Xin đừng gây thêm áp lực lên các bà mẹ trẻ sau sinh

"Tất cả, tất cả chỉ tại cô không biết chăm con", câu nói này ám ảnh Hương, 29 tuổi, kể từ khi đứa con đầu lòng của cô chào đời.

banner ads

Không biết bắt đầu từ khi nào, câu nói ấy khiến Hương (Tp.Việt Trì, Phú Thọ) sợ đến mức không dám nghĩ đến chuyện đưa con ra ngoài tắm nắng. "Đưa ra ngoài nhỡ con bị trúng gió, ốm mệt, về mẹ và chồng lại nói không biết chăm con", Hương lý giải. Kết quả là con cô đã ốm lại càng thiếu chất. Còn Hương thì thực sự khủng hoảng, không còn thời gian, sức lực để chăm chút cho bản thân.

35069-huong-dan-me-tam-nang-cho-tre-so-sinh-dung-cach-vao-mua-dong-.jpg

Nghe những lời nặng nề ấy Hương sợ đến mức không cho con ra ngoài tắm nắng. Ảnh minh họa

Cảm giác ngột ngạt ấy cũng là tình cảnh của Hoa (quận Ba Đình, Hà Nội) suốt mấy tháng sau sinh. Hoa thấy cuộc sống bị xáo trộn đột ngột sau khi bé Tép chào đời, quỹ thời gian dành cho bản thân gần như bị con chiếm dụng hoàn toàn.

Suốt thời gian kiêng cữ, chồng đi làm xa, Hoa ở với bố mẹ và anh chị chồng. "Mọi người ai cũng kêu bận không giúp được gì. Mẹ chồng không thích cho cháu ăn sữa ngoài, mà sữa mình thì ít. Không đành lòng để con đói, thành ra mình cho con uống sữa bột mà cứ như cho con uống thuốc độc, phải giấu giếm đủ kiểu", Hoa kể. Cả ngày chỉ có hai mẹ con ở nhà trông con, chồng đi công tác dăm bữa nửa tháng mới về một lần, Hoa thấy mình "bị tự kỷ nặng nề".

Bức xúc hơn là trường hợp của Trang (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Chồng cô là con một, sau khi sinh được đứa con trai, Trang thấy chồng và gia đình chồng dồn hết tâm sức vào đứa bé mà gần như không quan tâm gì đến cô, nếu có thì chỉ là "ăn nhiều vào để có sữa cho con bú", trong khi cô đã 65kg. Mẹ chồng còn sợ vợ chồng cô đêm lo làm "chuyện linh tinh" không chăm con nên kéo cả gia đình lên phòng Trang ngủ, lấy lý do điều hòa mấy phòng kia bị hỏng.

"Chồng đi làm cả ngày, tối bù khú với bạn bè, về đến nhà bế con được một tí là kêu mệt lăn ra ngủ, không quan tâm vợ đêm hôm vợ vất vả chăm con thế nào...", Trang bực bội kể. Áp lực chồng chất, chỉ trong 4 tháng sau sinh, cô đã đâm đơn ly dị tới 2 lần.

35070-divorce.jpg

Sau sinh áp lực chồng chất khiến Trang đâm đơn ly hôn mấy lần. Ảnh minh họa

Theo chuyên gia Minh Hoa, đường dây tư vấn tâm lý 1088 Tp.HCM, cả 3 trường hợp trên đều là ví dụ điển hình của triệu chứng sốc tâm lý sau sinh con, hiện tượng rất phổ biến. Bởi ngay từ khi mang thai, rất nhiều vợ chồng đã bắt đầu hình thành sự xa cách, cảm thấy khó hiểu nhau hơn. Sau sinh, vì quá lo lắng cho con nên những vấn đề nhạy cảm, cảm xúc yêu đương vợ chồng cũng bị giảm đi nhiều, cộng với việc mẹ chồng nàng dâu bất đồng trong cách chăm con, càng khiến cho tâm lý người phụ nữ bị xáo trộn, căng thẳng.

Hơn nữa, trước đây chưa có con, người phụ nữ được tự do bay nhảy, được làm đẹp, làm những gì họ thích. Khi có con rồi, cả ngày 24/24h chỉ biết quanh quẩn trong nhà, chăm con. Lúc này nếu không có được sự quan tâm của chồng, chắc chắn người phụ nữ sẽ sinh ra cáu gắt, trầm cảm, chưa nói đến việc giáo dục con cái sau này.

Chuyên gia tư vấn tâm lý Văn Thanh Sĩ, tổng đài 1088 Tp.HCM cũng cho biết, phụ nữ bị sốc tâm lý sau sinh khá phổ biến, nó kéo theo một số tác hại nhất định. Trước hết nó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của đứa con, tiếp theo là hành vi của chính người phụ nữ ấy cũng không tốt, khiến cả gia đình bị ảnh hưởng.

Ông đưa ra một số giải pháp nhằm hạn chế tình trạng sốc tâm lý sau khi sinh con của phụ nữ:

Đầu tiên và quan trọng hơn cả, người chồng cần quan tâm hơn nữa tới cảm xúc của vợ, cùng vợ chia sẻ việc nhà, chăm con bất cứ khi nào có thể, để giảm gánh nặng, áp lực lên đôi vai phụ nữ.

Tiếp đến là thái độ giao tiếp của mọi người với phụ nữ sau sinh. Các bạn nên có cách nhìn bao dung hơn với bà mẹ trẻ, đừng tạo áp lực, đừng đòi hỏi quá nhiều ở họ. Thay vì thế, hãy đưa ra lời khuyên, giúp đỡ họ, cùng họ vượt qua thời gian đầu khó khăn khi tiếp nhận "thiên chức" mới.

Về phía phụ nữ sau sinh, bạn cần lên kế hoạch thời gian biểu 24 giờ cho chính mình, để nhịp sinh hoạt không bị xáo trộn, lượng công việc không bị ùn tắc dễ dẫn đến stress.

Một số trường hợp sốc tâm lý nặng có thể dẫn đến chứng trầm cảm. Viện Bác sĩ Gia đình Mỹ liệt kê trên HealthDay News những dấu hiệu cảnh báo chứng trầm cảm sau sinh:

- Cảm giác buồn và khóc dai dẳng.

- Rất ít muốn ăn.

- Tăng hoặc giảm cân đáng kể.

- Lo lắng, cáu kỉnh và bồn chồn.

- Không thể tìm thấy niềm vui hoặc sự thích thú trong cuộc sống.

- Cảm thấy kiệt sức hoặc không có động lực để làm việc.

- Mất ngủ.

- Cảm thấy tuyệt vọng, tội lỗi hoặc vô giá trị.

- Có rất ít sự quan tâm tới em bé mới sinh.

Ngay khi nhận ra những dấu hiệu này, bạn nên tìm đến bác sĩ tâm lý để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Theo VNE

(*) Bài đã được yeutre.vn đặt lại tít cho phù hợp với chuyên mục

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI