1. Các quy định là điều phải đặt ra trước tiên
Hãy cho bé nhìn thấy bảng nội quy gia đình và yêu cầu bé phải chấp hành thật nghiêm những gì đã đề ra. Chúng hoàn toàn không phải là một lời nói suông. Và vì thế, mọi đồ đạc từ quần áo, vật dụng sinh hoạt, đồ chơi, sách vở đến chăn, gối, ga, mùng… tất tần tật mọi thứ phải có chỗ của nó. Đó sẽ là một quy định được thực hiện cho đến khi thành thói quen và nếp sống nếu bé không muốn nhận những hình phạt khác từ bố mẹ.
Hãy cho con không gian riêng cần thiết. Ảnh minh họa
2. Không gian riêng cần thiết cho con
Không phải ai cũng có điều kiện để cho con một phòng riêng. Tuy nhiên, bạn có thể tạo cho con một không gian của riêng mình chẳng hạn góc học tập, góc vui chơi, góc ăn uống, góc thay đồ… Bé sẽ học cách làm mọi việc đúng nơi đúng chỗ, không mang chén cơm lên bàn học ăn, không thay đồ ở ngoài khu vực cho phép… Và điều đó cũng có nghĩa, khu vực của con sẽ do con quản lý. Bố mẹ có quyền trách phạt nếu con không có trách nhiệm dọn dẹp, vệ sinh không gian riêng của mình một cách gọn gàng, sạch sẽ. Nên nhớ, nội quy đặt ra để bé tập tành dần, do vậy, bạn không nên quá cứng nhắc trong khuôn phép. Chẳng hạn như khi bé muốn chuyển đồ chơi qua một khu vực khác vì một lý do chính đáng, bạn vẫn có thể cho phép bé.
3. Bố trí chỗ để đồ hợp lý
Trẻ nhỏ có rất nhiều vật dụng nhỏ lặt vặt cần chỗ cất giữ. Một sấp bài kiểm tra của con ở trường cũng cần có túi đựng riêng, những chiếc nơ cài tóc cũng phải để gọn một chỗ… Như thế, tương tự cho các món đồ khác, con cũng cần được học cách bố trí và sắp xếp sao cho khoa học để khi muốn dùng có thể lấy được ngay. Cần lưu ý, trẻ nhỏ chưa đủ cao nên bố mẹ hãy khéo léo sắp đặt kệ hay túi treo đồ trong tầm với của trẻ để tránh các tai nạn có thể gặp phải.
Ba mẹ nên hướng dẫn con cách bố trí, sắp xếp đồ dùng hợp lý. Ảnh minh họa
4. Phân nhóm cho các loại đồ dùng
Như đã nói trên, mỗi loại đồ dùng có chung mục đích sử dụng, bạn có thể giúp trẻ phân biệt để gom chúng về một chỗ cho tiện. Như thế, trẻ sẽ biết đồ nào thường dùng để đặt để bên ngoài. Những gì chưa dùng đến có thể cất vào tủ. Cách làm này sẽ giúp trẻ tự biết sắp xếp mọi chuyện theo hướng hợp lý và tư duy khoa học trong những dự định của mình từ việc nhỏ nhặt nhất.
5. Dán nhãn cho các thùng đóng kín
Với những đồ dùng đã phân loại, bạn hãy dạy con dán nhãn lên chúng. Mục đích của việc làm này không gì hơn là để tiện cho việc tìm kiếm về sau. Như vậy, khi cần dùng đến, trẻ không phải lục tung các thùng lên để xem bên trong có gì. Hãy dạy cho trẻ biết đây chính là cách tiết kiệm thời gian và công sức, một việc làm của những người biết dùng cái đầu để làm việc.
6. Chỉ bảo trẻ tận tình
Để hình thành được nhận thức về trách nhiệm và tập thành một thói quen, trẻ cần được chỉ dạy tận tình từ cha mẹ. Bạn có thể hướng dẫn bé biết cách xếp quần áo đúng khổ và đặt ngăn nắp vào tủ. Sau đó, để trẻ thực hành lại ngay sau đó. Nếu trẻ làm không đúng công đoạn gì hay không đạt yêu cầu, bạn phải lập tức sửa dạy ngay. Cách làm tận tình như vậy sẽ khiến trẻ nhớ lâu và không phạm lại sai lầm. Tương tự, bạn có thể chỉ dạy con trong mọi công việc khác. Đôi khi, bạn cũng nên đòi hỏi trẻ hơn khi đã thuần thục những gì bạn chỉ. Đó là cách để trẻ tự khám phá khả năng của mình.
7. Lên thời gian biểu cho con
Trẻ có thể làm mọi việc theo một thời gian biểu mà bạn đặt ra trong ngày. Điều này sẽ tốt cho đồng hồ sinh học của trẻ. Hơn thế, nó sẽ giúp bé sớm hình thành mọi đòi hỏi như một thói quen. Được như vậy, trẻ sẽ hành động một cách tự giác mà không cần đến sự đôn thúc hàng ngày của bố mẹ. Lúc này, có lẽ bạn cũng sẽ hãnh diện vì con.
Trẻ có thể làm mọi việc theo một thời gian biểu mà bạn đặt ra trong ngày. Ảnh minh họa
8. Vật gì không dùng nên bỏ đi
Các đồ vật cũ chiếm mất một khoảng không gian không nhỏ trong gia đình. Vì thế, bạn hãy cũng bé nhặt nhạnh lại những gì không cần thiết. Bạn có thể cho con làm kế hoạch nhỏ, giúp đỡ các bạn cùng lứa có hoàn cảnh khó khăn bằng những đồ vật này hoặc tập cho bé cách tiết kiệm từ những đồng lẻ bán đồ cũ.
9. Cho con noi gương
Bạn không thể bắt con sống ngăn nắp, gọn gàng trong khi mình lại ưa bữa bãi, vứt đồ đạc lung tung. Hãy cố gắng rèn mình vào nếp sống để con nhìn bạn như một tấm gương. Không chỉ có chuyện đồ đạc, ngay cả cách ăn mặc của bố mẹ cũng thể hiện bạn là người chỉn chu hay luộm thuộm. Không nhất thiết bạn phải có đồ mới luôn luôn, lúc nào cũng trau chuốt mỹ miều. Điều đó chưa hẳn đã tốt cho bạn và con. Chỉ cần quần áo tinh tươm, sạch sẽ, gọn gàng cũng đủ làm con thấy yêu bạn từ cách nhìn.
10. Thưởng phạt phân minh
Đi đôi với những quy định nghe có vẻ khuôn phép chắc chắn không thể nào thiếu được những khen thưởng hoặc hình phạt. Bạn không cần thiết phải thưởng bé với những công việc nhà mà hãy để bé thực hiện chúng như việc nên làm để giúp đỡ bố mẹ và rèn luyện bản thân. Cũng vậy, bạn chưa cần phạt bé nếu bé phải dịch chuyển một món đồ nào đó khỏi vị trí quy định. Rất có thể bé có lý do chính đáng cho việc mình làm. Vì thế, đừng quên hỏi bé trước khi muốn đưa ra một hình phạt nào đó.
Bạn không cần thiết phải thưởng bé với những công việc nhà mà hãy để bé thực hiện chúng như việc nên làm để giúp đỡ bố mẹ và rèn luyện bản thân. Ảnh minh họa
Bạn cũng có thể làm sống động không gian sống của cả nhà bằng một cuộc thi đua nho nhỏ với phần thưởng kèm theo như một cách lôi cuốn. Chẳng hạn cuộc thi xem ai là người dậy sớm và tập thể dục thường xuyên; thi đua xem ai là người ngăn nắp nhất nhà… Với những trò chơi mang tính giáo dục nhẹ nhàng này, bạn có thể thấy rõ sự tiến bộ từng ngày của con yêu và biết đâu còn là sự tiến bộ của chính bạn và chồng.
Yeutre.vn