Muỗi Aedes truyền virus Zika có nhiều ở nước ta. Ảnh: AP.
Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, kết quả báo cáo từ các đơn vị kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu quốc tế, từ tháng 12/2015 đến nay chưa ghi nhận ca nghi ngờ mắc bệnh do virus Zika về từ vùng có dịch. Theo báo cáo của Viện Pasteur TP HCM, rà soát các mẫu bệnh phẩm từ bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết trong năm 2015 cũng không phát hiện trường hợp nào dương tính với virus Zika.
Đầu năm nay cơ quan chức năng cũng lấy mẫu xét nghiệm 83 người có triệu chứng tương tự bệnh do virus Zika tại 8 tỉnh có mật độ lưu hành muỗi Aedes cao khu vực phía Nam. Kết quả phát hiện 9 trường hợp ở Cần Thơ dương tính với Chikungunya, 5 người Đồng Nai và Đồng Tháp sốt xuất huyết Dengue; không có ca nào dương tính với virus Zika.
Như vậy, các kết quả giám sát cho thấy Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh do virus Zika. Dù vậy nguy cơ virus xâm nhập vào nước ta là hoàn toàn có thể. Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo việc thu thập mẫu bệnh phẩm từ các trường hợp nghi ngờ để kịp thời phát hiện bệnh xâm nhập cũng như ổ dịch tại cộng đồng nhằm xử lý sớm, không để dịch lây lan.
Cuối năm 2015 đến nay, tình hình dịch bệnh do virus Zika diễn biến phức tạp, lây lan nhanh trên nhiều quốc gia. 43 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận sự lưu hành virus Zika trong vòng 9 tháng qua, chủ yếu ở các nước thuộc khu vực Nam Mỹ, Caribe và quần đảo Thái Bình Dương.
Trung Quốc cũng vừa thông báo phát hiện 2 ca mới nhiễm virus Zika tại tỉnh Quảng Đông. Đây là 2 chị em vừa đi du lịch từ Venezuela, quốc gia đang có dịch về. Như vậy quốc gia này đã có 8 trường hợp nhiễm virus Zika và chính quyền nước này đã phát lệnh cảnh báo cao độ.
Để chủ động phòng chống bệnh do virus Zika xâm nhập và lây lan tại nước ta, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
- Phụ nữ có thai hoặc dự định có thai trong vòng 6 tháng tới không nên đến các quốc gia đang có dịch bệnh do virus Zika khi không cần thiết.
- Người đi/đến/về từ quốc gia đang có dịch bệnh chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 12 ngày, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị. Điện thoại đường dây nóng: 0989671115.
- Để phòng chống bệnh, người dân hãy áp dụng các biện pháp chống muỗi đốt, chủ động diệt muỗi và bọ gậy (loăng quăng).
Thời gian ủ bệnh 3-12 ngày. Khởi đầu, người bệnh có thể sốt nhẹ, ban dát sẩn trên da, đau đầu, đau mởi cơ khớp, viêm kết mạc… Điều trị triệu chứng là chính, bao gồm nghỉ ngơi, hạ sốt bằng paracetamol, không sử dụng aspirin và các thuốc giảm đau NSAID; bù nước và điện giải: uống đủ nước oresol hoặc nước sôi để nguội, nước trái cây; vệ sinh mắt bằng dung dịch nước muối sinh lý NaCl 0.9%. Đồng thời người bệnh chú ý theo dõi các biểu hiện tổn thương thần kinh như yếu, liệt cơ...
Theo VNE