10 điều giúp mẹ bầu hạn chế nguy cơ sinh non

Có những việc bạn có thể thay đổi để trở nên tốt hơn. Nhằm hạn chế nguy cơ sinh non, làm ảnh hưởng đến sự phát triển khỏe mạnh của con yêu, đã đến lúc bạn cần thay đổi một vài thói quen và tiếp nhận những điều tốt đẹp nhất để dành cho con.

banner ads

1. Ổn định tâm lý

5617-thu-gian.jpg

Bất ổn tâm lý trong lúc mang thai có thể khiến bạn trở nên trầm cảm trong giai đoạn sau sinh.

Hệ thống thần kinh của thai nhi chịu ảnh hưởng rất lớn từ tâm trạng của người mẹ. Bạn có thể bực dọc, cau có hơn thường ngày là điều rất dễ hiểu vì nội tiết tố trong cơ thể đang thay đổi. Nhưng đừng để điều đó đặt bạn trước nguy cơ dọa sinh non. Hơn thế, sự bất ổn tâm lý trong lúc mang thai có thể khiến bạn trở nên trầm cảm trong giai đoạn sau sinh.

Thay vì nhốt mình trong sự khó chịu, bạn hãy bước cùng chồng qua những công viên rợp mát cây xanh hoặc thực hiện buổi dã ngoại lãng mạn. Thiên nhiên trong lành có thể khiến bạn thư thái hơn và việc gần chồng cũng giúp bạn cảm nhận trọn vẹn niềm hạnh phúc làm mẹ.

2. Cẩn trọng khi dùng thuốc an thai

Sống trong tâm trạng lo lắng thái quá từ những lần sẩy thai hoặc sinh non trước đó, nhiều người tìm đến thuốc an thai như một giải pháp trấn an toàn. Và loại thuốc được dùng nhiều hơn cả lại là các loại thuốc Đông dược. Các thuốc này trên thị trường hầu hết đều không được kiểm định chất lượng, thuốc sấy bằng lưu huỳnh và không rõ nguồn gốc. Hơn thế, dù là loại thuốc được đảm bảo an toàn cũng có nhiều tác dụng phụ không hay hoặc trong các thành phần thuốc có những vị không nên dùng cho sản phụ vì nó dẫn đến sẩy thai hoặc sinh non rất nguy hiểm.

Việc mang thai là tin vui chứ không phải là căn bệnh cần đến thuốc. Vì thế, bạn không nên dùng thuốc tùy tiện nhất là trong thai kỳ dù chỉ để bồi dưỡng cơ thể.

3. Từ bỏ những thói quen xấu

Thói quen uống rượu bia, hút thuốc, uống trà đậm… là những kẻ thù tàn phá sức khỏe thai nhi. Những đứa trẻ có mẹ là người nghiện những chất này không sinh non thì cũng mắc các dị tật hoặc biến dạng, trí não kém phát triển, khù khờ và đần độn.

4. Tránh làm việc quá sức

Phụ nữ hiện đại ngoài gia đình cũng phải gánh vác một khối lượng lớn công việc. Khi mang thai, họ bị cuốn theo “guồng” hoạt động này mà quên mất việc chăm lo cho đứa con trong bụng mới là mục đích sau cùng cho những việc làm của mình. Chính vì thế, họ trở thành đối tượng mắc nguy cơ sinh non cao.

Hãy luôn nhớ con cái là “lộc trời” để đừng quá mải mê công việc mà bỏ mặc khúc ruột của mình phải chịu nhiều thiệt thòi nhé!

5. Có chế độ ăn uống phù hợp cho người mang thai

5618-thay-doi-che-do-an-uong.jpg

Bạn không nhất thiết phải ăn quá nhiều lượng thực phẩm, chỉ cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất.

Nguyên tắc mẹ bầu cần nhớ là hấp thu cân bằng từ chế độ ăn uống. Bạn không nhất thiết phải ăn quá nhiều lượng thực phẩm, chỉ cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất. Trong đó, chắc chắn không thể quên cung cấp lượng axit folic cần thiết giúp thai nhi tránh được nguy cơ dị tật ống thần kinh. Ngoài ra, bạn cũng nên bổ sung đầy đủ sắt, canxi, các vitamin, khoáng tố,… để giúp thai nhi khỏe mạnh. Có như thể, con bạn mới có thể tránh được nguy cơ sinh non.

6. Kiểm soát cân nặng

Trung bình, mỗi mẹ bầu chỉ nên tăng từ 12 – 15 cân cho đến lúc sinh. Với những mẹ bầu mắc bệnh tiểu đường, cân nặng này còn phải giảm đi, tức chỉ tăng từ 10 - 12 cân. Với mức cân nặng này, mẹ có thể an toàn vượt qua thai kỳ và chờ đợi ngày khai hoa nở nhụy đúng như dự kiến. Vì nếu thai quá to, hay quá bé đều ảnh hưởng đến việc sinh nở của mẹ.

7. Vệ sinh sạch sẽ vùng kín

Trong thai kỳ, dịch âm đạo tiết ra nhiều hơn nên đây là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi và xâm nhập cơ thể. Tình trạng viêm nhiễm nặng có thể dẫn đến vỡ màng ối, kích thích sinh non.

Ngoài việc vệ sinh đúng quy cách, bạn cũng cần chọn cho mình những loại quần nhỏ cotton 100% vừa thoáng mát, vừa hút ẩm tốt để giữ cho âm đạo luôn khô thoáng, sạch sẽ.

Khi phát hiện viêm nhiễm, cần đi khám và điều trị dứt điểm để tránh tăng nặng làm ảnh hưởng đến thai nhi.

8.Vận động hợp lý

5619-van-dong-phu-hop.jpg

Vận động rất cần thiết cho quá trình sinh nở của mẹ.

Vận động rất cần thiết cho quá trình sinh nở của mẹ. Những hoạt động nhẹ nhàng giúp máu lưu thông tốt hơn, đồng thời thúc đẩy nhanh quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý tránh các bài tập vận động mạnh, tiềm ẩn nguy cơ trơn trượt. Các động tác vùng bụng có thể dẫn đến sinh non cũng nên bỏ qua nhằm đảm bảo an toàn.

Môn thể thao phù hợp nhất cho mẹ bầu là đi bộ. Bạn có thể gia tăng niềm hứng thú nếu rủ chồng cùng tập.

9. Sex điều độ

Mặc dù không có một tài liệu khoa học nào chứng minh việc sex trong thai kỳ có thể dẫn đến sinh non ngay cả khi có những cơn co thắt xuất hiện. Tuy nhiên, để đảm bảo mọi việc diễn ra trơn tru cho đến thời điểm lâm bồn, bạn cũng cần phải kiêng sex trong 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ.

10. Thường xuyên khám sức khỏe định kỳ

Việc khám sức khỏe định kỳ là điều cần thiết đối với mọi thai phụ. Bạn có thể được theo dõi và tầm soát tốt để vượt qua thai kỳ thành công ngay cả khi đang mắc một bệnh lý nào đó nếu bạn thực hiện việc khám thai theo lịch. Các bác sĩ có thể căn cứ vào những thông tin qua những lần bạn khám để cho bạn những lời khuyên chính xác nhất về việc nên và không nên. Vậy nên, ngay cả khi sức khỏe bạn bình thường thì việc khám thai định kỳ vẫn là lời khuyên của các chuyên gia dành cho bạn.

Những việc làm nêu trên đều hoàn toàn nằm trong tầm tay bạn. Vì thế, không có lý do gì để bạn chần chừ trì hoãn thay đổi khi tất cả đều vì mục đích “mẹ tròn con vuông” phải không nào?

Yeutre.vn

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI