Uống nước lá sầu đâu, coi chừng mất mạng

Đối với người dân An Giang, món gỏi sầu đâu được ví như đặc sản của địa phương và được nhiều khách thập phương ưa chuộng; thế nhưng mới đây, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM lại tiếp nhận một bé gái 2 tuổi đã tử vong sau khi uống nước lá sầu đâu để xổ giun.

banner ads

Tử vong sau khi xổ giun

Bác sĩ Bạch Văn Cam, cố vấn khối hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết: mới đây, bệnh viện này tiếp nhận một bé gái hai tuổi (ở Cần Đước, tỉnh Long An) nhập viện trong tình trạng co giật, hôn mê sau khi uống nước sắc từ lá, vỏ và hạt sầu đâu.

Trước khi nhập viện, bệnh nhi đã có biểu hiện nôn ói, đau bụng, tiêu chảy. Dù được thở oxy, rửa dạ dày, uống than hoạt tính... nhưng do bệnh nhi đến trễ nên đã tử vong sau đó.

Người nhà bệnh nhi kể, trước đây có xin một cây sầu đâu (xoan) ở miền Bắc về trồng trước sân để lấy bóng mát, gỗ dùng làm cột nhà. Khi cây lớn, trổ hoa màu tím rất đẹp và nghe nhiều người truyền miệng lấy lá, vỏ cây và hạt sầu đâu nấu nước uống sẽ tẩy giun cho nên gia đình đã làm theo.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, lá sầu đâu làm gỏi là món đặc sản của người dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nhất là An Giang. Ở các chợ, sầu đâu được buộc sẵn thành từng bó, bán như các loại rau.

banner ads

8154-saudau.jpg

Từ lâu, lá sầu đâu được biết đến là đặc sản của đồng bằng sông Cửu Long

Nhiều website, trang du lịch quảng cáo về món ăn từ lá sầu đâu như: “Cây sầu đâu ở miền Bắc, miền Trung có hoa màu tím, đặc biệt lá độc không ăn được; còn sầu đâu miền Tây có hoa trắng, lá đắng nhưng chứa hoạt chất giúp thông tiểu, thanh nhiệt, ngủ ngon, giảm đau nhức khớp, cao huyết áp, kể cả bệnh ngoài da. Hai loại lá này nhìn giống nhau nhưng chỉ khác nhau màu hoa. Theo người sành ăn, món này ăn thử lần đầu có vị đắng nhưng qua lần thứ hai là… ghiền. Lá sầu đâu sau khi lặt lấy những lá non, rửa sạch thì chần với nước sôi cho bớt đắng. Nếu thích vị đắng của sầu đâu thì chỉ cần ướp nước đá cho lá tươi giòn, rồi trộn với thịt ba chỉ thái nhỏ, tôm đất luộc, khô cá sặt...”.

Vậy, có bao nhiêu loại sầu đâu?

Không phải loại nào cũng ăn được

Bác sĩ Trần Văn Năm, Phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM cho biết, hiện nay ở nước ta có nhiều loại sầu đâu. Cây sầu đâu bản địa của Việt Nam có tên khoa học là meliaazedarach L. thuộc họ xoan (meliaceae) nên còn gọi là cây xoan, xoan trắng, sầu đông, thầu đâu, khổ luyện, xuyên luyện... Cây to, thân gỗ cao từ 8 - 15m, lá kép lông chim lẻ, cụm hoa mọc ở lá thành xim phân đôi, mọc trước hoặc cùng thời gian với lá non. Hoa có màu trắng hoặc tím nhạt.

Cây sầu đâu này hiện có tên trong danh sách dược liệu của Việt Nam. Các bộ phận của cây có vị đắng, tính lạnh nhưng chỉ vỏ rễ và vỏ thân cây mới được dùng trong y học. Hoạt chất chính trong vỏ rễ và thân là chất toosendamin, còn gọi là khổ luyện tố, có tác dụng diệt giun đũa, giun kim, chống nấm, chống độc tố botudin do vi khuẩn gây ra. Riêng các bộ phận khác của sầu đâu có chứa độc tố. Tùy vào liều lượng, độ mẫn cảm của đối tượng sử dụng mà mức độ độc tính cũng khác nhau.

Ăn quả sầu đâu có thể bị ngộ độc như: nôn mửa, tiêu chảy, suy thận, xuất huyết nội tạng, tim đập nhanh... Lá sầu đâu được dùng làm thuốc diệt côn trùng, sâu bọ chứ không ăn vì có thể gây nguy hiểm và cũng chưa được nghiên cứu nhiều. Theo kinh nghiệm dân gian, người ta cho lá sầu đâu vào chum đựng các loại hạt ngũ cốc, gạo... để tránh phát sinh nấm, sâu mọt hoặc dùng nước sắc lá sầu đâu (4kg lá trong 10 lít nước) phun lên lá cây bị sâu bọ ăn hại.

Cũng theo bác sĩ Năm, ngoài cây sầu đâu bản địa thì hiện ở nước ta còn có thêm hai loại là sầu đâu Ấn Độ và sầu đâu rừng. Cây sầu đâu Ấn Độ còn có tên khác là cây nim, có thể dùng để làm gỏi (còn gọi là xoan ăn gỏi). Sầu đâu Ấn Độ đang được trồng nhiều và phát triển tốt tại Ninh Thuận.

Ngành y học Ấn Độ dùng các bộ phận của cây này để trị bệnh ngoài da, kháng khuẩn, chữa vết loét, trị nấm... nhưng chưa được nghiên cứu nhiều tại Việt Nam. Đây có thể là cây mà người dân các tỉnh miền Tây dùng lá để ăn gỏi.

Còn sầu đâu rừng có tên khoa học bruceajavanica (L.)merr., thuộc họ thanh thất (simaroubaceae), cây dạng tiểu mộc, mọc thành bụi, chùm; còn gọi là sầu đâu cứt chuột, khổ luyện tử, nha đảm tử, khổ sâm... Loại này có công dụng và độc tính giống sầu đâu bản địa.

Như vậy, trong ba loại sầu đâu nói trên, chỉ có loại sầu đâu Ấn Độ là được sử dụng để ăn. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, nhìn chung các loại sầu đâu đều có dược tính, tuy đem lại lợi ích trị bệnh nhưng độc tính cũng cao. Nếu sử dụng không đúng và quá liều có thể ảnh hưởng xấu, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Vì vậy, người dân không nên sử dụng làm thuốc hoặc rau ăn hằng ngày một cách tùy tiện, đặc biệt, không nên ăn một lúc quá nhiều vì độc tố sẽ vượt khả năng chịu đựng của cơ thể.

Theo PN

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI