sáng ra, tôi thấy có chảy dịch màu hồng hồng như máu. Tôi vội vã vào bệnh viện, bác sĩ siêu âm và thông báo: “Chị bị hết nước ối phải mổ cấp cứu”. Ca mổ của tôi được gây tê tủy sống nên tôi hoàn toàn tỉnh táo, chỉ thấy toàn bộ thân dưới bị tê không cử động được. Lúc bé chào đời, cô nữ hộ sinh còn cho bé áp mặt vào má tôi. Tôi mừng lắm, vì nếu chần chừ không vào bệnh viện kịp thời có lẽ tôi đã mất cô con gái này!".

2. Cũng có những trường hợp vỡ ối khi thai còn non ngày non tháng, khoảng ba tháng giữa thai kỳ. Đây là những ca khó vì khi ối vỡ thì như “cánh cửa mở”, vi trùng từ âm đạo xâm nhập dễ dàng vào buồng tử cung gây nhiễm trùng màng đệm ối, nhiễm trùng hậu sản, cạn ối, nhiễm trùng bào thai và nguy hiểm nhất là nhiễm trùng máu...

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Trung - Phòng khám Hoàng gia TP.HCM, không ít người khi bị rỉ ối đòi hỏi bác sĩ phải điều trị dứt điểm. Đây là điều ngoài tầm tay của bác sĩ vì không thể phẫu thuật “vá” màng ối được. Bác sĩ chỉ có thể khám, đánh giá tuổi thai xem thai có thể sống được không, có nhiễm trùng ối hay không và sẽ quyết định tiếp tục dưỡng thai thêm cho đủ ngày đủ tháng hay phải cho sinh sớm. Một nguyên tắc căn bản của việc xử trí là khi thai đã đủ trưởng thành (từ 37 tuần trở lên) hoặc khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm trùng thì phải can thiệp cho thai phụ sinh. Khi tuổi thai còn non tháng, chưa thể nuôi sống được và không có tình trạng nhiễm trùng ối, các bác sĩ sẽ tư vấn để tiếp tục dưỡng thai. Việc dưỡng thai thêm này có thể kéo dài vài ngày đến vài tuần, thậm chí một-hai tháng. Tuy nhiên, trong quá trình dưỡng thai thêm, nếu có những dấu hiệu nghi ngờ nhiễm trùng ối, thai phụ sẽ được cho sinh bằng cách “khởi phát chuyển dạ” hoặc “mổ sinh” tùy theo đánh giá tình trạng của mẹ và con.

Có một số trường hợp khi bị vỡ ối, bà bầu vào bệnh viện thấy bác sĩ “không theo dõi gì cả”, không khám “thường xuyên” như những sản phụ bên cạnh, chỉ “đo đo bên ngoài”, nghe tim thai… thì cho rằng mình bị “bỏ bê”… Điều này là cảm nhận không đúng. Khi ối vỡ, theo tổ chức y tế thế giới cũng như các hiệp hội sản phụ khoa, việc khám âm đạo nên hạn chế tối đa để tránh nhiễm trùng cho mẹ và thai nhi.

3. Việc điều trị bằng kháng sinh để dự phòng nhiễm trùng ối chỉ được thực hiện khi ối đã vỡ lâu trên 12 tiếng hoặc khi có những dấu hiệu nghi ngờ nhiễm trùng ối như: mạch của thai phụ nhanh lên, sốt hoặc xét nghiệm máu có dấu hiệu nhiễm trùng. Một số ít trường hợp phải sử dụng kháng sinh sớm từ đầu nếu có bằng chứng nhiễm trùng âm đạo trước đó trong thai kỳ do một loại vi trùng có tên là Streptococcus nhóm B gây nên. Một số ít trường hợp màng ối bị rỉ có thể tự lành nhờ màng ối và màng đệm nằm lên nhau “vá” chỗ rò rỉ, thai phát triển đủ ngày đủ tháng và chào đời. Nhưng, cũng có trường hợp thai bị nhiễm trùng, bong nhau, nhiễm trùng ối, màng đệm ối… buộc bác sĩ phải chỉ định chấm dứt thai kỳ để cứu mẹ.

Kỳ 2: Những bất thường của nhau thai

Nhau thai là “trạm trung chuyển” đưa các chất dinh dưỡng và ôxy từ máu mẹ tới bào thai, giúp duy trì sự sống của thai nhi. Do vậy, khi có những bất thường xảy ra với nhau thai, sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng của cả mẹ và bé: sinh non, sẩy thai, thai chết lưu, mẹ băng huyết…

Bác sĩ Phan Nguyễn Quốc Thuận - Bệnh viện Q.2 tư vấn những bất thường có thể xảy ra ở nhau thai, trong suốt quá trình mang thai.

23928-18-1.jpg

Ảnh minh họa

Nhau tiền đạo

- Nhau tiền đạo (NTĐ) là tình trạng nhau thai nằm thấp ở đoạn dưới của tử cung, che lấp một phần hoặc hoàn toàn lỗ trong của cổ tử cung. Chính vì bánh nhau nằm che lấp lỗ trong của cổ tử cung, cản trở đường đi xuống của thai nhi khi sinh nên được gọi là NTĐ. Tuy nhiên, vấn đề NTĐ khiến thầy thuốc cũng như sản phụ lo lắng chính là ra huyết âm đạo trong ba tháng cuối thai kỳ.

- Điểm đặc trưng của ra huyết âm đạo trong NTĐ là không kèm với đau bụng, thường xảy ra vào ba tháng cuối của thai kỳ. Ra huyết âm đạo có thể xảy ra mà không cần có bất kỳ yếu tố thúc đẩy nào (chấn thương, sau giao hợp, khám âm đạo).

- Thai nhi kém dinh dưỡng, sinh non, nhẹ ký là hậu quả của NTĐ ra huyết nhiều. Khi NTĐ ra huyết nhiều và dai dẳng sẽ làm giảm lượng máu trong cơ thể mẹ, khiến mẹ thiếu máu, đồng thời ảnh hưởng đến dinh dưỡng của thai nhi. Lý do chính khiến phụ nữ có NTĐ bị sinh non là do ra huyết âm đạo quá nhiều, ảnh hưởng đến tính mạng người mẹ, buộc các thầy thuốc phải chấm dứt thai kỳ, bất chấp thai có đủ tháng hay chưa.

- Các yếu tố nguy cơ gây ra NTĐ rõ ràng nhất là: mẹ lớn tuổi (trên 35 tuổi), sinh con nhiều lần, đa thai, sản phụ hút thuốc lá, sử dụng cocaine, tiền căn nạo hút lòng tử cung do sẩy thai hoặc phá thai, tiền căn mổ lấy thai…

- Phát hiện NTĐ chủ yếu dựa vào siêu âm. Do đó, khám thai định kỳ đầy đủ sẽ phát hiện sớm được tình trạng nhau bám thấp.

- Khi được phát hiện NTĐ, sản phụ cần được theo dõi thai kỳ chặt chẽ hơn. Ngoài các chế độ dưỡng thai bình thường, sản phụ cần lưu ý tránh các công việc nặng, các hoạt động thể lực. Song song đó, sản phụ sẽ được tiêm thuốc hỗ trợ trưởng thành phổi cho thai nhi, đề phòng biến cố phải chấm dứt thai kỳ sớm khi thai nhi chưa trưởng thành. Lưu ý: các trường hợp NTĐ cần được theo dõi tại cơ sở y tế có chuyên môn cao, có phòng mổ và ngân hàng máu.

- Khi NTĐ ra huyết, các bác sĩ sẽ đánh giá xem có cần tiếp tục trì hoãn thai kỳ, chờ thai trưởng thành hoặc cho tới khi thuốc hỗ trợ trưởng thành phổi có tác dụng. Việc đánh giá này hoàn toàn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của người mẹ. Nếu ra huyết nhiều đe dọa tính mạng mẹ thì sẽ không trì hoãn thêm, cần mổ lấy thai ngay lập tức.

- Vấn đề cắt tử cung để cầm máu cứu mẹ hiện nay hiếm khi áp dụng, trừ trường hợp NTĐ kèm với nhau cài răng lược.

- Chỉ có NTĐ bán trung tâm hoặc NTĐ trung tâm thì mới chỉ định mổ lấy thai tuyệt đối. NTĐ bám thấp hoặc nằm cạnh lỗ trong cổ tử cung vẫn có thể sinh thường. Tuy nhiên, việc lựa chọn cách sinh phụ thuộc hoàn toàn vào tình trạng mất máu của người mẹ.

- Nhau bám thấp là một hình thái của NTĐ. Theo giới chuyên môn thì NTĐ có bốn kiểu: nhau bám thấp, nhau bám mép (ngay sát lỗ trong cổ tử cung), NTĐ bán trung tâm (che lấp một phần lỗ trong cổ tử cung) và NTĐ trung tâm (che lấp hoàn toàn lỗ trong cổ tử cung).

Nhau cài răng lược

- Nhau cài răng lược (NCRL) là tình trạng các gai nhau của bánh nhau xâm lấn vào lớp cơ tử cung. Đây là biến chứng nguy hiểm nhất của NTĐ.

- Bình thường bánh nhau sẽ bám vào đáy tử cung, nơi có nhiều mạch máu giúp bánh nhau trao đổi chất giữa mẹ và thai nhi. Tuy nhiên, trong NTĐ, bánh nhau bám ở đoạn dưới của tử cung, nơi có ít mạch máu phát triển, khiến cho trao đổi chất giữa mẹ và thai nhi kém hiệu quả. Khi đó, các gai nhau sẽ xâm lấn vào trong cơ tử cung để duy trì nguồn dinh dưỡng nuôi thai nhi hình thành nên NCRL.

- NCRL đem lại nhiều biến chứng cho người mẹ. Hầu hết các trường hợp NCRL đòi hỏi phải cắt tử cung để cứu mẹ. Nặng nề hơn, NCRL có thể xâm lấn ra khỏi các cơ quan khác nằm lân cận tử cung.

Phù nhau thai

- Phù nhau thai (PNT) là bệnh lý làm mô nhau ứ nước, tăng thể tích và trọng lượng, mất chức năng của bánh nhau. PNT thường đi kèm với dị tật bẩm sinh nặng nề.

- Nguyên nhân dẫn đến PNT: nhiễm trùng, nhiễm độc ở ba tháng đầu thai kỳ (ví dụ: nhiễm Rubella), do bất thường nhiễm sắc thể thai nhi, bất đồng nhóm máu mẹ và con…

- Khi đã được chẩn đoán PNT, cần chấm dứt thai kỳ, do bánh nhau đã mất chức năng nên thai nhi sẽ nhanh chóng chết lưu trong bụng mẹ.

- Hiện tại, PNT được phát hiện sớm nhờ những phát triển của kỹ thuật siêu âm. Việc phát hiện sớm PNT sẽ làm giảm biến chứng của thai chết lưu.

- Phòng ngừa PNT bằng cách tránh tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ; tiêm ngừa Rubella, cúm trước khi mang thai; không hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia…

Nhau bong non

- Nhau bong non (NBN) là tình trạng bánh nhau bị bong ra sớm trước khi thai nhi được sinh ra.

- Các yếu tố liên quan đến NBN: tuổi mẹ lớn (trên 35 tuổi), chấn thương (thai phụ bị tổn thương vùng bụng), hút thuốc lá, sử dụng cocaine… Đáng chú ý nhất là tình trạng tăng huyết áp mạn tính hoặc tăng huyết áp thai kỳ cũng là những nguyên nhân dẫn tới NBN.

- Các triệu chứng thường gặp: ra huyết âm đạo, đau bụng, tử cung gò cứng liên tục và kéo dài.

- Biến chứng của NBN rất nặng nề, ảnh hưởng đến tính mạng của người mẹ. Các biến chứng đó bao gồm: choáng mất máu, rối loạn đông máu, hoại tử các cơ quan do thiếu máu nuôi, biểu hiện rõ ràng nhất là suy chức năng thận.

Kỳ 3: Ngôi thai bất thường

Ngôi thai tuy không ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi nhưng lại rất quan trọng đối với cuộc sinh nở. Nếu không được theo dõi kỹ, ngôi thai bất thường khiến sản phụ “vượt cạn” khó khăn, có nguy cơ dẫn đến những tổn thương cho thai nhi, thậm chí tử vong cả mẹ lẫn bé.

23931-hinh-3.jpg

Ảnh minh họa

Ngôi ngược: dễ tổn thương cho sản phụ và bé

Bác sĩ (BS) Phan Thị Hồng Oanh (nguyên BS sản khoa BV Nhân dân Gia Định TP.HCM), Phòng khám sản khoa Nguyễn Oanh cho biết, ngôi ngược hay còn gọi là ngôi mông, gồm bốn dạng khác nhau là ngôi mông thiếu kiểu chân, ngôi mông thiếu kiểu gối, ngôi mông thiếu kiểu mông và ngôi mông đủ. Trong đó, đáng lo lắng nhất là dạng ngôi mông thiếu kiểu chân và thiếu kiểu gối. Không chỉ không sinh thường được, kiểu ngôi này còn có nguy cơ khiến dễ vỡ màng ối sớm. Khi chuyển dạ, thai sẽ thọc chân ra trước, dễ gây tai biến như gãy xương đùi, gãy chân. Đáng lo ngại hơn cả là khi tay, chân, thân mình bé đã ra khỏi cơ thể mẹ, nhưng đầu còn kẹt lại trong khung chậu. Nếu rơi vào trường hợp này, nguy cơ thai tử vong rất cao.

Cho dù xác định sinh mổ từ đầu, kiểu ngôi mông thiếu chân và thiếu gối cũng gây khó cho BS phẫu thuật. Thay vì đường mổ nằm ở đoạn dưới tử cung, nhưng vì đoạn này chưa hình thành nên phải mổ qua phần thân tử cung. Như vậy, dễ gây tổn thương cho mẹ, bị chảy máu nhiều hơn; dễ bị dính sau mổ, vết mổ không tốt, tạo sẹo xấu; việc bắt thai cũng khó khăn hơn.

Do vậy, thai phụ cần khám thai định kỳ theo chỉ định của BS. Trong thai kỳ, thai phụ không nên đi lại quá nhiều, hạn chế đứng lâu.

Ngôi ngang: Nguy cơ vỡ ối sớm

Theo BS Phan Thị Hồng Oanh, thai phụ hầu như không thể sinh thường nếu thai được xác định thuộc kiểu ngôi ngang khi vào chuyển dạ. Các trường hợp ngôi ngang đều được chỉ định mổ nếu đến gần ngày sinh hoặc khi chuyển dạ mà thai vẫn chưa quay đầu. Không chỉ vậy, đây còn là kiểu ngôi khó nhất khi mổ, đặc biệt nếu có thêm yếu tố thai non tháng. Khi ngôi ngang, màng ối không có điểm tựa, dễ dẫn đến tình trạng vỡ ối non, vỡ ối sớm, khả năng tay thai nhi sa ra ngoài âm đạo (ngôi ngang sa tay). Khi vỡ ối sớm, thai phụ cần được mổ cấp cứu. Trường hợp này, tử cung chưa hình thành được đoạn dưới nên sẽ gặp những nguy cơ tương tự như ngôi ngược.

Không chỉ vậy, vết mổ đi qua thân tử cung sẽ gây ảnh hưởng đến lần mang thai sau với nguy cơ bị vỡ tử cung cao hơn; khả năng dễ bị nhau cài răng lược, nhau tiền đạo, thai bám vào vết mổ cũ. Do đó, những thai phụ rơi vào những trường hợp này, nếu tiếp tục mang thai cần khám tầm soát sớm để phát hiện những bất thường.

Mong manh sinh - tử

Chị Trần Thị Tuyết, 29 tuổi, mang thai lần thứ hai, được chẩn đoán ngôi mông. BS cho biết, nhiều khả năng chị Tuyết sẽ sinh mổ. Khi thai vừa qua tuần thứ 39, chưa đến ngày tái khám định kỳ, nhưng thấy đau bụng, chị đã nhập viện. Trên đường đi chị Tuyết bị vỡ ối, tử cung mở nhanh, khi đến bệnh viện, chân bé đã ra khỏi âm đạo. Thật may, nhờ đội ngũ BS giàu kinh nghiệm, đồng thời chị Tuyết có nhiều điều kiện thuận lợi như khung chậu rộng, em bé trọng lượng nhỏ (2,8kg), sinh con rạ, tử cung co dãn tốt nên chị đã trải qua ca sinh thường thành công.

Trường hợp khác, chị Dương Thị Thủy, 32 tuổi, mang thai lần đầu, được chẩn đoán ngôi mông với chỉ định sinh mổ. Không may, vào tuần thai thứ 38, khi đi lại trong nhà, chị bị trượt chân ngã nhẹ. Khi thấy chị Thủy bị rỉ ối, gia đình vội vã đưa chị vào bệnh viện. Tương tự trường hợp sản phụ Tuyết, khi vào đến phòng sinh, chân em bé cũng đã ra khỏi âm đạo. Do cổ tử cung không thuận lợi cho việc sinh thường nên các BS đã mổ cấp cứu nhưng vẫn không thể cứu được bé.

Chị Đinh Ngọc Mai, 35 tuổi, mang thai lần thứ hai, được chẩn đoán ngôi đầu chỏm, cúi tốt, có thể sinh thường. Khi thai đủ ngày tháng, có dấu hiệu chuyển dạ, chị nhanh chóng nhập viện. Tuy nhiên, lúc tử cung đã mở được 2cm, ngôi thai lại thay đổi sang ngôi mặt. Nhận thấy dấu hiệu bất thường, tim thai không tốt, BS đã chỉ định mổ cấp cứu. Nhờ BS tiên lượng và xử lý kịp thời, ca sinh “mẹ tròn con vuông”.

Kỳ 4: Thai non - thai già

Theo TS-BS Vũ Tề Đăng, Phó trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM, mỗi nhóm trẻ sinh thiếu tháng hay già tháng sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ bệnh lý ở mức độ khác nhau và mức độ nặng tăng dần khi thai được sinh ra ở tuổi thai càng thấp (non tháng) hoặc càng cao (già tháng).

23930-hinh-3.jpg

Ảnh minh họa

Những bệnh thường gặp ở trẻ sinh non

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới vào năm 2014, trẻ sinh ra có tuổi thai từ 39-41 tuần được gọi là đủ tháng, nếu ra đời trước 37 tuần được gọi là sinh non; trên 42 tuần là thai quá ngày (sinh già tháng). Với trường hợp sinh non, tuổi thai dưới 28 tuần được xếp vào nhóm trẻ sinh cực non; từ 28-31 tuần sáu ngày thuộc nhóm trẻ sinh rất non tháng; 32 đến 33 tuần sáu ngày là nhóm trẻ non tháng; non tháng muộn là nhóm trẻ từ 34 đến 36 tuần sáu ngày tuổi. Trẻ trong khoảng từ 37 tuần đến 38 tuần sáu ngày là nhóm trẻ gần đủ tháng.

Suy hô hấp

Bệnh có nguyên nhân do phổi bé chưa trưởng thành, thiếu chất surfactant, là chất tạo ra sức căng bề mặt giúp các phế nang không bị xẹp sau khi trẻ thở ra. Trong y khoa, tình trạng này được gọi là bệnh màng trong. Khi đó, các bác sĩ sẽ bơm hỗ trợ chất surfactant ngoại sinh trực tiếp vào phổi trẻ để giúp các phế nang của trẻ hạn chế bị xẹp lại.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng có thể áp dụng việc tiêm surfactant ngoại sinh. Điển hình, nếu trẻ sinh non chưa đủ 26 tuần, khi đó số lượng các phế nang vẫn có thể chưa hình thành đủ, việc tiêm surfactant ngoại sinh sẽ trở nên vô nghĩa.

Việc chăm sóc trẻ tại nhà rất quan trọng. Gia đình lưu ý không gây nên những biến cố khiến tình trạng suy hô hấp của trẻ nặng hơn. Cụ thể, luôn nhớ cách ly trẻ khỏi những người có dấu hiệu bệnh lý hô hấp; giữ cho không khí trong phòng trẻ luôn thông thoáng, trong lành, sạch sẽ, nhiệt độ ổn định; tuyệt đối không nằm than theo phương pháp dân gian, khi ra khỏi nhà có thể bảo vệ trẻ bằng khăn che

mặt mỏng.

Khó ổn định thân nhiệt

Thông thường, trẻ mới sinh đủ tháng sẽ có lớp mỡ nâu dưới da. Trong quá trình điều hòa thân nhiệt, lớp mỡ này phân hủy sẽ tạo năng lượng sưởi ấm cho trẻ. Tuy nhiên, với trẻ sinh non, lớp mỡ này rất mỏng nên bé không có khả năng tạo nhiệt như trẻ đủ tháng. Hơn nữa, các cơ chế tạo nhiệt do run cơ ở trẻ non tháng rất hạn chế vì số lượng cơ ít. Lớp da mỏng cũng khiến trẻ càng dễ bị mất nhiệt, mất hơi nước. Vì vậy, trẻ sinh non thường được nuôi trong lồng ấp do khả năng ổn định thân nhiệt kém.

Hạ đường huyết

Do dự trữ năng lượng thấp nên trẻ sinh non dễ bị hạ đường huyết. Sau sinh, trẻ non tháng thường được nuôi ăn ngay bằng đường truyền tĩnh mạch. Khi có thể ăn được, trẻ sẽ được nuôi ăn từng lượng nhỏ với khoảng cách gần, thường là một giờ. Sau khi trẻ được xuất viện về nhà, cần cho trẻ bú mẹ thường xuyên. Nếu trẻ ngủ nhiều, vẫn nên đánh thức để cho trẻ bú và yên tâm rằng điều này không ảnh hưởng đến giấc ngủ, bởi trẻ non tháng rất dễ ngủ trở lại.

Nguy cơ nhiễm trùng

Vì hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên trẻ rất dễ bị nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm trùng huyết dẫn đến viêm phổi, viêm màng não hoặc bất kỳ cơ quan nào của cơ thể. Nguy cơ nhiễm trùng cũng có thể đến từ mẹ. Sản phụ sinh non không rõ nguyên nhân, vỡ ối sớm, bị sốt trong giai đoạn chuyển dạ... đều là những nguyên nhân khiến trẻ bị nhiễm trùng. Thế nên, cần tránh những tác nhân gây nhiễm trùng cho trẻ bằng việc chú ý giữ vệ sinh khi chăm sóc trẻ như luôn rửa tay sạch sẽ, cách ly trẻ ngay với những người đang mang mầm bệnh hoặc đang mắc bệnh.

Vàng da

Hiện tượng vàng da ở trẻ sinh non không liên quan đến các bệnh lý thực thể của gan, mà do gan chưa trưởng thành nên thiếu men chuyển hóa, đào thải chất gây vàng da. Mặt khác, trẻ non tháng thường bị đa hồng cầu, khi đó sẽ có nhiều hồng cầu bị vỡ hơn, hồng cầu vỡ sẽ phóng thích chất gây vàng da. Vì vậy, hầu như mọi trẻ non tháng đều được chiếu đèn để điều trị vàng da từ sớm.

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ có thể bị bệnh lý vàng da nhân, gây tổn thương nặng nề cho các nhân ở não.

Viêm ruột hoại tử

Do hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn chỉnh cũng như phổi hoạt động chưa ổn định nên rất dễ xảy ra hiện tượng thiếu máu nuôi niêm mạc ruột, gây nên tình trạng viêm ruột hoại tử. Nghĩa là ruột sẽ vừa bị viêm, vừa chết mô. Điều đáng sợ nhất là bệnh có nguy cơ tạo lỗ thủng do thành ruột đã bị tổn thương. Để hạn chế tối đa nguy cơ này, cách tốt nhất là cho trẻ bú sữa mẹ.

Xuất huyết não

Cấu tạo mạch máu não chưa hoàn chỉnh của trẻ sẽ không thể chịu nổi những áp lực tưới máu não thay đổi đột ngột, nhất là khi hệ hô hấp và hệ tuần hoàn của trẻ hoạt động chưa ổn định. Nếu có thay đổi áp lực, mạch máu não sẽ dễ bị vỡ, gây nên tình trạng xuất huyết trong não thất cũng như nhu mô não. Việc tưới máu não có tốt hay không phụ thuộc rất nhiều từ hoạt động của hệ hô hấp, tuần hoàn và ổn định thân nhiệt của trẻ.

Bệnh tim bẩm sinh

Do một số lỗ tuần hoàn bào thai chưa đóng nên trẻ non tháng nhiều nguy cơ mắc phải bệnh lý tim bẩm sinh thứ phát, dễ xảy ra tình trạng rối loạn huyết động học ở tim trẻ. Điều này có thể khiến tình trạng suy hô hấp của trẻ nặng thêm. Khi được một tháng tuổi, trẻ cần được siêu âm tim để đánh giá lại tình trạng hoạt động của tim.

Bệnh bong võng mạc mắt (ROP)

Đây là bệnh lý thường gặp ở trẻ sinh non vào thời điểm trẻ một tháng tuổi. Bệnh có thể gây mù mắt nếu không được điều trị kịp thời. Do vậy, trẻ sinh non bắt buộc phải được khám mắt tầm soát lúc đủ một tháng tuổi, đặc biệt đối với những trẻ sinh non dưới 32 tuần.

Chậm phát triển tâm thần vận động

Tình trạng suy hô hấp dễ dẫn đến thiếu oxy não, điều này tác động trực tiếp đến sự hoạt động của não cũng như khả năng nhận thức, vận động của trẻ. Nếu chăm sóc tốt về thể chất nhưng không quan tâm đến phát triển tâm thần vận động, trẻ có nguy cơ chậm phát triển tâm thần, thậm chí trở thành phế nhân.

Các bà mẹ cần đặc biệt lưu ý, cần cho trẻ bú sữa mẹ, bởi điều này không chỉ giúp trẻ tăng sức đề kháng - điều cực kỳ cần thiết cho trẻ sinh non - mà còn giúp hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động

tốt hơn.

Trẻ sinh già thàng: Nhiều rủi ro

Trẻ sinh già tháng tuy cơ thể đã trưởng thành về mặt thể chất nhưng cũng phải chịu khá nhiều rủi ro.

Bệnh lý viêm phổi hít: Điều nguy hiểm nhất và có nguy cơ gây tử vong rất cao đối với trẻ sinh già tháng là mắc phải bệnh lý viêm phổi do hít phân su. Nghĩa là bé hít phải phân su của chính mình. Khi thai nhi hít phải, phân sẽ lẫn vào trong các phế nang, làm bít đường thở, xẹp phế nang và có thể gây ra biến chứng như tràn khí màng phổi và xẹp phổi... Không chỉ vậy, chất độc trong phân còn có thể tác động làm mất đi chất surfactant, gây nên bệnh màng trong thứ phát.

Thông thường, nếu là viêm phổi do vi trùng thì có thể điều trị bằng kháng sinh. Riêng viêm phổi hít phân su hiện chưa có loại thuốc nào điều trị. Thời gian nằm viện, khả năng sống còn của bé phụ thuộc vào lượng phân bé đã hít và khả năng đào thải chất độc trong phân của chính cơ thể bé.

Sinh ngạt: Khi thai già tháng, nếu bánh nhau vẫn hoạt động tốt, thai nhi tiếp tục phát triển lớn thêm, khi sinh có thể đẻ khó do con to (kẹt vai, sang chấn nhiều cho cả mẹ lẫn con hoặc không sinh được, phải mổ lấy thai…). Thêm vào đó, lượng nước ối có thể cạn dần khi thai già, khi sinh dễ dẫn tới suy thai do cơn gò tử cung chèn ép dây rốn. Đáng sợ nhất là thai bị thiếu oxy quá lâu sẽ dẫn tới hiện tượng sinh ngạt, ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển tâm thần vận động của trẻ về sau.

Suy dinh dưỡng: Trong trường hợp thai quá ngày, nếu bánh nhau bị vôi hóa, thai nhi sẽ không được nuôi dưỡng tốt, có thể tử vong trong bụng mẹ hay khi sinh; hoặc bé trẻ suy dinh dưỡng, da dẻ nhăn nheo và sức đề kháng kém. Do suy dinh dưỡng, dự trữ năng lượng thấp nên trẻ dễ bị hạ đường huyết ngay sau sinh. Lúc này, cho trẻ bú mẹ ngay là việc cực kỳ quan trọng. Nếu xử lý chậm, trẻ có thể bị suy hô hấp cùng các biến chứng khác và có nguy cơ tử vong.

Sinh non có thể bắt nguồn từ các bệnh lý của người mẹ như hở eo cổ tử cung, u xơ tử cung, dị dạng tử cung, tiền căn nạo sẩy thai, mẹ mắc các bệnh nội khoa ảnh hưởng đến thai kỳ… Nguy cơ sinh non cũng có thể bắt nguồn từ thai, như vỡ ối non, đa ối, nhau tiền đạo, đa thai, thai dị dạng…; cũng có thể từ các yếu tố kinh tế xã hội của mẹ như làm việc quá sức, sống trong môi trường độc hại, hút thuốc, mẹ quá trẻ (dưới 20 tuổi)…

Riêng với thai già tháng, hiện chưa có nghiên cứu nào trên thế giới tìm được nguyên nhân chính xác. Nếu có thăm khám thường xuyên, khi thai vượt quá 41 tuần, bác sĩ sẽ can thiệp để thai phụ chuyển dạ sinh tự nhiên. Sinh đủ ngày và sinh tự nhiên luôn là cách tốt nhất cho cả mẹ và bé.

TS-BS NGUYỄN THỊ THANH HÀ

(Giám đốc y khoa, Bệnh viện Phụ sản Mê Kông TP.HCM)

Theo PN

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI